Kinh tế thế giới vẫn sẽ sống khỏe dẫu giá dầu lên 130 USD/thùng?
Thị trường thường có trí nhớ ngắn hạn mà quên đi những điều cốt lõi. Đáng lẽ ra các nhà đầu tư chẳng cần ngạc nhiên gì khi giá dầu Brent nhảy vọt 39% trong một tháng, Bloomberg viết.
Nhiều năm gần đây, Nga thỉnh thoảng lại vượt mặt Arab Saudi để giữ danh hiệu nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới sau Mỹ. Song, hiện vị thế xuất khẩu của Nga trên thị trường toàn cầu có vẻ rất không chắc chắn.
Các lệnh trừng phạt của phương Tây được thiết kế để "chừa đường lui" cho các mặt hàng năng lượng của Nga nhưng chúng vẫn đủ sức hù dọa các thành phần khác trong chuỗi cung ứng dầu thô, ví dụ như lĩnh vực vận tải.
Nhiều người mua cẩn trọng đã ngừng nhập khẩu dầu từ Nga dẫu giá giảm sâu. Những người chưa làm vậy vẫn có thể nghĩ lại, sau khi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ukraine chỉ trích gay gắt việc Shell mua lô hàng dầu được chiết khấu cao từ Nga.
Giá dầu chỉ đang quay về mức bình thường
Trong suốt 6 năm từ 2015 đến cuối 2020, dầu WTI được giao dịch trung bình với giá 56 USD/thùng và rớt thảm còn âm 40 USD vào năm 2020. Khi nhìn vào bối cảnh này, giá giao dịch hiện tại trên 130 USD/thùng có vẻ không khác gì thảm họa. Nhưng trên thực tế, con số này lại gần giống như quay trở về mức bình thường.
Trong 5 năm bắt đầu từ 2010, giá Brent trung bình là 92 USD/thùng - hoặc khoảng 119 USD vào đầu giai đoạn này (đã điều chỉnh theo lạm phát). Chiến sự tại Ukraine và các biện pháp trừng phạt nặng nề thế giới chưa từng thấy thực chất chỉ đang kéo giá dầu lên mức bình thường vào khoảng một thập kỷ trước.
12 năm trước không phải quãng thời gian đen tối với nền kinh tế thế giới. Cả hai năm 2010 và 2011 đều ghi nhận tăng trưởng mạnh nhất kể từ giữa những năm 2000, dù khi đó giá dầu thô phục hồi từ mức thấp năm 2008 lên đến hơn 100 USD/thùng.
Dĩ nhiên sự khác biệt là khi đó giá dầu tăng nhờ nhu cầu mạnh mẽ chứ không phải sự khan hiếm của nguồn cung như hiện nay. Tuy nhiên, mối liên kết giữa giá dầu đắt đỏ và suy thoái toàn cầu yếu hơn bạn tưởng, theo Bloomberg.
Đầu tiên, thiệt hại khổng lồ của một quốc gia là lợi nhuận béo bở của một nước khác. Các nền kinh tế mới nổi có xu hướng ghi nhận tăng trưởng tốt hơn các nước giàu khi giá dầu tăng, có lẽ là do nhiều nước trong số đó xuất khẩu lượng lớn dầu thô và nhiên liệu hóa thạch đóng góp nhiều vào GDP.
Các chỉ số chứng khoán chính ở Arab Saudi và Nigeria đều đã tăng hơn 10% từ đầu năm đến nay, gần bằng mức giảm tại thị trường ở các nước giàu hơn như Mỹ và Nhật Bản.
Nếu chỉ xét các nước giàu, mối quan hệ giữa suy thoái và giá dầu cao cũng khá yếu ớt. Giả thuyết ban đầu của nhiều người là giá dầu thô tăng sẽ là nguyên nhân trực tiếp khiến hoạt động kinh tế chậm lại, vì năng lượng là khoản chi tiêu không cắt giảm được. Nếu trả thêm tiền để đổ xăng đầy bình hay thanh toán hóa đơn điện, chúng ta phải hi sinh những món khác trong ngân sách gia đình, ví dụ như quần áo.
Rắc rối của giả thuyết này là xăng dầu không còn chiếm tỷ trọng lớn trong chi tiêu của hầu hết mọi người như trước đây. Trong rổ hàng hóa để cấu tạo chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ, nhiên liệu chỉ chiếm khoảng 3,7% và 5% đối với lao động cổ cồn xanh.
Tỷ lệ trên tương đương với ăn ngoài hàng, đồ nội thất hoặc hóa đơn điện nước, thấp hơn nhiều so với dịch vụ y tế, xe cộ hay thực phẩm tại nhà. Người dân chắc chắn nhận thấy giá ở cây xăng tăng mạnh. Tuy nhiên, nền kinh tế thường không bị ảnh hưởng quá nặng nề.
Nguyên nhân thực sự
Vậy sao giá dầu nhảy vọt lại thường xuyên dẫn đến kinh tế suy giảm? Năm 1997, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Ben Bernanke đã thực hiện một nghiên cứu có sức ảnh hưởng rất lớn.
Kết quả cho thấy, điều khiến kinh tế sa sút không phải do giá dầu thô mà là do cách ngân hàng trung ương phản ứng. Những ngân hàng trung ương đang sốc với số liệu lạm phát sẽ coi giá năng lượng đi lên là tín hiệu để tăng lãi suất và siết chặt chính sách tiền tệ.
Để không bị tác động bởi cú sốc dầu, các quan chức ngân hàng trung ương cần "án binh bất động" và chờ thị trường dầu thô cân bằng lại. Trên thực tế, đó là điều các ngân hàng trung ương thường làm khi họ tập trung vào lạm phát lõi, nhằm loại bỏ ảnh hưởng từ việc giá năng lượng và thực phẩm biến động mạnh.
Ngược lại, tăng lãi suất để hạ nhiệt giá năng lượng vô dụng chẳng khác gì chích máu bệnh nhân để hạ sốt, phương pháp điều trị ưa thích hồi thế kỷ 18.
10 năm sau khi công bố nghiên cứu, ông Bernanke đã có cơ hội để vận dụng ý tưởng trên vào thực tiễn. Tại thời điểm ông chèo lái Fed, giá dầu thô đã leo lên mức lịch sử. Mặc dù suy thoái đã xảy ra vài tháng sau khi giá dầu nhảy vọt vào tháng 7/2008, bây giờ hiếm có nhà kinh tế nào cho rằng hai sự kiện này có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.
Vậy nên nhà đầu tư nên bớt lo ngại về giá dầu và quan tâm nhiều hơn đến những việc khác đang xảy ra trên thế giới. Hầu hết các cuộc suy thoái xảy ra sau khi giá dầu tăng vọt, nhưng ít khi giá dầu tăng gây ra suy thoái. Kinh tế thế giới vẫn có thể vượt qua sự hỗn loạn hiện nay, Bloomberg kết luận.