Rủi ro xung đột Nga – Ukraine biến thành chiến tranh thế giới: Nguy cơ lớn đến đâu?
Từ chiến sự Ukraine đến chiến tranh thế giới
Tổng thống Nga Vladimir Putin là người kiểm soát kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới và vài ngày trước, ông đã đặt lực lượng răn đe hạt nhân của Nga vào tình trạng báo động cao.
Trong khi quân đội Nga đang bao vây và tấn công các thành phố của Ukraine, các quốc gia Phương Tây phải hành xử thận trọng để không đối đầu trực tiếp với ông Putin trên chiến trường.
Mỹ và nhiều thành viên NATO khác tiếp tục hỗ trợ tin tình báo, vũ khí, và nhiều trang thiết bị quân sự nhưng tuyên bố sẽ không thiết lập một vùng cấm bay trên bầu trời Ukraine. Các quốc gia EU cung cấp cho Ukraine vũ khí phòng không nhưng kiên quyết không cho máy bay chiến đấu. Đến nay, chưa nước nào dám gửi quân chính quy tham chiến ở Ukraine.
Mặc dù vậy, theo Politico, các quan chức, nhà ngoại giao và chuyên gia phân tích quân sự Phương Tây vẫn nhận thấy có rủi ro cực lớn rằng Mỹ và các nước NATO khác có thể bị lôi vào cuộc chiến bất cứ lúc nào.
Một nhà phân tích tại Washington nhận định: "Kịch bản chiến tranh thứ nhất là do sai sót. Phía Nga bắn một quả tên lửa sang Ba Lan. Đây là điều có thể xảy ra và mọi chuyện sẽ leo thang rất nhanh. Chúng ta phải đáp trả, không thể không làm gì được".
Ba Lan là một thành viên của NATO và có chung đường biên giới với dài Ukraine. Kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự ở Ukraine, hơn một triệu dân thường đã chạy sang Ba Lan tị nạn. Tổng số người phải bỏ lại nhà cửa tại Ukraine là hơn hai triệu.
"Một kịch bản khác là phản ứng của dư luận về các tội ác chống lại loài người mạnh mẽ tới nỗi chúng ta cảm thấy cần phải thực hiện những hành động mà ta coi là hạn chế và thận trọng", nhà phân tích tại Washington nói thêm.
Tuy nhiên, phía Nga có thể không coi những hành động của Mỹ và NATO là hạn chế và thận trọng. "Thiết lập một vùng cấm bay đồng nghĩa với việc phải giết chết lính Nga. Bất kể việc gì dẫn tới lính Nga thiệt mạng đều sẽ đẩy chúng ta vào Chiến tranh Thế giới thứ 3".
Trong lịch sử, NATO từng đem quân tấn công nước khác vì lí do "ngăn chặn một thảm họa nhân đạo" chứ không phải vì một nước thành viên bị xâm lược như quy định trong Điều 5 của Hiến chương NATO. Vì vậy, kể cả khi Nga không vượt qua biên giới NATO, chiến tranh quy mô lớn vẫn có thể nổ ra.
Cho đến nay, Phương Tây đã nhiều lần bác bỏ yêu cầu lập vùng cấm bay của phía Ukraine. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 5/3 nói: "Cách duy nhất để thực sự thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine là đưa máy bay và phi công NATO đến rồi bắn rơi máy bay Nga. Làm vậy sẽ dẫn tới một cuộc chiến tranh tổng lực ở châu Âu. Tổng thống Biden đã nói rất rõ rằng Mỹ sẽ không lao vào một cuộc chiến tranh với Nga".
Tuy nhiên, các rủi ro khác vẫn đang hiện hữu. Tuần trước, đạn pháo bắn trúng nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu tại thành phố Zaporizhzhia, phía đông nam Ukraine. Một tòa nhà trong nhà máy đã bốc cháy.
Ngọn lửa sau đó đã được khống chế và không phát hiện rò rỉ phóng xạ, nhưng thế giới đã phải một phen thót tim. Nguy cơ thảm họa hạt nhân Chernobyl năm 1986 tái diễn tại châu Âu cũng có thể khiến các nước Phương Tây can thiệp vào cuộc xung đột Ukraine, dẫn tới chiến tranh lan rộng.
Nhiều sự việc khác tưởng chừng như nhỏ nhặt nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ leo thang. Hôm 2/3, máy bay của Nga nhiều lần xâm phạm không phận của Thụy Sỹ. Một tàu chở hàng của Estonia – thành viên của NATO – bị chìm ở gần cảng Odesa, nhiều khả năng vì trúng thủy lôi tại Biển Đen.
Một quan chức châu Âu được tiếp cận các thông tin tình báo cho biết giới phân tích tại Washington đã đi đến một kết luận khủng khiếp: "Nga đang sẵn sàng sử dụng bom nhiệt hạch ở Ukraine".
Bom nhiệt hạch là vũ khí được phát triển sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 với sức công phá lớn gấp nhiều lần bom nguyên tử. Trong khi bom nguyên tử tạo ra năng lượng khổng lồ bằng cách chia tách các nguyên tử phóng xạ nặng như Uranium hay Plutonium, bom nhiệt hạch lại có sức công phá hủy diệt bằng cách kết hợp các nguyên tử Hydro thành một nguyên tử Heli.
Quan chức châu Âu nói trên cho biết cuộc xung đột tại Ukraine hiện nay nguy hiểm hơn bất cứ sự kiện nào mà châu Âu từng thấy kể từ năm 1945, hơn cả các cuộc chiến tranh ở vùng Balkan những năm 1990.
"[Chiến tranh Balkan trong thập niên 90] thực sự rất khủng khiếp nhưng cuộc chiến ở Ukraine hiện nay còn tệ hơn, có khả năng biến thành một cuộc chiến tranh châu Âu hoặc chiến tranh thế giới rất nhanh chóng. Tình hình trở nên phức tạp thêm từng ngày", Politico dẫn lời một quan chức châu Âu giấu tên cho biết.
Chiến tranh đại diện
Các nhà ngoại giao và chuyên gia về Nga nói rằng việc coi cuộc xung đột hiện nay là chiến tranh Ukraine là một sai lầm nghiêm trọng: Ông Putin tiến quân vào Ukraine là bởi vì Ukraine chọn đi theo EU và NATO. Cuộc xung đột tại Ukraine là một cuộc chiến đại diện của Phương Tây.
Một số chuyên gia tin rằng cuộc xung đột hiện nay chỉ có thể được giải quyết nếu các yêu cầu an ninh của ông Putin đối với Mỹ và NATO được giải quyết. Nếu không, ông Putin sẽ tiếp tục các hành động quân sự, tìm cách chiếm đóng hoặc phá hoại Ukraine và coi nhẹ các cuộc đàm phán hòa bình với Kiev.
Nói cách khác, Phương Tây sẽ dính líu ngày càng trực tiếp hơn vào cuộc khủng hoảng Ukraine, có thể là không về quân sự nhưng sẽ về chính trị. Một số nhà phân tích cho rằng Phương Tây chắc chắn phải can thiệp nhiều hơn, và can thiệp càng sớm thì chiến tranh càng kết thúc nhanh.
Mặc dù vậy, những tính toán này được đưa ra dựa trên giả định rằng ông Putin sẽ chọn con đường bảng tồn sự sống thay vì thảm họa hạt nhân. Nhiều dấu hiệu những tuần qua cho thấy tình hình ở Ukraine có thể xấu đi.
Ông Putin nhận ra rằng người dân Ukraine có tư tưởng phản đối Nga rất quyết liệt, đồng nghĩa với việc Nga sẽ thua trên mặt trận chính trị, bất kể hoạt động quân sự diễn biến ra sao. Vì vậy, rất có thể ông Putin sẽ quyết định san phẳng Ukraine giống như ông từng làm với thủ đô Grozny của Chechnya năm 1999 – 2000, Politico nhận định.
Một quan chức EU cấp cao cho rằng người Ukraine sẽ phải trả giá đắt vì Phương Tây khăng khăng đứng ngoài cuộc chiến và trì hoãn can thiệp trực tiếp. Phương Tây càng e dè thì Nga càng có lý do để mạnh bạo ở Ukraine.
Một quan chức cấp cao khác của EU cho biết các thành viên EU đã rất thận trọng trong việc đảm bảo rằng các loại vũ khí và khí tài cung cấp cho Ukraine đều tuân thủ Điều 51 của Hiến chương Liên Hợp Quốc về quyền tự vệ của một quốc gia.
"EU không tham chiến với Nga. Chúng tôi vẫn làm theo Hiến chương Liên Hợp Quốc. Nhưng chúng tôi cần phải giúp Ukraine bởi vì Ukraine đang bị xâm lược và có quyền tự vệ", quan chức EU nói.
Bà Molly McKew, một nhà phân tích an ninh độc lập tại Washington nhận định: "Có vẻ như Phương Tây không hiểu rằng chúng ta đã ở trong cuộc chiến này rồi, không phải vì tự chúng ta bước vào trận chiến, không phải vì chúng ta muốn chiến tranh, không phải vì một quyết định nào đó của NATO hay đồng minh của Ukraine, mà là bởi vì Vladimir Putin đang chiến đấu chống lại chúng ta".
Bà Molly cho rằng ông Putin có khả năng sẽ mở rộng cuộc xung đột ngay cả khi các nước Phương Tây hành động thận trọng theo quy định sách vở.
"Tôi nghĩ Phương Tây đang đắn đo những thứ nhỏ nhặt thái quá: Cung cấp máy bay chiến đấu có được không? Làm vậy có bị coi là NATO đã tham chiến không? Cho Ukraine máy bay không người lái thì sao? Có phải NATO đang cung cấp vũ khí chiến tranh cho Ukraine không? … Thực tế là ông Putin chẳng thèm quan tâm bản báo cáo dài 40 trang gửi tới Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ viết những gì".
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/