Châu Âu cấm bay, liệu Nga có giữ luôn hơn 500 chiếc máy bay đang thuê?
Theo số liệu từ hãng nghiên cứu Cirium, các hãng hàng không Nga hiện có 980 tàu bay chở khách với 777 chiếc là đi thuê. Trong đó, 515 chiếc với giá trị thị trường khoảng 10 tỷ USD được thuê từ các doanh nghiệp nước ngoài.
Theo công ty tư vấn hàng không Ishka, giá trị của các máy bay mà Nga đang thuê lên tới 12 tỷ USD. Những doanh nghiệp cho thuê tại Ireland là khách hàng lớn nhất của Nga với số máy bay trị giá khoảng 4-5 tỷ USD.
Những ngày vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) đã đóng cửa không phận với tàu bay Nga, đồng thời áp đặt hàng loạt lệnh cấm vận hà khắc lên chính phủ của Tổng thống Vladimir Putin.
Ireland cũng là một thành viên của EU và theo quy định cấm vận mới, doanh nghiệp Ireland không được phép có giao dịch mua bán hoặc cho thuê máy bay với Nga.
Theo New York Times, EU cho các doanh nghiệp hạn chót đến 28/3 để chấm dứt các hợp đồng đang còn hiệu lực. Nói cách khác, các hãng cho thuê của EU, đặc biệt là Ireland, phải đưa toàn bộ tàu bay ra khỏi Nga trong vòng ba tuần tới.
Tuy nhiên, đưa vài trăm chiếc tàu bay đi khỏi Nga không phải là chuyện đơn giản. Việc trả lại tàu bay đã thuê thường được lập kế hoạch trước hàng năm trời chứ không phải chỉ vài ngày.
Trong hoàn cảnh bị cấm vận hiện nay, các hãng hàng không Nga có thể không muốn hợp tác để trả tàu bay, hoặc chính quyền của ông Putin cố tình gây khó khăn để trả đũa các lệnh trừng phạt của Phương Tây.
Một trở ngại khác là cả Nga và EU đều đã đóng cửa không phận đối với tàu bay của nhau.
New York Times dẫn lời ông Phil Seymour, một chuyên gia hàng không tại công ty tư vấn IBA kể ra nhiều vấn đề: "Thách thức về hậu cần là cực lớn. Chúng ta đang nói về hàng trăm chiếc tàu bay cần phải được đưa ra ngoài. Chúng có thể đi đâu được? Liệu Nga có hợp tác không? Liệu có chỉ thị nào từ trên xuống yêu cầu các hãng không được trả tàu bay không?"
Các hãng hàng không vốn dĩ đã khổ sở vì COVID-19 và vụ bê bối tàu bay của Boeing, nay lại phải gồng mình chống đỡ thiệt hại từ cuộc xung đột Nga – Ukraine.
AerCap có trụ sở tại thủ đô Dublin (Ireland) có lẽ là hãng cho thuê tàu bay đang chịu rủi ro lớn nhất. Công ty này cho Nga và Ukraine thuê tổng cộng 152 chiếc, tổng trị giá khoảng 2,5 tỷ USD.
Trong báo cáo gửi nhà đầu tư, AerCap cho biết các hợp đồng của công ty này với hàng không Nga chiếm khoảng 5% tổng giá trị đội bay tại ngày 31/12/2021.
Các khách hàng tại Nga của AerCap bao gồm hãng hàng không quốc gia Aeroflot, S7 Airlines, Rossiya, Azur Air và Ural Airlines, công ty nghiên cứu ACC Aviation cho biết.
Thiệt hại khó lường với các hãng cho thuê tàu bay
Giá cổ phiếu AerCap giao dịch tại New York đã lao dốc 18% kể từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra hôm 24/2, như thể hiện trong biểu đồ dưới đây. Cổ phiếu của hãng cho thuê tàu bay Air Lease tại Mỹ cũng giảm sâu.
Nhiều chuyên gia ngân hàng cho biết các hãng hàng không Nga nằm trong nhóm thanh toán nghĩa vụ nợ đúng hạn nhất trong đại dịch. Thế nhưng giờ đây, các hãng cho thuê tàu bay đang đối diện với nguy cơ phải đột ngột chấm dứt hợp đồng và tìm cách lấy tàu bay về trong môi trường cấm vận đầy bất trắc.
Ông Viktor Berta, Phó Giám đốc công ty tư vấn ACC Aviation, cho rằng việc lấy lại tàu bay sẽ rất khó khăn, đặc biệt là nếu các khách hàng và cơ quan quản lý tại Nga không muốn hợp tác. Do lệnh cấm bay, ngay cả việc đưa nhân viên tới Nga để nhận tàu bay cũng đã là một vấn đề gây đau đầu.
Các hạn chế về tài chính là một trở ngại khó nhằn khác.
Theo Reuters, Avolon – hãng cho thuê tàu bay lớn thứ 2 thế giới – có chưa đến 20 chiếc ở Nga và một hoặc hai chiếc ở Ukraine trong đội bay tổng cộng hơn 550 chiếc.
CEO Domhnal Slattery cho biết Avolon lo ngại các lệnh trừng phạt tài chính khiến cho Nga bị ngắt kết nối với hệ thống SWIFT sẽ làm cho các hãng hàng không mất đường thanh toán.
Khi hết thời hạn thuê, các hãng hàng không sẽ phải trả lại tàu bay nguyên vẹn cho bên cho thuê. Tuy nhiên sau khi hợp đồng thuê đã bị hủy, các hãng hàng không Nga sẽ không còn nghĩa vụ bảo dưỡng tàu bay nữa. Tất cả rủi ro sẽ thuộc về bên cho thuê nếu như không đưa được tàu bay ra.
Ông Paul O'Driscoll, một nhà tư vấn hàng không tại Ishka, nói: "Hãng hàng không được miễn hết trách nhiệm. Bên cho thuê hoàn toàn bế tắc, phải để lại máy bay như cục sắt ở đó thôi".
AerCap có tổng tài sản tại ngày cuối năm 2021 khoảng 75 tỷ USD. Với một công ty lớn như vậy, thiệt hại từ thị trường Nga và Ukraine có thể vẫn trong ngưỡng chịu đựng. Tuy nhiên với các hãng nhỏ hơn, những lệnh trừng phạt cô lập Nga có thể dẫn tới sập tiệm.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/