|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Những tín hiệu từ cuộc đàm phán đầu tiên giữa Mỹ và Nga

08:11 | 19/02/2025
Chia sẻ
Các quan chức Mỹ và Nga đã kết thúc cuộc họp chính thức đầu tiên sau nhiều năm vào ngày 18/2. Hai bên đã dành hơn 4 giờ chuẩn bị cho các cuộc đàm phán chấm dứt cuộc chiến tại Ukraine.

Thành viên tham dự cuộc họp tại Arab Saudi, từ trái qua phải: phía Mỹ gồm Đặc phái viên tại Trung Đông Steve Witkoff, Ngoại trưởng Marco Rubio, Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz; phía Arab Saudi gồm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Faisal bin Farhan al-Saud, Cố vấn An ninh Quốc gia Mosaad bin Mohammad al-Aiban; và phía Nga gồm Trợ lý Điện Kremlin Yury Ushakov, Ngoại trưởng Sergei Lavrov. (Ảnh: Getty Images).

Theo CNBC, cuộc họp giữa Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov bắt đầu vào sáng sớm ngày 18/2 tại Riyadh, Arab Saudi.

Đây là cuộc họp chính thức đầu tiên giữa các nhà ngoại giao cấp cao của hai nước kể từ tháng 1/2022, khi cựu Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và ông Lavrov gặp nhau tại Geneva (Thuỵ Sỹ) chỉ vài tuần trước khi Nga tấn công Ukraine.

Theo truyền thông nhà nước Nga, Đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff và Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz cũng tham gia cuộc họp, trong khi ông Lavrov đi cùng Trợ lý Điện Kremlin Yury Ushakov.

Ông Ushakov chia sẻ với hai hãng thông tấn nhà nước TassRia Novosti rằng các nhóm đàm phán riêng biệt của Nga và Mỹ sẽ bắt đầu liên lạc về vấn đề Ukraine vào thời điểm thích hợp.

Trong một tuyên bố, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce cho hay: “Một cuộc điện đàm sau một cuộc họp là không đủ để thiết lập hoà bình lâu dài. Chúng ta phải hành động và hôm nay chúng ta đã đạt một bước tiến quan trọng”.

Cuộc họp cấp cao diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố vào tuần trước rằng ông đã gọi điện cho Tổng thống Nga Vladimir Putin và hai nhà lãnh đạo đã nhất trí bắt đầu các cuộc đàm phán để chấm dứt xung đột tại Ukraine.

Trước đó, cả hai bên đều hạ thấp kết quả tiềm năng của cuộc họp đầu tiên. Hôm 17/2, phát ngôn viên Tammy Bruce của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington sử dụng cuộc họp để “xác định liệu Nga có nghiêm túc và hai bên có cùng góc nhìn hay không”.

Cùng ngày, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết cuộc họp sẽ chủ yếu thảo luận về việc khôi phục quan hệ song phương và “chuẩn bị cho các cuộc đàm phán hoà bình tiềm năng”.

Đến ngày 18/2, ông Peskov nói Tổng thống Putin sẵn sàng trò chuyện cùng người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky “nếu cần thiết”. Tuy nhiên, vị phát ngôn viên nhấn mạnh các bên “cần thảo luận về cơ sở pháp lý của các thoả thuận”.

Nga đã hạ thấp tính hợp pháp của ông Zelensky do thiết quân luật đang ngăn cản các cuộc bầu cử mới ở Ukraine. Trái lại, Kiev cho biết việc tổ chức bỏ phiếu trong thời chiến là không khả thi.

Ông Kirill Dmitriev, người đứng đầu quỹ đầu tư quốc gia Nga, cũng tham gia cuộc họp ở Riyadh. Sự xuất hiện của ông Dmitriev báo hiệu Moscow rất muốn nhấn mạnh đến những lợi ích kinh tế khi khôi phục quan hệ song phương với Mỹ.

Vị quan chức ước tính “các doanh nghiệp Mỹ đã mất khoảng 300 tỷ USD khi rời khỏi Nga”. Ông cũng nhấn mạnh về “thiệt hại kinh tế to lớn đối với nhiều quốc gia do những gì đang xảy ra hiện nay”.

Ukraine và châu Âu nằm ngoài đàm phán

Giới chức Ukraine không có mặt tại các cuộc trò chuyện ở Riyadh và các đồng minh châu Âu của Mỹ đang bị cô lập khỏi các cuộc thảo luận.

Kiev tuyên bố họ sẽ không đồng ý với bất kỳ thoả thuận hoà bình nào đi ngược lại lợi ích của Ukraine, trong khi các nhà lãnh đạo châu Âu cảnh báo tại Hội nghị An ninh Munich vào cuối tuần trước rằng bất kỳ thoả thuận nào thiếu vắng sự tham gia của lục địa già đều không hiệu quả.

Các nhà lãnh đạo châu Âu đã tổ chức một cuộc họp khẩn tại Paris vào đầu tuần này. Tại đây, họ nhất trí nên tăng mạnh chi tiêu quốc phòng nhưng không thể thống nhất về việc có nên gửi quân gìn giữ hoà bình đến Ukraine như một phần của thoả thuận hậu chiến hay không.

Anh tuyên bố họ sẵn sàng gửi quân đến Ukraine nhưng cho biết Mỹ cần cung cấp “biện pháp dự phòng” để hỗ trợ việc triển khai quân đội. Đan Mạch và Pháp phát tín hiệu sẵn sàng xem xét việc gửi quân đến Ukraine.

Tuy nhiên, các quốc gia khác, bao gồm một số nước ủng hộ mạnh mẽ Ukraine như Ba Lan và Đức, lại tỏ ra cảnh giác. Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã công khai chỉ trích ý tưởng này là “hoàn toàn vội vã, hoàn toàn không phù hợp”. 

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Italy, Tây Ban Nha và Na Uy dường như hoài nghi về đề xuất đưa quân gìn giữ hoà bình qua Ukraine.

Khả Nhân

TS. Nguyễn Tú Anh: 'Tăng trưởng tín dụng 16% nếu tăng trưởng GDP thấp sẽ gia tăng rủi ro nợ xấu'
Theo Chuyên gia Nguyễn Tú Anh, khi chúng ta cố gắng thúc đẩy tín dụng nhưng nếu kinh tế tăng trưởng thấp thì sức ép tăng trưởng cao cũng có thể khiến rủi ro về nợ xấu sẽ gia tăng.