'Không hơn Triều Tiên': Hàng không Nga đứng trước nguy cơ sụp đổ
Cấm bay, thiếu phụ tùng
Theo Al Jazeera, việc Moscow tấn công Ukraine đã khiến các hãng hàng không Nga bị cấm khỏi không phận châu Âu, Mỹ và Canada. Nga còn lại những chiếc máy bay đã thuê nhưng không thể sử dụng và quan hệ rạn nứt với các đối tác trong ngành công nghiệp hàng không ở phương Tây.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực hàng không, người dân Nga sẽ không thể bay tới châu Âu hay Bắc Mỹ trong tương lai gần. Khả năng về những chuyến bay tới các quốc gia thân thiện như Trung Quốc vẫn còn để ngỏ do sự tẩy chay từ cộng đồng quốc tế.
Hãng hàng không quốc gia Nga Aeroflot đã thông báo sẽ dừng mọi chuyến bay quốc tế ngoại trừ các chặng đi và đến Belarus – nước đồng minh thân cận của Nga và cũng đang phải chịu cấm vận của Phương Tây vì giúp đỡ Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Nguyên nhân là Nga lo ngại các máy bay của mình có thể bị nước ngoài tịch thu, giống như đã làm với du thuyền của các tỷ phú Nga.
Ông Richard Aboulafia, giám đốc của công ty tư vấn AeroDynamic Advisory cho biết: “Nga sẽ là quốc gia lớn nhất thế giới với nền kinh tế phát triển và một ngành công nghiệp hàng không chỉ ngang cơ Triều Tiên”.
“Các biện pháp trừng phạt liên quan đến hàng không rất dễ áp dụng”, theo ông Aboulafia, người đã có hơn 30 năm kinh nghiệm. “Các hãng hàng không không thể bay. Họ sẽ phải sửa lại toàn bộ kế hoạch liên quan đến máy bay từ phương Tây”.
Nga trả đũa
Eurocontrol cho biết 300 chuyến bay hàng ngày của các hãng hàng không Nga tới châu Âu và 50 chuyến bay của các hãng hàng không châu Âu tới các sân bay của Nga đã bị đình chỉ. Moscow trả đũa bằng cách hạn chế không phận với bất kỳ quốc gia nào cấm các chuyến bay của Nga.
Ông Sash Tusa, một nhà phân tích hàng không và quốc phòng tại Agency Partners LLP, London cho biết: “Người Nga sẽ ngày càng khó di chuyển bởi hai lý do. Thứ nhất là không phận Nga sẽ đóng với máy bay phương Tây. Thêm vào đó, đi lại toàn cầu trở nên cực khó khăn khi tại Nga, sự hỗ trợ, bảo dưỡng cho những máy bay được phương Tây sản xuất đã không còn.”
Hai doanh nghiệp cung cấp chủ yếu máy bay thương mại cho Nga là Boeing và Airbus đã ngăn các hãng hàng không nước này tiếp cận với phụ tùng thay thế. Boeing đồng thời đóng cửa trung tâm thiết kế tại Moscow và văn phòng ở Kiev.
Sau khoảng vài tuần hoặc vài tháng, các hãng hàng không sẽ hết linh kiện dự trữ. Các hãng bay của Nga có thể kéo dài hoạt động bằng cách mổ xẻ một vài máy bay nhằm lấy linh kiện dùng cho máy bay khác. Tuy nhiên, hành động mổ xẻ như vậy bị cấm trong các hợp đồng thuê máy bay.
Như đa số máy bay thương mại hiện nay, máy bay của các hãng hàng không Nga thường được sở hữu bởi các công ty cho thuê phương Tây.
Vì các lệnh cấm vận của phương Tây, doanh nghiệp cho thuê có hạn tới 28/3 để ngừng hợp đồng với các hãng hàng không Nga. Nhiều doanh nghiệp, bao gồm cả AerCap - công ty số 1 thế giới về cho thuê máy bay, xác nhận đã gửi thông tin đến khách hàng ở Nga yêu cầu trả lại máy bay.
Ông Ulick McEvaddy, nhà sáng lập của công ty cho thuê máy bay Omega Air đã mô tả việc thu hồi hàng trăm máy bay từ Nga trong thời hạn ngắn như vậy là “nhiệm vụ bất khả thi”. Nguyên nhân được ông nhắc đến là những thách thức về pháp lý và lệnh cấm máy bay Nga vào không phận châu Âu.
3/4 máy bay chở khách và chở hàng được sử dụng tại Nga là từ Boeing hoặc Airbus, mỗi hãng cung cấp hơn 300 máy bay. Chỉ 136 máy bay được sản xuất bởi Nga đang hoạt động trong các hãng hàng không nội địa, theo số liệu từ Cirium, một công ty phân tích hàng không.
“Khả năng có thể thu hồi được [những chiếc máy bay] là bao nhiêu?”, ông Aboulafia hỏi.
Việc các hãng hàng không Nga phải nằm đất trong bao lâu không chỉ phụ thuộc vào thời điểm cuộc chiến tại Ukraine kết thúc mà còn vào thời gian để Moscow lấy lại niềm tin trong mắt phương Tây.
Ông Tusa dự đoán sự rạn nứt trong quan hệ giữa Nga và phương Tây sẽ tồn tại trong nhiều năm, đồng thời cho rằng xung đột này “nghiêm trọng hơn tất cả những gì đã xảy ra kể từ sau Thế chiến II”.
Ông Aboulafia cho rằng cuộc chiến tại Ukraine có thể khiến khách hàng của máy bay quân sự Nga, ví dụ như Ấn Độ, phải suy nghĩ kĩ trước khi mua thêm máy bay. Ấn Độ hiện là quốc gia nhập khẩu nhiều máy bay MiG và Sukhoi nhất.
Đầy rẫy rủi ro
Những lo ngại về an toàn cũng có khả năng cản trở ngành hàng không Nga trong tương lai.
Ông Henry Wilkinson, nhà sáng lập công ty an ninh và tình báo Dragonfly có trụ sở tại London, cho biết đã nhận được rất nhiều yêu cầu từ các hãng hàng không kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu.
Năm 2014, chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines bị tên lửa Buk do Nga sản xuất bắn hạ khi đang bay qua không phận miền đông Ukraine do lực lượng ly khai kiểm soát. Tất cả 283 hành khách và 15 phi hành đoàn trên máy bay thiệt mạng. Thảm kịch này có thể là điều mà các hãng hàng không bay châu Âu luôn phải cân nhắc trong tình hình chiến sự căng thẳng.
Ông Wilkinson nói với Al Jazeera: “Mỗi hãng hàng không lại yêu cầu thông tin khác nhau”.
“Các hãng hàng không có mức độ chấp nhận rủi ro khác nhau và sẽ nhận được các loại thông tin khác nhau. Các hãng tại Mỹ được Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) hỗ trợ rất tốt. Tuy nhiên, tại nhiều quốc gia khác, các hãng không thể nhận được nhiều thông tin như vậy từ các cơ quan chính phủ. Nhiều hãng đang cố gắng tìm kiếm đường bay an toàn và hiệu quả kết nối châu Âu với châu Á”.
Các hãng hàng không thường lựa chọn tránh xa không phận Ukraine và Nga. Các chuyến bay từ châu Âu đến châu Á, bình thường sẽ đi qua Ukraine và Nga đã bị chuyển hướng đến các vùng trời phía nam như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran hay Afghanistan.
Eurocontrol, cơ quan hướng dẫn chính sách không lưu ở châu Âu đã báo cáo sự gián đoạn rõ rệt tại những tuyến đường không chính. Các chuyến bay giữa Frankfurt và Bắc Kinh hiện nay đã dài thêm hai tiếng, và các chuyến từ Helsinki đến Tokyo tốn thêm tới 5 tiếng.
Ông Stephen Furlong, một nhà phân tích cấp cao tại Davy Capital Markets cho biết các hãng hàng không châu Âu hiện tại không bị ảnh hưởng quá lớn bởi sự gián đoạn.
“Trước khủng hoảng tại Ukraine, Lufthansa chỉ có 2% chuyến bay tới Nga và ít hơn 1% tới Trung Quốc và Nhật Bản”, ông Furlong nói với Al Jazeera, giải thích cho việc các hãng hàng không phương Tây không khai thác lại những chuyến bay bị hủy do dịch COVID.
Chấm dứt hợp tác quốc tế
Ông Craig Covault, cựu phóng viên của tạp chí Aviation Week & Space Technology cho hay: “Các hoạt động ngoài vũ trụ của Ukraine, Mỹ và châu Âu trị giá hàng trăm triệu USD đã bị ngừng hoặc thậm chí phá hủy bởi cuộc chiến”.
Những dự án vũ trụ trên bao gồm hoạt động thiết yếu liên quan đến việc tiếp tế cho Trạm vũ trụ quốc tế, phóng vệ tinh cung cấp internet OneWeb - đối thủ của Starlink và xe tự hành trên sao hỏa ExoMar được chế tạo bởi British Aerospace.
Ông Covault nói: “Tất cả những dự án trên đã mất ít nhất hàng thập kỷ và có sự đóng góp của hàng ngàn kỹ sư Ukraine và châu Âu”.
Những dự án của Ukraine bị ảnh hưởng bao gồm tên lửa đẩy Antares giúp phóng tàu vũ trụ tiếp tế Northrop Grumman Cygnus từ Wallops Island, bang Virginia (Mỹ). Tàu vũ trụ Cygnus sẽ mang một nửa số vật tư cần thiết cho Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), trong khi SpaceX của Elon Musk mang số còn lại.
Trong khi đó, Cơ quan vũ trụ Nga thông báo sẽ không bảo dưỡng cho động cơ tên lửa RD-180 được sử dụng bởi liên doanh giữa Boeing và Lockheed có tên United Launch Alliance. Những động cơ đẩy này được Lầu Năm Góc sử dụng trong những dự án quốc phòng tối mật.