|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tại sao Nga và Ukraine tranh giành vùng đất thảm họa hạt nhân Chernobyl?

17:25 | 25/02/2022
Chia sẻ
Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl là nơi xảy ra vụ nổ năm 1986 làm thải ra môi trường xung quanh lượng phóng xạ lớn gấp hàng trăm lần quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima năm 1945.
Tại sao Nga và Ukraine tranh giành vùng đất thảm họa hạt nhân Chernobyl? - Ảnh 1.

Một chiếc xe bọc thép chở quân của Ukraine đang tập trận tại thành phố bỏ hoang Pripyat, gần lò phản ứng hạt nhân Chernobyl vào 4/2/2022. (Ảnh Reuters/Gleb Garanich)

Theo Reuters, quân đội Nga và Ukraine đã giao đấu vào ngày 24/2 để giành quyền kiểm soát Chernobyl. Địa điểm này vẫn còn phóng xạ từ vụ thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới đồng thời là nhân tố dẫn đến sự sụp đổ của Liên bang Xô viết.

"Những người lính của chúng tôi đang hy sinh mạng sống để thảm kịch năm 1986 không lặp lại", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy viết trên Twitter. Nhà máy điện hạt nhân bỏ hoang ở Chernobyl, nơi xảy ra vụ nổ chết người năm 1986, hiện đã bị lực lượng Nga chiếm đóng.

Nhưng tại sao lại có người muốn có một nhà máy điện hạt nhân bỏ hoang bị bao quanh bởi hàng chục kilomet đất nhiễm phóng xạ?

Câu trả lời là địa lý: Chernobyl nằm trên tuyến đường ngắn nhất từ Belarus đến Kiev, thủ đô của Ukraine. Do đó, Chernobyl nằm trên tuyến tấn công trọng yếu để các lực lượng Nga xâm lược Ukraine.

Các nhà phân tích quân sự phương Tây cho rằng, bằng việc chiếm Chernobyl, Nga đang tạo một hành lang để có thể triển khai quân đội từ Belarus, một đồng minh của Moscow và là nơi đóng quân của quân đội Nga, tới Kiev.

Ông James Acton của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế cho biết: "[Qua Chernobyl] là cách nhanh nhất để đi từ A đến B."

Ông Jack Keane, cựu Phó Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, cho biết Chernobyl "không có bất kỳ ý nghĩa quân sự nào" nhưng lại nằm trên tuyến đường ngắn nhất từ Belarus đến Kiev. Chernobyl nằm trong chiến lược của Nga nhằm "đánh thẳng vào đầu não" chính phủ Ukraine.

Ông Keane gọi tuyến đường này là một trong bốn "trục" mà lực lượng Nga sử dụng để xâm lược Ukraine, bao gồm một hướng tiến quân thứ hai từ Belarus, một đường tiến về phía nam vào thành phố Kharkiv của Ukraine, và một đường đẩy lên phía bắc từ Crimea tới thành phố Kherson.

Cuộc tổng tấn công này trở thành cuộc tấn công lớn nhất vào một quốc gia châu Âu kể từ Thế chiến thứ 2.

Theo một quan chức cấp cao của Ukraine, việc chiếm Chernobyl là một phần của kế hoạch xâm lược và nó đã bị lực lượng Nga chiếm giữ vào hôm 24/2.

Lò phản ứng thứ tư tại Chernobyl, cách thủ đô Kiev của Ukraine 108 km về phía Bắc, đã phát nổ vào tháng 4/1986 trong một cuộc thử nghiệm an toàn bất thành. Những đám mây phóng xạ từ vụ tai nạn thổi cuồn cuộn qua phần lớn châu Âu và tới miền đông nước Mỹ.

Các chất phóng xạ chủ yếu ảnh hưởng đến Ukraine và nước láng giềng Belarus, cũng như một số khu vực của Nga và châu Âu. Số người chết trực tiếp và gián tiếp do thảm họa được ước tính trong khoảng từ vài nghìn đến 93.000 ca tử vong do ung thư trên toàn thế giới.

Các nhà chức trách Liên Xô ban đầu tìm cách che đậy thảm họa và không chịu thừa nhận ngay về vụ nổ. Việc che đậy này làm hoen ố hình ảnh nhà lãnh đạo Liên Xô theo chủ nghĩa cải cách Mikhail Gorbachev và các chính sách mở cửa của ông .

Thảm họa này được nhiều người coi là góp phần dẫn đến sự sụp đổ của Liên bang Xô viết chỉ vài năm sau đó.

Ông Acton cho biết việc Nga chiếm Chernobyl hôm 24/2 không phải để bảo vệ nó khỏi bị thiệt hại thêm. Đồng thời, ông cho rằng bốn nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động của Ukraine có nguy cơ lớn hơn Chernobyl. Bản thân nhà máy Chernobyl hiện nay nằm giữa một "khu vực hạn chế tiếp cận" với bán kính 30 km, diện tích khoảng 2.700 km2 tương đương với Luxembourg.

Một mái che tạm bợ, hay còn gọi là "quan tài", được xây dựng trong vòng 6 tháng sau thảm họa để che phủ lò phản ứng và bảo vệ môi trường khỏi bức xạ. Vào tháng 11/2016, một "mái che an toàn mới" đã được xây dựng trên nền móng cũ.

Tại sao Nga và Ukraine tranh giành vùng đất thảm họa hạt nhân Chernobyl? - Ảnh 3.

Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Ở phía bên trái là "mái che an toàn mới" bao phủ lên tổ máy số 4 phát nổ năm 1986. (Ảnh: Reuters).

"Rõ ràng một vụ tai nạn xảy ra ở Chernobyl sẽ là một vấn đề lớn. Nhưng chính vì nằm trong khu vực hạn chế tiếp cận, nó sẽ ít gây ảnh hưởng tới dân thường Ukraine", ông Acton nói.

Cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp quốc cho biết 4 nhà máy điện hạt nhân đang vận hành của Ukraine đang hoạt động an toàn và không có "sự phá hoại" nào đối với chất thải còn lại hay các cơ sở khác tại Chernobyl.

Ông Acton cho biết các lò phản ứng khác của Ukraine không nằm trong khu vực hạn chế tiếp cận và chứa nhiên liệu hạt nhân có tính phóng xạ cao hơn rất nhiều. "Rủi ro xảy ra giao tranh xung quanh những lò phản ứng này cao hơn đáng kể."

Minh Quang