|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tỷ phú Bill Ackman: Chiến tranh thế giới thứ ba rất có thể đã bắt đầu

10:23 | 08/03/2022
Chia sẻ
Tỷ phú đầu cơ Bill Ackman cảnh báo chiến tranh thế giới thứ ba "rất có thể đã bắt đầu" trong lúc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine diễn ra. Theo ông, chìa khóa để chấm dứt khủng hoảng ở Ukraine nằm trong tay Trung Quốc.
Tỷ phú Bill Ackman: Chiến tranh Thế giới thứ ba rất có thể đã bắt đầu - Ảnh 1.

Tỷ phú Bill Ackman, CEO Pershing Square Capital. (Ảnh: Bloomberg, đồ họa: New York Post).

"Chiến tranh thế giới thứ ba rất có thể đã bắt đầu"

Trên Twitter ngày 6/3, thiên tài đầu cơ Bill Ackman viết: "Hồi tháng 1/2020, tôi từng có những cơn ác mộng về khả năng xảy ra một đại dịch, nhưng dường như tất cả mọi người đều nghĩ tôi là kẻ điên. Giờ tôi đang gặp ác mộng tương tự".

Đầu năm 2020, khi Mỹ báo cáo chưa đến 7.000 ca mắc COVID-19, ông Ackman đã kêu gọi cả nước phong tỏa và cảnh báo "địa ngục đang đến gần" trong cuộc phỏng vấn với CNBC. Về sau vị tỷ phú này bị cáo buộc gieo rắc sự sợ hãi trên thị trường khi quỹ Pershing Square Capital của ông thông báo lãi hơn 2 tỷ USD từ việc bán khống.

Hôm 6/3, ông Ackman nói rằng: "Chiến tranh thế giới thứ ba rất có thể đã bắt đầu, chỉ là chúng ta hơi chậm chạp trong việc nhận ra nó". Tuy nhiên, ông nói thêm rằng "Mỹ có thể làm rất nhiều việc trước khi tiến tới chiến tranh nóng với Nga".

"Mỹ có thể ngừng hành động phi lý là mua dầu thô từ Nga và tài trợ cho chiến tranh. Châu Âu cũng có thể làm theo khi nhu cầu khí đốt hạ nhiệt vào mùa xuân".

Hôm 7/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tiếp tục kêu gọi quốc tế tẩy chay các sản phẩm dầu mỏ của Nga. Các quan chức Liên minh châu Âu (EU) dự kiến trong ngày 8/3 sẽ bàn luận các đề xuất để chấm dứt sự phụ thuộc của khối vào nhiên liệu hóa thạch của Nga.

Giá dầu Brent và WTI tương lai đều lập đỉnh lịch sử vào ngày 7/3 khi nhà đầu tư lo ngại về khả năng Mỹ cấm vận dầu Nga.

Phương Tây đã "khiêu khích ông Putin"

Ông Ackman đề xuất rằng các thành viên NATO có thể hỗ trợ Ukraine mà không cần gửi quân ra chiến trường bằng cách cung cấp cho nước này vũ khí, tình báo và máy bay không người lái tốt nhất của phương Tây.

"Người Ukraine đã chứng minh rằng họ có thể giành chiến thắng với vũ khí và nguồn lực phù hợp, trừ khi hoặc trước khi Putin dùng đến vũ khí hạt nhân. Lý do Mỹ và các đồng minh chưa hỗ trợ thêm có vẻ là vì sợ sẽ kích động ông Putin".

Song, ông cho rằng phương Tây đã khiêu khích Tổng thống Nga Vladimir Putin khi gửi Ukraine những vũ khí cho phép nước này ngăn chặn Nga tiến quân sâu hơn.

Theo CNBC, nhiều quốc gia trên khắp thế giới đã cung cấp vũ khí và tài trợ cho Ukraine để giúp họ tự vệ trước lực lượng quân sự của Nga. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã xin Quốc hội phê chuẩn gói hỗ trợ trị giá hàng tỷ USD dành cho Ukraine từ khi Nga mở màn tấn công ngày 24/2.

Tuy nhiên, ông Ackman cho rằng việc NATO miễn cưỡng can thiệp do mối đe dọa hạt nhân từ Nga là một chiến lược tồi.

"Vậy rồi chúng ta sẽ làm gì khi Putin muốn nhiều hơn?" ông Ackman đặt câu hỏi. "Mối đe dọa hạt nhân vẫn còn đó khi ông Putin cho quân tiến đánh nước khác, dù quốc gia ấy có phải là thành viên NATO hay không, và đến lúc đó thì vị thế chiến lược của phương Tây đã xấu hơn trước".

Tuần trước, ông Putin đã đặt lực lượng vũ khí hạt nhân của Nga trong tình trạng báo động cấp cao nhất, cảnh báo rằng bất kỳ nước nào cố gắng can thiệp vào Ukraine sẽ gánh chịu hậu quả nghiêm trọng chưa từng thấy trong lịch sử.

Nhưng ông Ackman nói tham vọng của ông Putin đã lớn lên vì "chúng ta không làm gì để ngăn chặn ông ta" trong các chiến dịch quân sự trước đây của Nga.

Quân đội Nga giao tranh với láng giềng Gruzia vào năm 2008, nhưng động thái này chỉ vấp phải sự "im hơi lặng tiếng một cách đáng ngạc nhiên" của cộng đồng quốc tế.

Tổ chức Atlantic Council cho rằng phản ứng yếu ớt nói trên không khác gì "lời mời gọi ngầm để Moscow hành động hung hăng hơn nữa trong phạm vi ảnh hưởng truyền thống của Nga". Đến năm 2014, Nga lại sáp nhập Crimea, bán đảo ở miền nam Ukraine.

Theo ông Ackman, "chúng ta đang ở giai đoạn đầu trong khát vọng toàn cầu của Putin. Với mỗi 'chiến thắng', Putin càng trở nên táo bạo và muốn giành thêm lãnh thổ. Ông ta đang thử thách phương Tây, và chúng ta đang thất bại trong mọi mặt trận".

Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Thủ tướng Anh Boris Johnson đều đã loại trừ khả năng đem quân đến Ukraine hoặc áp đặt vùng cấm bay ở không phận nước này. Lý do là động thái như vậy sẽ khiến xung đột leo thang và gia tăng tổn thất nhân mạng.

Tuy nhiên, ông Biden đã hứa Mỹ và các đồng minh sẽ bảo vệ "từng xăng-ti-mét lãnh thổ của các nước NATO với sức mạnh tổng lực của liên minh".

Ông Ackman chất vấn: "Bằng việc vạch ra ranh giới chỉ giúp đỡ các nước thành viên NATO, phải chăng hành động của ông Biden đã cho Putin toàn quyền để tiến vào và khuất phục Thụy Điển, Phần Lan, Cyprus, Ireland, Áo, Malta và Thụy Sĩ, và phần còn lại của Liên Xô cũ?"

Vai trò của Trung Quốc

Ông Ackman ngờ rằng xung đột ở Ukraine "sẽ chỉ càng tệ đi". Vị tỷ phú cho rằng cách duy nhất để ngăn chặn Nga tấn công nhiều quốc gia hơn là phương Tây sử dụng mọi biện pháp trừng phạt kinh tế có thể và cung cấp cho Ukraine mọi vũ khí mà họ cần để tự vệ.

Ông nói thêm rằng nếu trừng phạt kinh tế không tạo ra được ảnh hướng đến hành động của Tổng thống Nga thì NATO nên cân nhắc lại về việc đặt vùng cấm bay ở Ukraine.

Tuy nhiên, theo ý ông Ackman thì đến cuối cùng, chìa khóa để chấm dứt khủng hoảng ở Ukraine nằm ở Trung Quốc.

"Cách tích cực duy nhất để chấm dứt cuộc chiến này là Trung Quốc can thiệp và dàn xếp lệnh ngừng bắn và hòa giải thực sự. Phía Ukraine có thể đồng ý sẽ không bao giờ gia nhập NATO. Về phần mình, Nga có thể rút quân và các lệnh trừng phạt chấm dứt".

Ông Ackman phỏng đoán: "Putin tôn trọng và nhiều khả năng là sợ Trung Quốc. Trung Quốc cũng có thể nâng vị thế trên trường quốc tế bằng cách giúp giải quyết cuộc khủng hoảng này. Thời gian không còn nhiều nữa trước khi có thêm nhiều đứa trẻ sơ sinh thiệt mạng".

Cho đến nay, Trung Quốc, đồng minh kinh tế và chiến lược của Moscow, chưa áp đặt lệnh trừng phạt nào lên Nga. Bắc Kinh cũng không gọi chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine là một cuộc xâm lược. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã kêu gọi thương thảo ngoại giao và chấm dứt các hành động thù địch ở Ukraine.

Trong chương trình của CNBC hôm 7/3, nhà kinh tế Stephen Roach cũng nói rằng Trung Quốc đang "nắm giữ con át chủ bài" trong việc theo đuổi thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine

Ông Roach nói: "Chỉ có duy nhất một người trên thế giới có tác động lên Vladimir Putin – và đó là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình".

Giang