|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nga nêu điều kiện đình chiến, khác hoàn toàn với yêu cầu của Ukraine

14:50 | 08/03/2022
Chia sẻ
Ngày 7/3 Nga đã công bố những điều kiện để đổi lại việc "ngừng bắn ngay lập tức" ở Ukraine. Tuy nhiên, phía Ukraine sẽ khó mà có thể chấp nhận những yêu cầu này.

Theo Reuters, người phát ngôn điện Kremlin cho biết, Nga thông báo cho Ukraine về việc sẵn sàng lập tức dừng chiến dịch quân sự nếu Kiev chấp nhận một danh sách các điều kiện.

Người phát ngôn của chính phủ Nga Dmitry Peskov yêu cầu Ukraine ngừng mọi hoạt động quân sự, công nhận bán đảo Crimea là lãnh thổ Nga, công nhận hai nước cộng hòa ly khai Donetsk và Lugansk là quốc gia độc lập, đồng thời thay đổi hiến pháp theo hướng loại trừ khả năng Ukraine ra nhập bất cứ khối nào, bao gồm NATO.

Nga nêu điều kiện "ngừng ngay lập tức" chiến dịch quân sự, nhưng khó tìm được tiếng nói chung với Mỹ - Ảnh 1.

Bản đồ cuộc chiến Ukraine cập nhật đến ngày 6/3. (Ảnh:Bloomberg).

Phát ngôn trên được cho là những yêu cầu rõ ràng nhất mà Nga muốn áp đặt lên Ukraine để ngừng “chiến dịch quân sự đặc biệt” tới hôm nay đã bước sang ngày thứ 13.

Ông Peskov nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại rằng Ukraine đã biết được các điều kiện. “Và [Ukraine] được thông báo rằng mọi thứ có thể được ngừng ngay lập tức”. Phía Ukraine chưa đưa ra phản hồi về tuyên bố của ông Peskov.

Nga đã tấn công Ukraine từ phía bắc, đông và nam, vào các thành phố như Kiev, Kharkiv và Mariupol. Cuộc chiến bắt đầu vào ngày 24/2 và đã tạo nên khủng hoảng người di cư lớn nhất châu Âu kể từ Thế chiến II, dẫn tới phản ứng của dư luận khắp thế giới và các biện pháp trừng phạt nặng nề nhằm vào Nga.

Tuy nhiên, người phát ngôn điện Kremlin nhấn mạnh Nga không đưa thêm các yêu sách về lãnh thổ của Ukraine, và phủ nhận thông tin Moscow yêu cầu giao nộp Kiev.

Ông Peskov nói: “Chúng tôi đang sắp hoàn thành việc phi quân sự hóa Ukraine. Chúng tôi sẽ hoàn thành nó. Nhưng điều quan trọng là phía Ukraine phải ngừng lại các hành vi quân sự. Họ nên ngừng lại và sau đó sẽ không có ai nổ súng”.

Liên quan đến vấn đề trung lập, ông nói: “Họ nên sửa đối hiến pháp theo hướng Ukraine sẽ từ chối việc tham gia bất cứ khối nào”.

Ông Peskov nói thêm: “Chúng tôi cũng thảo luận về việc Ukraine nên công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga, Donetsk và Lugansk là nhà nước độc lập. Đó là tất cả. Và [Nga] sẽ dừng lại ngay lập tức”.

Lập trường của Ukraine

Trao đổi với Fox News, nhà đàm phán Ukraine David Arakhamia cho biết nước này sẵn sàng thảo luận việc không gia nhập NATO, một phần vì các nước thành viên hiện nay của NATO không mấy mặn mà.

"Các thành viên NATO thậm chí còn không muốn thảo luận về việc kết nạp chúng tôi, ít nhất là trong vòng 5 - 10 năm tới", ông David Arakhamia nói. Như vậy, yêu cầu Ukraine không gia nhập một khối quân sự khác mà Nga đưa ra có khả năng được đáp ứng.

Tuy nhiên, nhà đàm phán Ukraine cũng khẳng định sẽ không nhượng bộ trong vấn đề toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, hoàn toàn trái với yêu cầu của Moscow là công nhận Crimea thuộc về Nga và công nhận Luhansk, Donets là các quốc gia độc lập.

Mục đích của cuộc xung đột?

Những yêu cầu cơ bản của Nga được đưa ra khi phái đoàn ngoại giao hai nước chuẩn bị họp vào ngày 7/3, trong vòng đàm phán thứ 3 với mục tiêu kết thúc chiến tranh.

Người phát ngôn Tổng thống Nga nói: “Chúng tôi không cướp Donetsk và Lugansk khỏi Ukraine. Donetsk và Lugansk không muốn là một phần của Ukraine. Nhưng điều này không có nghĩa là hai vùng phải bị phá hủy.”

“Phần còn lại của Ukraine là một nhà nước độc lập và sẽ tự quyết định tương lai của mình, với điều kiện đảm bảo tính trung lập”.

Ông Peskov nói tất cả các điều kiện đều được xây dựng và đưa ra trong hai vòng đàm phán đầu giữa Nga và Ukraine vào tuần trước. “Tôi mong rằng mọi thứ sẽ ổn và họ [phái đoàn Ukraine] sẽ phản ứng một cách thích hợp”, ông nói.

Nga đã bị ép phải dứt khoát hành động để phi quân sự hóa Ukraine, hơn là chỉ công nhận sự độc lập của hai vùng ly khai, ông cho biết. Theo Moscow, Nga thực hiện chiến dịch quân sự là nhằm bảo vệ 3 triệu người nói tiếng Nga tại hai nước cộng hòa này khỏi sự đe dọa từ 100.000 lính Ukraine.

Nga nêu điều kiện "ngừng ngay lập tức" chiến dịch quân sự, nhưng khó tìm được tiếng nói chung với Mỹ - Ảnh 3.

Tượng đài tưởng niệm giải phóng vùng Donbass khỏi phát xít Đức. (Ảnh: Valentin Sprinchak/TASS via Getty Images).

Người phát ngôn điện Kremlin cho biết: “Chúng tôi không thể chỉ công nhận họ. Chúng tôi sẽ phải làm gì với 100.000 lính gần biên giới có thể tấn công Donetsk và Lugansk bất cứ lúc nào. Những người lính Ukraine này đều được trang bị vũ khí của Mỹ và Anh”.

Trước khi xung đột diễn ra, Ukraine nhiều lần phủ định đánh giá của Moscow về việc Kiev sẽ tiến hành cuộc tấn công để chiếm lại hai vùng ly khai bằng vũ lực.

Ông Peskov nói tình hình tại Ukraine đã tạo ra mối nguy cho an ninh Nga lớn hơn hồi 2014, khi Moscow tập trung hơn 150.000 lính tại biên giới với Ukraine, gây nên lo ngại về một cuộc tấn công, nhưng chỉ dừng lại ở việc sáp nhập Crimea.

Ông nói: “Bởi tình hình trở nên khó khăn hơn cho chúng tôi. Vào năm 2014, họ cung cấp vũ khí cho Ukraine, chuẩn bị quân đội theo tiêu chuẩn NATO”.

“Cuối cùng thì giọt nước tràn ly là mạng sống của 3 triệu người tại Donbass. Chúng tôi hiểu rằng họ sẽ bị tấn công”.

Ông Peskov nói Nga phải hành động trước mối nguy cơ từ NATO, và cho rằng “chỉ là vấn đề thời gian” đến khi liên minh quân sự này đặt tên lửa tại Ukraine tương tự như đã làm ở Ba Lan hay Romania.

“Chúng tôi biết rằng mình không thể chịu đựng việc này nữa. Chúng tôi phải hành động”, ông nói.

Chiến sự Nga - Ukraine đã bước sang ngày thứ 13 với hàng nghìn binh sĩ thiệt mạng, Liên Hợp Quốc ước tính khoảng 1,7 triệu thường dân đã phải tị nạn sang các nước láng giềng.

Mỹ, Anh và Liên minh Châu Âu đã áp các lệnh trừng phạt hà khắc lên nền kinh tế, lãnh đạo cấp cao của Nga cũng như các tỷ phú thân thiết với Tổng thống Putin. Mặc dù vậy, quân đội Nga vẫn tiến công mạnh trên nhiều mặt trận.

Yêu cầu của Mỹ

Ngày 4/3, bà Victoria Nuland, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ đã trả lời phỏng vấn hãng thông tấn TASS của Nga về cuộc xung đột tại Ukraine. Trong đó, bà nêu lên điều kiện để Mỹ gỡ bỏ các lệnh cấm vận là Nga phải chấm dứt chiến tranh và giúp Ukraine xây dựng lại đất nước.

Bà Nuland khẳng định "NATO không phải là mối đe dọa với Nga" và phủ nhận ý định của NATO về việc triển khai vũ khí tấn công tại Ukraine.

"Thậm chí chúng tôi còn nói rõ rằng Mỹ chưa từng có ý định triển khai vũ khí tấn công ở Ukraine", bà nói.

Bà khẳng định thêm rằng Mỹ sẽ không quyết định thay Ukraine hoặc yêu cầu Ukraine phải chọn phe nào.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ nói thêm: "Mặc dù vậy, tất cả đều phải hiểu rằng NATO là một liên minh phòng thủ. NATO không tấn công người khác, trừ khi NATO bị tấn công trước. Chúng tôi chưa từng có ý định xâm hại Nga và trong tương lai gần cũng không".

Minh Quang