|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ông Putin quyết không nhượng bộ, phả sức nóng vào chiến sự tại Ukraine

07:54 | 07/03/2022
Chia sẻ
Cuối tuần qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp tục phát đi tín hiệu sẽ không nhượng bộ. Điều này có thể gây ra những thiệt hại thảm khốc đối với dân thường cũng như đặt ra những thách thức lớn hơn cho quân đội Ukraine và phương Tây.

Xung đột bước sang tuần mới

Hôm 6/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin một lần nữa khẳng định cuộc chiến sẽ tiếp tục cho đến khi Ukraine chấp nhận các yêu cầu của Điện Kremlin và ngừng phản kháng. Điều này đang làm lu mờ hy vọng về một thỏa thuận đình chiến.

Trước đó, khi tuyên bố "chiến dịch quân sự đặc biệt", ông chủ Điện Kremlin đã làm rõ rằng Ukraine phải "phi quân sự hóa" và nhấn mạnh mục tiêu của ông là lật đổ chính phủ hiện tại, theo thông tin từ Bloomberg.

Trong cuộc điện đàm cùng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, ông Putin cũng lặp lại khẳng định rằng chiến dịch quân sự mà Moscow phát động ở Ukraine đang diễn ra theo kế hoạch.

Nỗ lực thiết lập hành lang nhân đạo lần hai cho khoảng 200.000 dân thường bị mắc kẹt tại thành phố cảng Mariupol của Ukraine cũng đã thất bại, điều này chỉ nhấn mạnh hơn nữa thảm họa nhân đạo đang diễn ra tại Ukraine.

Cuối ngày 6/3, Liên Hợp Quốc ước tính hơn 1,5 triệu người đã tháo chạy khỏi Ukraine sang các nước láng giềng sau khi các cuộc xung đột bắt đầu.

Chiến sự tại Ukraine bước sang tuần thứ hai, sức nóng tỏa ra mọi ngóc ngách - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. (Ảnh: Bussiness Today/Getty Images, Reuters).

Hôm 5/3, Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã trò chuyện cùng ông Putin tại Moscow, sau đó bay đến Berlin để gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz.

Một ngày sau, ông Bennett đã trao đổi thêm với ông Putin trong bối cảnh giới lãnh đạo thế giới liên tục gọi điện cho ông chủ Điện Kremlin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhằm hạ thang căng thẳng.

Cũng cuối tuần vừa qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã điện đàm cùng người đồng cấp Nga để thảo luận về sự an toàn của các nhà máy điện hạt nhân tại Ukraine.

Mặc dù Nga đã triển khai gần như toàn bộ lực lượng mặt đất cho cuộc tấn công vào Ukraine, quân đội nước này lại gặp khó khăn bởi kế hoạch và logistics yếu kém. Tuy nhiên, Nga chỉ mới triển khai một phần pháo binh, tác chiến điện tử, máy bay không người lái và máy bay chiến đấu của mình.

Theo tổ chức phi lợi nhuận Viện Nghiên cứu Chiến tranh (trụ sở tại Washington), binh lính Nga hầu như không tổ chức bất kỳ cuộc tấn công mới với quy mô lớn nào trong cuối tuần qua. Trái lại, quân đội Ukraine lại tổ chức đáp trả gần thành phố phía bắc Kharkiv.

Báo cáo mới của Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho biết, các cuộc tấn công lớn của Nga vào Kiev và Kharkiv, cũng như vào Mykolayiv và có thể là Odesa ở phía nam, có thể sẽ tiếp tục trong 48 giờ tới.

Diễn biến dồn dập

Cuối tuần qua, Bộ Quốc phòng Ukraine báo cáo rằng 8 tên lửa hành trình của Nga đã bắn trúng thành phố Vinnytsia, cách thủ đô Kiev khoảng 250 km về phía tây nam. Cư dân cũng bỏ chạy khỏi Irpin, một vùng ngoại ô của Kiev, khi khu vực này bị tấn công trên bộ.

Sau một tuần mà ông Putin đặt lực lượng hạt nhân vào mức cảnh báo cao nhất và quân đội Nga sẵn sàng đối mặt với nguy cơ tràn phóng xạ khi đánh chiếm các nhà máy điện hạt nhân của Ukraine, rủi ro đang tăng lên với cả hai bên.

Nga cũng đang ồ ạt triển khai vũ khí để chiếm lấy hai thành phố Kharkiv và Mariupol, điều này khiến một số chuyên gia quân sự coi là lời cảnh báo cho các thành phố khác không nên kháng cự.

Việc sử dụng rộng rãi pháo binh và tên lửa phóng của quân đội Nga - lực lượng có kho vũ khí đáng sợ nhất thế giới, sẽ gây thương vong dân sự cao. Ngoài ra, Bloomberg nói còn có bằng chứng cho thấy việc sử dụng bom chùm mà hầu hết các nước cấm trong môi trường dân sự.

Cũng cuối tuần vừa qua, ông Putin đã cảnh cáo phương Tây rằng bất kỳ nỗ lực nào hòng áp đặt vùng cấm bay đối với Ukraine sẽ được coi là đang tham gia vào cuộc xung đột. Ông mô tả các lệnh trừng phạt của phương Tây "giống như tuyên bố chiến tranh", nhưng nói thêm "tạ ơn Chúa, mọi chuyện đã không xảy ra".

NATO đã nhiều lần loại trừ khả năng áp đặt vùng cấm bay bất chấp lời khẩn cầu từ chính phủ Ukraine. Liên minh này khẳng định họ không muốn kéo máy bay của các nước thành viên vào thế đối đầu trực diện với máy bay Nga và lo ngại về một cuộc chiến tranh quy mô lớn hơn ở châu Âu.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Washington đang cân nhắc xem liệu Ba Lan có thể cung cấp cho Ukraine thêm nhiều máy bay chiến đấu hơn hay không.

Đồng thời, ông Blinken còn nói Mỹ đang thảo luận việc áp trừng phạt đối với các lô hàng dầu thô của Nga mà không làm gián đoạn thị trường toàn cầu. Nhiều năm qua, dầu thô vốn là nguồn thu ngân sách hàng đầu của Moscow.

Chia sẻ với Bloomberg, một quan chức Ba Lan cho biết khả năng điều động thêm máy bay cho Ukraine chỉ có thể xảy ra khi Mỹ điều máy bay chiến đấu thay thế đến Warsaw. Hơn nữa, vị quan chức nói thêm rằng chính phủ Ba Lan cũng e ngại trước bất kỳ động thái nào có thể dẫn đến xung đột trực tiếp với Nga.

Gửi máy bay chiến đấu do Mỹ sản xuất đến các quốc gia khác là một quá trình có thể mất nhiều năm. Mỹ phải cung cấp thêm máy bay cho Ba Lan và các phi công của đất nước châu Âu phải được đào tạo để lái chúng.

Khả Nhân

Chủ tịch Sacombank: Tôi không liên quan gì bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát
Người đứng đầu ngân hàng nói rằng tất cả tin đồn ảnh hưởng đến ông sẽ ảnh hưởng đến Sacombank, từ đó chắc chắn ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.