|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá xăng lên cao kỷ lục: Mỹ đổ lỗi cho ông Putin, nhưng lý do chính lại là ông Biden

16:15 | 17/03/2022
Chia sẻ
Cuộc xung đột Nga – Ukraine gần đây là một phần lý do khiến giá nhiên liệu tại Mỹ tăng nóng, nhưng những quyết sách của ông Biden trong hai năm qua mới là tác nhân chủ yếu.
Giá xăng lên cao kỷ lục: Mỹ đổ lỗi cho ông Putin, nhưng lý do chính lại là ông Biden - Ảnh 1.

Theo thống kê của Trung tâm Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), giá xăng trung bình tại Mỹ những ngày giữa tháng 3 là khoảng 4,25 USD/gallon, tương đương 1,12 USD/lít. Con số này tuy còn thấp hơn Việt Nam nhưng đã là mức cao chưa từng thấy trong lịch sử nước Mỹ, vượt qua đỉnh cũ giai đoạn 2008 và 2011 như thể hiện trong biểu đồ trên.

Tỷ lệ lạm phát của Mỹ tháng 2 vừa qua là 7,9%, cao nhất trong 4 thập kỷ gần đây, nguyên nhân chủ yếu cũng là do giá nhiên liệu lên cao.

Giá xăng tại Mỹ tăng mạnh theo giá dầu trên thị trường quốc tế sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine ngày 24/2.

Hôm 4/3, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki đã đổ lỗi cho Tổng thống Nga Vladimir Putin, đồng thời khẳng định Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hành động đúng đắn:

"Giá xăng tăng không phải vì chính sách của Tổng thống Mỹ mà là vì Tổng thống Nga đã xâm lược Ukraine. Cuộc chiến này gây ra rất nhiều bất ổn trên thị trường toàn cầu", bà Psaki phát biểu trước các phóng viên tại Nhà Trắng.

Giá xăng lên cao kỷ lục: Mỹ đổ lỗi cho ông Putin, nhưng lý do chính lại là ông Biden - Ảnh 2.

Một cây xăng tại Mỹ. (Ảnh: Bloomberg).

Ông Biden cũng có tuyên bố tương tự: "Giá xăng tăng thêm 1,05 USD/gallon. Lý do chính là Putin tập trung quân dọc biên giới Ukraine rồi sau đó tràn qua. Đà tăng sốc của giá xăng hiện nay chủ yếu là lỗi của Vladimir Putin". (1 gallon = gần 3,8 lít)

Tổng thống Mỹ còn cố gắng hướng sự chú ý của dư luận sang phía các tập đoàn năng lượng. Trong khoảng một tuần gần đây, giá dầu thô đã lao dốc từ trên 130 USD/thùng xuống dưới 100 USD/thùng và ông Biden cho rằng các doanh nghiệp cũng cần hạ giá xăng.

Ngày 16/3, Tổng thống Mỹ viết trên Facebook: "Giá dầu đang giảm, giá xăng cũng nên như vậy. Trước đây khi giá dầu đang là 96 USD/thùng, giá xăng là 3,62 USD/gallon. Bây giờ giá dầu cũng thế nhưng giá xăng lại là 4,31 USD/gallon".

Những tuyên bố này từ phía Nhà Trắng đã phớt lờ đi thực tế là giá xăng nói riêng và lạm phát nói chung đã tăng trong suốt nhiều tháng qua, trước khi cuộc xung đột Ukraine làm thị trường hoảng loạn.

Giá xăng lên cao kỷ lục: Mỹ đổ lỗi cho ông Putin, nhưng lý do chính lại là ông Biden - Ảnh 3.

Sai lầm của ông Biden

Ngay từ những ngày đầu nhậm chức Tổng thống, ông Biden đã đưa ra nhiều chính sách khiến nhiên liệu thêm đắt đỏ.

Một trong những sắc lệnh đầu tiên của ông Biden sau khi vào Nhà Trắng hồi tháng 1/2020 là khai tử dự án đường ống dẫn dầu Keystone XL mà người tiền nhiệm Donald Trump từng ủng hộ. Đường ống này dài hơn 3.300 km, chạy từ Canada đến bang Texas. Nếu được đưa vào vận hành, đường ống trị giá 8 tỷ USD này sẽ vận chuyển 800.000 thùng dầu mỗi ngày.

Vào tháng 1/2021, ông Biden lại dừng cấp phép thăm dò và khai thác dầu khí trên mặt đất và mặt nước của Mỹ. Quyết định của ông Biden trái ngược hoàn toàn với chính sách dưới thời ông Trump và được đưa ra nhằm giảm phát thải khí nhà kính và biến đổi khí hậu.

Giai đoạn 2016 – 2020, Tổng thống Donald Trump và Đảng Cộng hòa nới lỏng các tiêu chuẩn về môi trường và ưu tiên cấp phép khai thác dầu khí nhằm tăng cường tự chủ năng lượng.

Ông Biden lại ưu tiên vấn đề môi trường và hệ quả là năng lực sản xuất dầu khí của Mỹ giảm xuống, Washington phải kêu gọi khối OPEC+ nâng sản lượng. Hai thành viên chủ lực của OPEC+ không ai khác chính là Nga và Arab Saudi.

Ngày 11/8/2021, Nhà Trắng đăng thông cáo của Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan có đoạn viết: "Tuy OPEC+ đã đồng ý tăng sản lượng nhưng vẫn chưa đủ đề bù lại những lần cắt giảm trong đại dịch. Trong thời khắc quan trọng với sự hồi phục toàn cầu như hiện nay, hành động này là chưa đủ".

Thay vì phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga và các nước OPEC, chính phủ Mỹ có thể tìm cách tăng sản lượng dầu của Mỹ, nhưng ông Biden đã không làm như vậy. Hệ quả là giá xăng trung bình tại Mỹ năm 2021 tăng lên mức cao nhất 7 năm.

Cuộc xung đột Nga – Ukraine nổ ra vào ngày 24/2/2022 và là một phần lý do khiến cho giá năng lượng toàn cầu lên cao trong đầu năm nay. Song Mỹ không thể đổ tất cả tội lỗi lên đầu Tổng thống Nga Vladimir Putin khi mà giá xăng dầu tăng mạnh từ 2021.

Giá xăng lên cao kỷ lục: Mỹ đổ lỗi cho ông Putin, nhưng lý do chính lại là ông Biden - Ảnh 4.

Tháng 12/2021, ông Christopher Wood, Giám đốc Chiến lược cổ phiếu toàn cầu tại ngân hàng đầu tư Jefferies đã dự báo giá dầu có thể tăng vọt lên 150 USD/thùng vì nền kinh tế toàn cầu mở cửa cũng như nguồn cung bị giới hạn.

Việc ngành nhiên liệu hóa thạch phải hứng chịu các "cuộc tấn công chính trị" trong các năm qua đã khiến cho dòng vốn đầu tư mới không còn động lực để chảy vào dầu mỏ và khí đốt, ông Wood nhận định.

Nhà Trắng muốn người khác tin rằng việc giá nhiên liệu tăng cao là do Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhưng các chính sách mà ông Biden ban hành từ lâu đã làm suy yếu ngành năng lượng và khiến Mỹ thêm phụ thuộc vào nguồn cung của nước ngoài.

Mỹ ít mua dầu từ Nga, vì sao giá xăng vẫn tăng?

Hôm 8/3, Tổng thống Joe Biden tuyên bố Mỹ sẽ dừng nhập năng lượng của Nga. "Hôm nay, tôi xin thông báo Mỹ sẽ đánh vào động mạch chủ của nền kinh tế Nga. Chúng ta sẽ cấm nhập khẩu tất cả dầu và khí đốt từ Nga", ông Biden phát biểu tại Nhà Trắng.

Giá xăng lên cao kỷ lục: Mỹ đổ lỗi cho ông Putin, nhưng lý do chính lại là ông Biden - Ảnh 5.

Sở dĩ ông Biden có có thể tuyên bố hùng hồn như vậy là bởi dầu thô từ Nga chỉ chiếm khoảng 3% tổng lượng nhập khẩu của Mỹ, như thể hiện trong biểu đồ bên trên. Châu Âu chưa dám đưa ra động thái tương tự vì lục địa này phụ thuộc nặng nề vào năng lượng Nga.

Nếu mức độ lệ thuộc của Mỹ cũng lớn như của châu Âu, chắc ông Biden đã không dám "đánh vào động mạch chủ của nền kinh tế Nga".

Tuy giao dịch dầu khí giữa Mỹ và Nga không lớn nhưng sau thông báo của ông Biden, giá dầu thô vẫn bật tăng 7% và giá xăng của Mỹ tuần sau đó vẫn đi lên.

Nguyên nhân là tính toàn cầu của thị trường năng lượng, một cú sốc ở khu vực này có thể ảnh hưởng mạnh tới giá ở nửa kia của thế giới. Khi không mua dầu của Nga, Mỹ sẽ phải tìm nguồn cung thay thế, chẳng hạn như các nước OPEC.

Nhiều doanh nghiệp trên khắp thế giới cũng tự động chấm dứt làm ăn với Nga để tránh rủi ro địa chính trị cũng như sự phản đối của dư luận. Các doanh nghiệp này cũng tìm đến OPEC để mua năng lượng.

Nhu cầu với dầu của OPEC tăng lên khiến tổ chức này nâng giá bán.

Giá xăng lên cao kỷ lục: Mỹ đổ lỗi cho ông Putin, nhưng lý do chính lại là ông Biden - Ảnh 7.

Năm 2021, Nga sản xuất 9,7 triệu thùng dầu mỗi ngày, đứng thứ 2 thế giới. Mỹ dẫn đầu với 10,2 triệu thùng mỗi ngày. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tại Mỹ đã hoạt động gần hết công suất và khó lòng tăng sản lượng.

Nhiều công ty năng lượng Mỹ phá sản khi giá dầu giảm sâu xuống mức âm trong tháng 4/2020 và các chính sách hạn chế nhiên liệu hóa thạch của ông Biden làm triệt tiêu động lực đầu tư mới.

Song Ngọc - Đức Quyền