Thoả thuận hoà bình Ukraine sẽ là 'thần dược' giúp nền kinh tế châu Âu khoẻ lại

Phái đoàn ngoại giao Mỹ, Nga gặp nhau tại thủ đô Riyadh, Arab Saudi hôm 18/2. (Ảnh: Bộ Ngoại giao Nga).
Hôm 18/2, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov đã tổ chức một cuộc họp tại thủ đô Riyadh, Arab Saudi với sự tham gia của các quan chức ngoại giao cấp cao từ hai bên.
Đây là cuộc gặp chính thức đầu tiên của hai nước kể từ tháng 1/2022, không lâu trước khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại nước láng giềng Ukraine.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hai bên đã kết thúc hơn 4 giờ đàm phán với cam kết chỉ định các phái bộ ngoại giao làm việc nhằm nỗ lực chấm dứt xung đột tại Ukraine “càng sớm càng tốt, theo hướng lâu dài, bền vững và được tất cả các bên chấp nhận”.
Cuối ngày hôm đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiết lộ ông cảm thấy tự tin hơn sau cuộc họp và có thể gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin vào cuối tháng này. Trước đó, hai nhà lãnh đạo đã điện đàm vào ngày 12/2, mở đường cho cuộc gặp mặt của các quan chức ngoại giao kể trên.
“Nga muốn làm một thứ gì đó”, ông Trump chia sẻ với các phóng viên tại Palm Beach, Florida. Mặt khác, ông đã gạt đi mối lo ngại của Ukraine về việc Kiev bị loại khỏi bàn đàm phán. Chủ nhân Nhà Trắng nói lẽ ra Kiev nên tham gia đàm phán sớm hơn.
“Tôi nghĩ tôi có đủ quyền lực để kết thúc cuộc chiến”, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh.

Ông Trump gặp mặt Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại thành phố New York, tháng 9/2024. (Ảnh: Reuters).
Có khả năng chính quyền ông Trump sẽ thiết kế hoặc dàn xếp một thoả thuận hoà bình nào đó giữa Nga và Ukraine, bất kể chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky nghĩ gì.
Và một điểm đáng chú ý khác là ông Trump cũng phớt lờ luôn vai trò của châu Âu trong đàm phán, dù đây là một mắt xích quan trọng để đảm bảo hoà bình lâu dài cho Ukraine.
Cho đến nay, công chúng vẫn chưa thấy thông tin chi tiết nào về thoả thuận ngừng bắn hoặc thoả thuận hoà bình mà ông Trump nói đến. Tuy nhiên, các nhà phân tích đã bắt đầu tính toán tác động của thoả thuận đến triển vọng kinh tế.
Trong khi tái thiết Ukraine là một quá trình tốn kém và kéo dài, khá rõ ràng là thoả thuận hoà bình có thể mang lại lợi ích kinh tế to lớn cho khu vực đồng tiền euro (eurozone), nơi thiệt hại của cuộc chiến đã làm tăng đáng kể thâm hụt ngân sách của các nước và gây ra tình trạng đình lạm trên khắp châu lục.
Dựa theo một báo cáo mới của Goldman Sachs, bài viết này sẽ phân tích những tác động kinh tế và tài chính tiềm tàng của hai kịch bản: 1, các bên chỉ đạt thoả thuận ngừng bắn hạn chế và phải tìm cách giải quyết cuộc chiến từ từ theo thời gian; 2, các bên đạt một thoả thuận toàn diện và lâu dài.
Cú hích cho nền kinh tế châu Âu
Kênh quan trọng nhất mà thoả thuận hoà bình có thể tác động đến nền kinh tế eurozone là thông qua thị trường khí đốt tự nhiên. Tác động sẽ phụ thuộc vào việc nguồn cung năng lượng của Nga có quay trở lại eurozone hay không và với tốc độ nhanh chậm như thế nào.
Cuộc chiến tại Ukraine đã làm đảo lộn nguồn cung năng lượng của châu Âu, khiến giá khí đốt tăng hơn 300 euro (tương đương 314,61 USD) cho mỗi megawatt giờ vào năm 2022. Hiện tại, giá khí đốt vào khoảng 50 euro, vẫn cao hơn nhiều so với mức trước năm 2021.
Goldman Sachs dự kiến giá khí đốt sẽ giảm thêm khoảng 15% nếu dòng chảy khí đốt của Nga qua Ukraine (vốn đã dừng lại vào tháng 1) trở lại mức hạn chế của năm 2023 - 2024.
Trong khi đó, nếu dòng chảy khí đốt Nga qua Ukraine trở lại mức trước chiến sự, giá có thể giảm tới 50%. Giá khí đốt có thể giảm sâu hơn nữa nếu nguồn cung qua Ba Lan hoặc đường ống Nord Stream quay trở lại, nhưng kịch bản này rất khó xảy ra.
Nhờ giá khí đốt xuống thấp hơn, lạm phát tại khu vực đồng euro sẽ giảm lần lượt 0,15 và 0,5 điểm % trong mỗi kịch bản. Kéo theo đó, GDP của khu vực sẽ tăng thêm lần lượt 0,1% và 0,34% nhờ chi tiêu tiêu dùng và sản xuất khởi sắc trở lại.

Niềm tin của người tiêu dùng đã giảm mạnh trên toàn khu vực đồng euro khi Nga tấn công Ukraine. Vì vậy, có khả năng thước đo này sẽ phục hồi khi hai bên đạt được thoả thuận ngừng bắn hoặc hoà bình toàn diện.
Song, niềm tin của người tiêu dùng có thể chỉ tăng khiêm tốn vì lạm phát mới là thứ đóng vai trò quan trọng hơn trong việc đè nén niềm tin vào năm 2022.
Trong báo cáo, Goldman Sachs dự đoán khi niềm tin người tiêu dùng đi lên một cách khiêm tốn, GDP của các nền kinh tế eurozone sẽ tăng thêm khoảng 0,03% hoặc 0,09% theo mỗi kịch bản.

Việc tái thiết cơ sở hạ tầng bị hư hại của Ukraine cũng có thể hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trên khắp khu vực đồng euro.
Kết hợp ước tính của Goldman Sachs và phân tích riêng của tờ Financial Times, hoạt động tái thiết Ukraine có thể giúp GDP của các nền kinh tế eurozone tăng nhẹ 0,02 - 0,08%.
Tương tự niềm tin người tiêu dùng, chiến sự cũng thắt chặt các điều kiện tài chính trên khắp châu Âu khi các thị trường đánh giá xung đột là một sự kiện rủi ro. Hậu quả là giá cổ phiếu và lợi suất trái phiếu chính phủ dài hạn đều giảm mạnh.
Trong trường hợp Nga và Ukraine đạt được thoả thuận xuống thang xung đột, các điều kiện tài chính sẽ nới lỏng phần nào. Khi đó, ước tính GDP của khu vực đồng euro sẽ tăng thêm khoảng 0,06 - 0,13%.

Ở diễn biến khác, Liên Hợp Quốc ước tính rằng 2,6 triệu người tị nạn Ukraine đã chuyển đến các nước thuộc khu vực đồng euro kể từ khi cuộc chiến nổ ra.
Theo một số nghiên cứu gần đây do Financial Times tổng hợp, những người tị nạn đã giúp nguồn cung lao động của eurozone mở rộng thêm 0,4% và kéo chi tiêu công tăng thêm tương đương 0,2% GDP mỗi năm.
Giả sử 15 - 50% người tị nạn trở về quê nhà sau thoả thuận ngừng bắn, tác động tiêu cực đến GDP của khu vực đồng euro là khoảng 0,06 - 0,21%. Đức là nước tiếp nhận nhiều người tị nạn nhất nên nhiều khả năng sẽ chịu thiệt hại nặng nhất.

Tổng hợp lại, Goldman Sachs dự đoán GDP của các nền kinh tế eurozone sẽ tăng thêm 0,2% trong kịch bản thoả thuận ngừng bắn hạn chế và 0,5% trong kịch bản thứ hai.
Xét theo cơ sở quốc gia, trong kịch bản thứ nhất, nền kinh tế Đức có thể mở rộng thêm 0,1%, trong khi Pháp, Italy và Tây Ban Nha có thể chứng kiến GDP tăng thêm 0,2%.
Trong triển vọng kinh tế do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) công bố vào giữa tháng 1, các nhà kinh tế dự đoán tăng trưởng GDP của khu vực đồng euro chỉ đạt hơn 1% trong năm 2025.
Trái lại, dự báo của các tổ chức, quỹ đầu tư khác có phần bi quan hơn. Chẳng hạn, Vanguard cho rằng nền kinh tế khu vực đồng euro chỉ có thể tăng trưởng khoảng 0,5% trong năm 2025.
Cho nên, cú hích từ các kịch bản hoà bình tiềm năng vẫn có ý nghĩa lớn đối với các nền kinh tế trong khối, đặc biệt là Đức - nền kinh tế lớn nhất nhưng đang được coi là “kẻ ốm yếu của châu Âu”.

Với triển vọng lạm phát thấp hơn và tăng trưởng kinh tế cao hơn một chút, một thoả thuận hoà bình có thể tạo điều kiện để các nhà hoạch định chính sách của ECB tiếp tục nới lỏng tiền tệ.
Tại cuộc họp cuối tháng 1, ECB đã hạ lãi suất 25 điểm cơ bản, đánh dấu lần cắt giảm thứ 5 của ngân hàng trung ương này kể từ tháng 6/2024. Động thái này đã đưa lãi suất tiền gửi của ECB xuống mức 2,75%.
Các quan chức vẫn lưu ý chính sách tiền tệ đang mang “tính hạn chế”. Ngân hàng trung ương châu Âu còn đặc biệt lưu tâm đến tình trạng trì trệ của nền kinh tế, cho thấy họ nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm lãi suất.
Bằng chứng là sau quyết định chính sách, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết nền kinh tế khu vực đồng euro “sẽ vẫn yếu trong thời gian tới”.
Hiện tại, thị trường kỳ vọng ECB sẽ hạ lãi suất trong ba cuộc họp chính sách còn lại trong nửa đầu năm 2025, mỗi lần giảm khiêm tốn 25 điểm cơ bản.