|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu rơi vào tay Nga, lửa đã được dập tắt

17:36 | 04/03/2022
Chia sẻ
Sau khi đấu súng dữ dội vào ngày 4/3, giới chức Ukraine thông báo Nga đã kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Nhiều nước trên thế giới đã bày tỏ sự quan ngại với hành động này của Nga.

Theo Reuters, ngày 4/3, Nga đã chiếm được nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, sau cuộc đọ súng căng thẳng với quân đội Ukraine làm cháy một phần khu nhà.

Nỗi sợ về một thảm họa hạt nhân tại nhà máy Zaporizhzhia đã lan ra toàn thế giới, trước khi nhà chức trách thông báo ngọn lửa tại tòa nhà trung tâm huấn luyện đã được dập.

Nhà máy được xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 1984 đến năm 1995, là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất tại châu Âu và đứng thứ 9 trên toàn thế giới. Zaporzhzhia có tổng cộng 6 lò phản ứng, với công suất mỗi lò là 950 MW, tổng công suất đạt 5.700 MW, đủ để cung cấp năm lượng cho 4 triệu hộ gia đình.

Lò phản ứng nằm phía đông nam Ukraine, tại vùng Enerhodar gần hồ chứa Kakhovka và sông Dnieper. Nhà máy Zaporzhzhia cách vùng Donbas 200 km và cách thủ đô Kiev 550 km.

Bộ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm cho biết không có dấu hiệu tăng mức độ phóng xạ tại nhà máy hạt nhân. Đây là nơi cung cấp tới hơn 1/5 tổng điện năng cho toàn Ukraine.

Một quan chức tại công ty nhà nước của Ukraine đang vận hành 4 nhà máy hạt nhân cho biết không còn đụng độ, ngọn lửa đã được dập tắt và nhà máy Zaporizhzhia hoạt động như bình thường.

Nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu rơi vào tay Nga, lửa đã được dập tắt - Ảnh 1.

Hình ảnh được camera an ninh ghi lại trong cuộc giao tranh tại nhà máy Zaporizhzhia. (Ảnh: Reuters).

Trước đó, video từ camera an ninh của nhà máy được Reuters xác nhận cho thấy một tòa nhà đang bốc cháy, một loạt đạn pháo, pháo sáng làm sáng rực bầu trời, đẩy khói mù mịt ra khắp khu phức hợp.

Nga đã chiếm được nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở phía bắc Kiev từ tuần trước. Đây là nơi đã phát tán lượng lớn phóng xạ ra khắp châu Âu vào năm 1986 trong thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất lịch sử. Theo các chuyên gia, lò phản ứng tại Zaporizhzhia là loại khác và an toàn hơn.

Phản ứng của thế giới

Tổng thống Volodymyr Zelensky phát biểu: “Những người dân châu Âu, làm ơn hãy tỉnh dậy đi. Nói với chính trị gia của bạn, lính Nga đang bắn vào một lò phản ứng hạt nhân tại Ukraine”. Ông Zelensky cho rằng xe tăng của Nga đã bắn vào lò phản ứng hạt nhân, mặc dù không cung cấp bằng chứng.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết NATO “sẵn sàng cho xung đột” nếu cần thiết.

Phát biểu tại Brussels cùng với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, ông Blinken nói: “NATO là một liên minh phòng thủ. Chúng tôi không muốn xung đột. Nhưng nếu xung đột tìm đến chúng tôi, chúng tôi sẵn sàng đối đầu”.

Ông nói thêm: “Chúng tôi sẽ bảo vệ từng tấc lãnh thổ của NATO”.

Nhà Trắng phát biểu: “Tổng thống Biden sát cánh cùng Tổng thống Zelensky thúc giục Nga ngừng mọi hoạt động quân sự và cho phép lính cứu hỏa và nhân viên cấp cứu tới hiện trường nhà máy”.

Anh bình luận: "Thủ tướng Anh cho rằng hành động liều lĩnh của Tổng thống Putin có thể đe dọa đến an ninh toàn châu Âu”.

Trong khi đó, người phát ngôn chính phủ Nhật Bản miêu tả hành động của Nga là “man rợ và không chấp nhận được”. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi “tất cả các bên kiềm chế, tránh leo thang xung đột và đảm bảo sự an toàn của nhà máy”.

Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) nói ông “vô cùng lo ngại” bởi tình hình tại nhà máy điện hạt nhân, và nhà chức trách Ukraine đã đảm bảo với IAEA rằng những trang thiết bị “thiết yếu” không bị ảnh hưởng.

Những báo cáo ban đầu về vụ cháy và tấn công nhà máy điện hạt nhân đã làm thị trường chứng khoán châu Á lao đốc, trong khi đó giá dầu lại tiếp tăng.

Giám đốc chiến lược đầu tư tại Ngân hàng OCBC cho biết: “Thị trường đang lo sợ về một thảm họa hạt nhân. Nguy cơ ở chỗ có sự tính toán sai và phản ứng thái quá, cộng với việc cuộc chiến kéo dài”.

Minh Quang