Ông Putin gặp gỡ thân tình các nữ tiếp viên, không cách xa 6 m như khi tiếp nguyên thủ, bộ trưởng
Ngày 5/3 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tới thăm Trung tâm huấn luyện hàng không Aeroflot và trò chuyện cùng các cán bộ, nhân viên tại đây. Theo các hình ảnh được Điện Kremlin công bố, ông Putin đứng chụp hình sát cạnh các nữ tiếp viên trong trang phục đỏ đặc trưng của Aeroflot.
Ngoài ra, Tổng thống Nga còn ngồi cạnh nhiều cán bộ, nhân viên Aeroflot để nói chuyện về ngành hàng không và cuộc xung đột tại Ukraine.
Những hình ảnh ông Putin bên cạnh các nữ tiếp viên Aeroflot mới đây tương phản hoàn toàn với những bức ảnh chụp khi ông gặp các nguyên thủ của Pháp, Đức hay trong các cuộc họp với thành viên chính phủ Nga trong tháng 2 vừa qua.
Hôm 7/2, ông Putin và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngồi ở hai đầu của một chiếc bàn dài 6 mét để thảo luận với nhau trong suốt 5 giờ đồng hồ về an ninh của Nga, Ukraine và châu Âu.
Chính phủ của cả Nga và Pháp đều đưa ra chung một lý do về việc hai nhà lãnh đạo ngồi cách xa nhau một cách bất thường: Phía Nga muốn lấy mẫu xét nghiệm PCR xem ông Macron có nhiễm COVID hay không, nhưng Pháp không muốn để Nga có được mẫu DNA của Tổng thống nước mình.
Hôm 15/2, ông Putin lại ngồi nói chuyện với Thủ tướng Đức Olaf Scholz ở hai đầu của chiếc bàn dài đó, cũng về chủ đề đã nói với ông Macron.
Cũng giống như Tổng thống Pháp, nhà lãnh đạo nước Đức cũng không muốn để mẫu DNA của mình lọt vào tay Nga nên thà ngồi cách xa nhau còn hơn làm xét nghiệp COVID.
Nguồn tin của Reuters cho biết ông Putin cần phải được bảo vệ trong một "bong bóng y tế" hết sức nghiêm ngặt.
Ngày 21/2, ông Putin họp với hội đồng an ninh quốc gia Nga trước khi tuyên bố công nhận chủ quyền của hai vùng lãnh thổ ly khai ở miền đông Ukraine là Donetsk và Luhansk. Lần này, ông Putin ngồi một mình một bàn, cách xa các quan chức Nga tới cả chục mét.
Ngày 27/2, ông Putin gặp Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu và Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov để ra lệnh đặt lực lượng răn đe hạt nhân trong trạng thái báo động cao. Hai tướng lĩnh quân đội Nga ngồi cạnh nhau và cách xa ông Putin khoảng 6 mét.
Rõ ràng không thể có chuyện chính các quan chức Nga lại từ chối xét nghiệm PCR như nguyên thủ của Pháp và Đức từng làm trước khi gặp ông Putin. Nga tự sản xuất được vắc xin và cũng khó có chuyện các bộ trưởng của Nga chưa đến lượt tiêm. Vì vậy, lý do ông Putin lo bị lây nhiễm COVID không còn hợp lý.
Truyền thông Phương Tây suy đoán rằng ông Putin ngồi cách xa cấp dưới của mình là để thể hiện uy quyền tuyệt đối, cho thấy không ai có thể sánh ngang với ông và có thể làm trái lời ông. Còn việc ông ngồi xa các nguyên thủ quốc gia khác là một chiến thuật đàm phán.
Việc ông Putin tiếp xúc gần với nhân viên của hãng hàng không Aeroflot có khả năng nhằm mục đích thể hiện ông là vị lãnh đạo dễ mến, hòa mình cùng nhân dân lao động.
Gần đây, ông Putin chỉ tiếp xúc trực tiếp với hai nguyên thủ quốc gia khác. Một là Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro tại Moscow hôm 1/2. Hai là Chủ tịch Tập Cận Bình tại lễ khai mạc Olympics mùa đông hôm 4/2. Hai ông đã bắt tay, uống trà với nhau và đi thăm nhiều nơi cùng nhau.
Aeroflot là hãng hàng không quốc gia của Nga, đạt tiêu chuẩn 4 sao của Skytrax, tương đương với Vietnam Airlines của nước ta. Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị toàn cầu vì cuộc xung đột tại Ukraine, Aeroflot và các hãng hàng không khác của Nga đã bị cấm bay qua bầu trời châu Âu và Mỹ.
Nhiều thông tin quan trọng trong buổi gặp ngắn của ông Putin
Ngay trước chuyến thăm của ông Putin, Aeroflot đã thông báo sẽ dừng mọi chuyến bay quốc tế ngoại trừ các chặng đi và đến Belarus – nước đồng minh thân cận của Nga và cũng đang phải chịu cấm vận của Phương Tây vì giúp đỡ Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã đóng cửa không phận với tàu bay Nga, và Nga cũng đã đáp trả tương ứng. Về lý thuyết, hàng không Nga vẫn có thể bay về phía đông, tới các nước châu Á như Mông Cổ, Trung Quốc hay khu vực ASEAN.
Tuy nhiên, Nga lo ngại rằng các máy bay của mình có thể bị nước ngoài tịch thu, giống như đã làm với du thuyền của các tỷ phú Nga. Để cho chắc ăn, tàu bay Nga sẽ chỉ di chuyển nội địa và đi/đến Belarus.
Khi đến thăm trung tâm huấn luyện của Aeroflot ngày 5/3, ông Putin đã trực tiếp tham quan các khu vực đào tạo nghiệp vụ cứu nạn dưới nước, chữa cháy trên không. Ông cũng tự mình trải nghiệm buồng lái mô phỏng các loại máy bay như MC-21 và Sukhoi Superjet 100 do Nga thiết kế và chế tạo.
Tổng thống Nga cho biết ông được Bộ trưởng Giao thông Vitaly Savelyev mời đến thăm trung tâm huấn luyện Aeroflot này từ lâu. Khi ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 đến gần, ông Putin quyết định không thể hoãn chuyến thăm được nữa.
Sau khi khen ngợi Aeroflot và chúc mừng các nữ tiếp viên, phi công cùng nhiều nhân viên khác, ông Putin đã nói về vấn đề mà người dân Nga cũng như dư luận thế giới quan tâm nhất: cuộc xung đột ở Ukraine.
Người dân Nga luôn dành sự tôn trọng và quan tâm đặc biệt dành cho ngành hàng không, nhất là phụ nữ trong hàng không. Các nữ phi công Nga đầu tiên xuất hiện trong thế kỷ 20 và những người phụ nữ này đã làm nên tên tuổi của mình trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại.
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói ngày 5/3/2022.
Vùng cấm bay
Ukraine đang kêu gọi Mỹ và NATO thiết lập một vùng cấm bay trên bầu trời Ukraine nhằm triệt tiêu ưu thế về không quân của Nga. Tuy nhiên Mỹ đã khẳng định việc này là không khả thi.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 5/3 nói: "Cách duy nhất để thực sự thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine là đưa máy bay và phi công NATO đến rồi bắn rơi tàu bay Nga. Làm vậy sẽ dẫn tới một cuộc chiến tranh tổng lực ở châu Âu. Tổng thống Biden đã nói rất rõ rằng Mỹ sẽ không lao vào một cuộc chiến tranh với Nga".
Ông Putin nói với các tiếp viên Aeroflot, đồng thời gửi thông điệp đe dọa tới Phương Tây: "Việc thiết lập vùng cấm bay là không thể thực hiện được ở Ukraine, chỉ có thể làm ở các nước lân cận. Tuy nhiên, Nga sẽ coi bất kỳ động thái nào theo hướng này là tham gia vào chiến tranh vũ trang, nếu quân nhân Nga bị đe dọa".
"Nga sẽ coi những nước [thiết lập vùng cấm bay] là kẻ thù ngay lập tức. Việc các nước đó là thành viên của bất kỳ tổ chức nào cũng không có nghĩa lý gì. Vì vậy, tôi hy vọng các bên hiểu rõ điều này và đừng để mọi chuyện đi quá xa", Tổng thống Nga nói.
Vì sao Nga tấn công toàn diện?
Ông Putin cáo buộc chính quyền Kiev đàn áp nhân dân hai khu vực cộng hòa ly khai Donetsk và Luhansk mà Nga công nhận độc lập hôm 21/2. Tại sao Nga không đơn thuần hỗ trợ hai vùng đất này chống lại quân chính phủ Ukraine mà phải tấn công quân sự toàn diện từ cả ba hướng đông, bắc và nam?
Theo ông Putin, nếu Nga hỗ trợ hai nhà nước tự xưng ở Donbass thì Phương Tây cũng sẽ bơm tiền của và vũ khí cho Kiev và cuộc chiến sẽ kéo dài mãi. Vì vậy, Nga quyết định tấn công với mục tiêu là lật đổ chính quyền trung ương Ukraine tại Kiev.
"Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu Nga quyết định phá hủy tất cả cơ sở hạ tầng quân sự, hiện chưa xong nhưng cũng đã gần hết: kho vũ khí và đạn dược, máy bay và hệ thống phòng không".
"Tiêu diệt hệ thống phòng không là việc cần thời gian, các bạn không ở trong quân ngũ nhưng làm trong ngành hàng không nên chắc cũng hiểu. Phải xác định mục tiêu rồi mới phá hủy được. Công việc này đã xong gần như hoàn toàn, vậy nên quân địch mới bàn chuyện thiết lập vùng cấm bay", ông Putin nói thêm.
"[Lập vùng cấm bay] sẽ gây ra những hệ quả nghiêm trọng và thảm khốc không chỉ cho châu Âu mà còn cho toàn cầu. Tôi nghĩ phía bên kia có thể hiểu được điều này".
Ông Putin cũng khẳng định binh lính Nga đang chiến đấu một cách từ tốn, không vội vàng để đảm bảo an toàn của thường dân.
Không có lính nghĩa vụ
Khi một nữ phi công của Aerofot hỏi về nguy cơ Nga ban bố thiết quân luật và đưa lính nghĩa vụ tới Ukraine tham chiến, ông Putin đã lập tức trấn an rằng các điều kiện hiện nay chưa đến mức phải ban hành thiết quân luật.
"Chỉ có các quân nhân chuyên nghiệp – gồm binh sĩ và sĩ quan – mới đang tham gia vào chiến dịch này. Hiện nay hoàn toàn không có lính nghĩa vụ và chúng tôi cũng không có kế hoạch dùng đến lính nghĩa vụ. Để tôi nhắc lại: Chỉ có những người lính tình nguyện bảo vệ Đất Mẹ mới đang tham gia vào chiến dịch này".
"Nhiều người trẻ đã đến các trạm tuyển quân để nhập ngũ, chúng ta biết ơn họ vì hành động yêu nước và mong muốn hỗ trợ quân đội. Việc các thanh niên xung phong nhập ngũ có ý nghĩa rất lớn. Tuy nhiên, hiện tại chúng ta chưa cần đến sự hỗ trợ của các thanh niên này, và tôi nghĩ là trong tương lai cũng sẽ không cần", ông Putin khẳng định.
"Chúng ta sẽ không dùng đến lính nghĩa vụ hoặc quân dự bị trong chiến dịch quân sự này. Tôi tin chắc rằng quân đội ta sẽ hoàn thành nhiệm vụ trước mắt, tôi không có chút nghi ngờ gì về điều này. Diễn biến của chiến dịch đã chứng minh điều đó, tất cả đều diễn ra theo kế hoạch của Bộ Tổng tham mưu".
Phía Ukraine đưa ra nhiều thông tin trái ngược với ông Putin. Kiev tuyên bố đã bắt được hàng trăm tù binh Nga, nhiều người còn rất trẻ, chỉ 19-20 tuổi và hầu như chưa được huấn luyện gì. Nhiều tù binh Nga nói rằng đã bị lừa tham chiến tại Ukraine, Kiev tuyên bố.
Ông Putin cũng chỉ trích Phương Tây vì các phát ngôn liều lĩnh. "Bà Ngoại trưởng Anh buột miệng nói rằng NATO có thể tham gia vào cuộc xung đột này. Và chúng ta buộc phải đưa ra quyết định đặt lực lượng răn đe hạt nhân vào tình trạng báo động cao".
"Ngay lập tức bọn họ nói rằng tất cả chỉ là hiểu lầm, nhưng không ai đứng ra bác bỏ lời của bà ta cả. Họ có thể nói với chúng ta rằng: Mấy lời đó chỉ là ý kiến cá nhân của bà Ngoại trưởng Anh thôi, đừng để ý. Nhưng thực tế không ai nói lời nào. Vậy chúng ta phải nghĩ thế nào đây? Tất nhiên chúng ta phải coi phát biểu đó là một lời cảnh báo và hành động tương ứng", ông Putin nói.