|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Thất thế trên chiến trường, Ukraine vẫn đang đánh bại Nga trong cuộc chiến kinh tế

20:30 | 21/12/2024
Chia sẻ
Để có thể tiếp tục bảo vệ nền kinh tế khỏi cuộc chiến với Nga, Ukraine cần khắc phục tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng năng lượng, nhân lực và tiền bạc.

(Hình minh họa: Financial Times). 

Mọi doanh nghiệp tại Ukraine đều phải trải qua thời khắc sinh tử kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt.

Đối với ông Mykhailo Travetsky, một nông dân ở Pryluky, khoảng thời gian nguy hiểm nhất là 6 tuần đầu của cuộc chiến. Khi quân đội Nga đóng đồn trên một xa lộ gần đó, trang trại của ông trở thành vùng đất dữ. Người dân địa phương nổ súng để ngăn binh sĩ Nga tiến gần. Vỏ đạn bay vèo vèo khắp nơi. Ông Travetsky mặc áo giáp, khoác súng trường để đi vắt sữa bò hai lần mỗi ngày.

Trang trại của ông đã liên tục thay đổi để thích ứng với những khó khăn mới. Khi Nga lần đầu đánh bom hệ thống năng lượng của Ukraine, khiến tủ lạnh và máy vắt sữa thành đống sắt vô dụng, ông Travetsky chuyển sang sản xuất các sản phẩm sữa chua và pho mát có thời hạn sử dụng lâu hơn. Khi các gia đình giàu có bỏ đi, ông giảm giá và đi giao hàng cho những người già còn ở lại.

Nền kinh tế Ukraine nói chung đã tự tái tạo để đối phó với thời chiến. GDP hiện nay của Ukraine vẫn thấp hơn 25% so với năm 2021. Nhưng xét theo một số thước đo quan trọng, nền kinh tế Ukraine vẫn còn lành mạnh hơn Nga, tờ Economist cho biết.

Ngân hàng trung ương (NHTW) Ukraine dự đoán GDP sẽ tăng trưởng 4% trong năm 2024 và 4,3% năm 2025. Đồng nội tệ hryvnia vẫn ổn định và lãi suất hiện nay là 13,5% -  gần mức thấp nhất trong 30 tháng qua.

Ngược lại, Nga đang giữ lãi suất ở mức cao kỷ lục 21% để kìm hãm đà giảm của rouble. Các ngân hàng Nga có vẻ yếu ớt và GDP được dự báo chỉ tăng trưởng 0,5% - 1,5% trong năm 2025.

Các bước giải cứu nền kinh tế

Kể từ năm 2022, nền kinh tế Ukraine có thể được chia thành ba giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là khi giao tranh diễn ra ác liệt. Chính phủ ban hành thiết quân luật và 14 triệu người phải rời bỏ nhà cửa.

Nga phong tỏa Biển Đen, chặn đứng đường xuất khẩu của Ukraine. Khi đó, NHTW Ukraine phải hành động tùy thuộc theo các mục tiêu quân sự. Trong nửa đầu năm 2022, NHTW phải tài trợ cho một nửa thâm hụt ngân sách, siết chặt việc kiểm soát vốn và cung cấp thanh khoản dồi dào cho các nhà băng. Lạm phát tăng vọt và GDP lao dốc khoảng 30%.

Giai đoạn thứ hai bắt đầu sau khi Ukraine đẩy lùi được đà tiến công của Nga ở miền nam, vào khoảng giữa năm 2022. Liên Hợp Quốc dàn xếp thỏa thuận giúp Ukraine xuất khẩu ngũ cốc trở lại. NHTW Ukraine quay lại cuộc chiến chống lạm phát. Khi tiền tài trợ từ phương Tây đổ về, dự trữ ngoại hối của Ukraine cũng hồi phục. Các quan chức nới lỏng biện pháp kiểm soát vốn.

Nền kinh tế ổn định trở lại cho phép chính phủ và doanh nghiệp cơ hội để bảo vệ hoạt động của họ. Một trong những ưu tiên hàng đầu là bảo vệ các tài sản sản xuất khỏi tên lửa Nga. Các khu công nghiệp được dời sang những vùng an toàn hơn ở phía tây. Doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài để tạo ra nguồn thu nhập an toàn khỏi chiến tranh.

Một nhiệm vụ khác là tái phân bổ nguồn lực để chuẩn bị cho cuộc xung đột kéo dài. Chi tiêu công đã tăng gấp đôi kể từ năm 2021, chủ yếu cho lĩnh vực quốc phòng và an ninh.

Công việc cuối cùng là duy trì dòng ngoại hối chảy vào. Đến tháng 7/2023, Nga từ chối nối lại thỏa thuận ngũ cốc. Ukraine phản ứng bằng cách mở hành lang hàng hải của riêng mình và bảo vệ nó bằng máy bay không người lái và tên lửa. Điều đó đã cho phép Ukraine nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và cả kim loại cùng khoáng sản.

Những biện pháp trên cùng với sự trợ giúp của phương Tây đã giúp Ukraine bảo vệ nhuệ khí và nguồn lực cần thiết để tiếp tục chiến đấu.

 

Lúc này, nền kinh tế Ukraine đang bước sang giai đoạn thứ ba và phải tìm cách giải quyết ba mối nguy lớn nhất, bao gồm sự thiếu hụt trầm trọng năng lượng, nhân lực và tiền bạc.

Ba vấn đề hóc búa

Vấn đề đầu tiên là năng lượng. Trong hai năm qua, Nga không ngừng tấn công hệ thống điện của Ukraine. Hệ quả là công suất phát điện của Ukraine đã xuống dưới 18 gigawatt (GW), chưa bằng một nửa mức trước thời chiến.

Nhưng đồng thời, Ukraine đã biết cách thích ứng tốt hơn với các cú sốc năng lượng. Nhiều nhà sản xuất thực phẩm tận dụng chất thải để sản xuất khí sinh học, tạo ra nguồn năng lượng sạch.

Các công ty cỡ vừa thường có nhà máy khí đốt tự nhiên, đôi khi họ cũng kết hợp với năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Các công ty công nghiệp sử dụng tất cả những biện pháp trên và nhập khẩu năng lượng từ nước ngoài.

Rắc rối thứ hai và cũng là vấn đề hóc búa nhất là tình trạng thiếu hụt lao động. Lệnh nhập ngũ, hoạt động di cư và chiến sự đã khiến lực lượng lao động của Ukraien giảm hơn 20% xuống khoảng 13 triệu người.

“Cơn khát” lao động hiện nay rất lớn, số vị trí trống cần tuyển dụng lên tới 65.000 người mỗi tuần. Trong khi đó, quân đội cũng rất cần có thêm người nhập ngũ. Giờ đây, ngay cả những ngành thiết yếu của Ukraine cũng chỉ có thể bảo vệ một nửa người lao động khỏi bị điều động ra tiền tuyến.

Vấn đề thứ ba là tiền bạc trở nên khan hiếm. Chi phí đi vay cao đè nặng lên lợi nhuận của mọi doanh nghiệp. Các trang trại và công ty nhỏ đặc biệt gặp khó khăn trong việc vay đủ vốn để tài trợ cho hoạt động thường ngày.

Bản thân chính phủ Ukraine cũng ở trong tình trạng chi nhiều hơn thu. Dự kiến thâm hụt ngân sách của Ukraine vào năm 2025 sẽ lên tới 38 tỷ USD, tương ứng gần 20% GDP. Theo các thỏa thuận hiện tại, gần như toàn bộ số thâm hụt đó sẽ được tài trợ bằng nguồn tiền nước ngoài. Tuy nhiên, Mỹ có thể sẽ ngừng viện trợ cho Ukraine một khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức vào ngày 20/1.

Ông Dimitar Bogov, nhà kinh tế của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu, nhận định Ukraine có thể sẽ xoay xở được dù không có trợ giúp của Mỹ trong năm 2025. Dự kiến Liên minh châu Âu sẽ cung cấp 18 tỷ euro cho Ukraine theo một chương trình trước đó và các nước thành viên G7 khác có thể lấp đầy khoảng trống mà Mỹ để lại.

Nhưng sang năm 2026, Ukraine có thể sẽ hết đường xoay xở bởi các chính phủ châu Âu khó có khả năng phê chuẩn một dự luật viện trợ lớn nữa.

Các diễn biến bất lợi trên chiến trường có thể đẩy Ukraine vào thế bí trước năm 2026. Nhưng các doanh nghiệp nước này vẫn giữ được tinh thần lạc quan. Ông Travetsky cho biết năm nay ông kiếm được một khoản lợi nhuận nhỏ và đang tính đến việc bắt đầu một dòng sản phẩm phô mai mới.

Giang