|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ông Biden kẹt cứng giữa hai lựa chọn: Cấm vận dầu thô Nga hay kìm kẹp lạm phát trong nước

12:19 | 07/03/2022
Chia sẻ
Tổng thống Joe Biden đang mắc kẹt giữa hai lựa chọn mâu thuẫn là khống chế giá cả trong nước và cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga để trừng phạt Moscow. Lệnh trừng phạt mới gần như chắc chắn sẽ khiến lạm phát đi lên và gây khó khăn cho các đồng minh phương Tây.
Ông Biden kẹt cứng giữa áp lực cấm vận dầu thô Nga và kìm kẹp lạm phát - Ảnh 1.

Tổng thống Joe Biden đang cân nhắc buộc người Mỹ trả giá xăng cao hơn để trừng phạt Nga vì tấn công Ukraine. Phương án này tạo ra rủi ro chính trị không nhỏ với ông Biden. (Ảnh: Getty Images, iStock; Insider).

Thế khó xử của ông Biden

Hôm 6/3, Mỹ thông báo nước này đang thảo luận với đồng minh về lệnh cấm nhập khẩu sản phẩm dầu mỏ từ Nga. Trong suốt vài tháng qua, chính quyền ông Biden đã bị chỉ trích dữ dội vì lạm phát ở mức đỉnh hàng chục năm.

Giá năng lượng leo thang là một trong những yếu tố tác động lớn nhất đến giá tiêu dùng, với giá dầu, khí đốt và các loại hàng hóa khác liên tục lập đỉnh.

Giờ đây, sự phẫn nộ về tổn thất nhân mạng trong xung đột quân sự Nga - Ukraine đang khiến các nhà lập pháp Mỹ yêu cầu chính quyền ông Biden phải cấm nhập khẩu dầu của Nga.

Trước thông báo của Washington một ngày, một dự luật lưỡng đảng nhằm cấm nhập sản phẩm này đã được trình lên Thượng viện với chữ ký của 22 nhà lập pháp và giành được sự ủng hộ không nhỏ. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã tuyên bố sẽ ủng hộ dự luật.

Áp lực từ Quốc hội có thể sẽ làm đảo lộn sự cân bằng của Nhà Trắng giữa việc trừng phạt Moscow với việc giữ cho dòng chảy dầu không bị gián đoạn, đặc biệt là đến các đồng minh phụ thuộc nhiều vào dầu thô của Nga ở châu Âu.

Trong vài ngày qua, các quan chức cấp cao đã phải đi trên lằn ranh mỏng manh, thừa nhận rằng các nhà lập pháp đang kêu gọi cấm dầu thô Nga, nhưng đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của nó đến thị trường thế giới.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói trên CNN ngày 6/3: "Hiện chúng tôi đang trao đổi với các đối tác và đồng minh châu Âu để xem xét khả năng phối hợp cấm nhập khẩu dầu của Nga, đồng thời đảm bảo nguồn cung dầu hợp lý trên thị trường thế giới. Lúc này cuộc thảo luận đang diễn ra rất sôi nổi".

Nga là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba trên thế giới, đóng góp 10% nguồn cung toàn cầu vào năm ngoái, theo Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Các nhà đầu tư nói, lo ngại dòng chảy năng lượng của Nga bị đứt gãy đã kéo giá dầu thô tăng vọt 25% vào tuần trước.

Vòng xoáy đi lên của giá dầu đang đẩy ông Biden vào tình thế gai góc: Ông không thể đáp ứng yêu cầu cấm nhập khẩu sản phẩm từ Nga mà không gây rủi ro khiến giá xăng dầu lên cao hơn nữa.

Giá năng lượng có thể là điểm yếu với Đảng Dân chủ trong kỳ bầu cử Quốc hộ Mỹ tháng 11 năm nay. Lãnh đạo của các nước đồng minh với Mỹ cũng đối mặt với rủi ro chính trị tương tự.

Chẳng gì tồi tệ hơn một cuộc khủng hoảng năng lượng giữa thời giao tranh - Ảnh 1.

Mọi cố gắng kìm giá dầu thô đều bất thành

Mỹ và các đồng minh châu Âu đã áp đặt các biện pháp trừng phạt quyết liệt chưa từng thấy lên Nga sau khi quân đội nước này tiến vào Ukraine. Tuy nhiên, phương Tây vẫn tránh để không làm xảy ra tình trạng thiếu hụt năng lượng và kéo giá dầu lên cao hơn nữa.

Chẳng hạn, Mỹ đã trừng phạt các ngân hàng lớn nhất của Nga như Sberbank và VTB nhưng lại đặt ra các điều khoản miễn trừ cho các giao dịch khí tự nhiên, dầu thô và sản phẩm dầu mỏ của Nga.

Theo Wall Street Journal, Mỹ đang cố gắng lựa chọn làm sao để các ngân hàng Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT gây ít thiệt hại cho thị trường năng lượng toàn cầu nhất.

Song, nỗ lực trên đã thất bại. Thị trường dầu mặc kệ sự nương tay đó và dù không bị cấm, người mua vẫn quay lưng với dầu thô Nga vì sợ sau này sẽ bị chính phủ phạt hoặc Nga sẽ dùng số tiền đó để kéo dài chiến sự. Cuộc đua tìm nguồn cung thay thế đã kéo giá dầu Brent lên gần 130 USD/thùng vào rạng sáng ngày 7/3 (theo giờ Việt Nam).

Ông Andy Lipow, Chủ tịch Lipow Oil Associates dẫn số liệu EIA cho thấy năm ngoái chỉ có khoảng 8% tổng lượng nhập khẩu dầu và các sản phẩm tinh chế của Mỹ đến từ Nga, đương khoảng 672.000 thùng/ngày. Ngược lại, 27% lượng dầu thô của Liên minh châu Âu (EU) phụ thuộc vào Nga, theo số liệu thống kê của EU.

Canada đã cấm nhập khẩu dầu của Nga và giới lãnh đạo Anh cũng đã công khai thảo luận về động thái tương tự. Lệnh cấm của Mỹ có thể gây áp lực buộc các đồng minh khác làm theo, gây ra thiếu hụt khiến giá cả tăng cao.

Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố chỉ số giá tiêu dùng của tháng 2 vào ngày 10/3. CPI tháng 1 cho thấy tỷ lệ lạm phát hàng năm đạt 7,5%, mức cao nhất kể từ năm 1982.

Thế kẹt của ông Biden: Đối ngoại lo Ukraine, đối nội lo lạm phát, cử tri mất lòng tin - Ảnh 2.

Ông Biden đã dành nhiều tháng cố gắng trấn an người Mỹ về lạm phát và phối hợp với các chính phủ khác để đối phó với giá cả bằng cách mở kho dự trữ dầu và tăng nguồn cung.

Bất chấp rủi ro lạm phát, Thượng nghị sĩ Joe Manchin, Chủ tịch Ủy ban Năng lượng và Tài nguyên Thiên nhiên của Thượng viện đã công bố dự luật cấm nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch vào ngày 3/3.

Ông Manchin, thành viên Đảng Dân chủ, đã thường xuyên nói về nỗi lo lạm phát, chỉ trích giá cả tăng là một loại thuế đánh vào người tiêu dùng Mỹ. Nhưng ông tuyên bố sẵn sàng trả thêm tiền để đổ xăng đầy bình nhằm giúp đỡ người Ukraine. "Đây là chiến tranh", ông nhấn mạnh.

Ngành dầu thô Mỹ cũng ủng hộ lệnh cấm. Các nhà máy lọc dầu Mỹ đã bắt đầu thu hẹp nguồn cung từ Nga vào cuối năm ngoái. Hiệp hội thương mại American Fuel & Petrochemical Manufacturers đã chia sẻ với các nhà lập pháp các cách để hạn chế gián đoạn nguồn cung do lệnh cấm vận.

Ông Biden vốn đang tìm cách thúc đẩy năng lượng tái tạo, một phần trong chiến lược xử lý tác động lên lạm phát của nhiên liệu hóa thạch. Nhưng đây là giải pháp dài hạn chứ không thể phát huy hiệu quả ngay lập tức.

Thượng nghị sĩ Lisa Murkowski, người cùng giới thiệu dự luật cấm nhập khẩu dầu từ Nga với ông Manchin, nói rằng ông Biden có thể xoa dịu thị trường bằng cách cam kết thúc đẩy sản lượng năng lượng nội địa.

"Nhưng bây giờ, tín hiệu từ chính quyền Biden là chúng ta sẽ để mặc dầu trong lòng đất và dựa vào nguồn cung từ nơi khác. Và giờ chúng ta nhận ra rằng mình đang dựa vào sự giúp đỡ của Nga để có dầu mà tiêu dùng".

Giang