Quân sư của ông Putin gồm những ai?
Với tư cách của một người Tổng tư lệnh, quyền quyết định cao nhất trong cuộc chiến tại Ukraine thuộc về Tổng thống Vladimir Putin. Tuy nhiên, Tổng thống Nga luôn dựa vào những người quân sư thân cận nhất, đa số trong đó bắt đầu sự nghiệp tại các cơ quan an ninh của Nga.
Vậy ai là người ông Putin lắng nghe, trong thời điểm định mệnh nhất của nhiệm kỳ Tổng thống?
Bộ trưởng Quốc phòng - Sergei Shoigu
Suốt hai thế kỷ qua, quân đội Nga hiếm khi liên quan đến những quyết định chính trị. Dưới thời Liên Xô, chính phủ sử dụng Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB) theo dõi sát sao Quân đội, nhằm tránh việc lực lượng vũ trang Nga có quá nhiều quyền lực.
Trong quá khứ, Tổng thống Putin đề cao lực lượng an ninh hơn quân đội. Tuy nhiên, vào năm 2012, khi ông Shoigu được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng, cán cân quyền lực giữa an ninh và quân đội đã thay đổi, tờ Foreign Policy cho hay.
Khi tham gia vào chính trường những năm 1990, ông Shoigu dựng lên hình ảnh một người sĩ quan dũng cảm, đầy nhiệt huyết, thường xuyên ghé thăm những nơi chịu thiên tai hay khủng bố.
Chiến công đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng Nga là tại Ukraine năm 2014. Khi cuộc cách mạng Maidan xảy ra tại Kiev, Nga sử dụng lực lượng tình báo FSB để ngăn cản cuộc biểu tình diễn ra, tuy nhiên đã thất bại.
Tổng thống Putin tìm đến quân đội, và dưới sự chỉ huy của ông Shoigu, bán đảo Crimea nhanh chóng được sáp nhập.
Vào năm 2015, ông Shoigu lại một lần nữa đạt những thành tựu ở chiến trường Syria, giúp quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad lật ngược thế cờ.
Đến năm 2019, tại Syria, quân đội Nga đã phô diễn được sức mạnh quân sự với khí tài hiện đại. Bằng sự thành công tại Crimea và Syria, Đại tướng Shoigu trở thành người đồng hành tin cậy của Tổng thống Nga.
Bộ trưởng Shoigu thay đổi cách tiếp cận đối với chiến lược quân sự và khả năng sẵn sàng chiến đấu. Ông đã áp dụng sự đổi mới công nghệ, hình thành bộ chỉ huy mạng và hợp nhất không quân và lực lượng vũ trụ thành Lực lượng Hàng không vũ trụ của Nga. Ông Shoigu cũng đã tăng lương cho các quân nhân, khiến thanh niên Nga không thể trốn tránh nghĩa vụ quân sự.
Chuyên gia an ninh Nga và nhà văn Andrei Soldatov cho rằng: "Shoigu không chỉ phụ trách quân sự, mà còn phụ trách một phần tư tưởng - và ở Nga, tư tưởng chủ yếu là về lịch sử và ông ấy kiểm soát những câu chuyện quá khứ."
Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Nga - Valery Gerasimov
Ông Gerasimov đóng vai trong quan trọng trong các chiến dịch quân sự của Nga kể từ khi ông chỉ huy tại chiến tranh Chechnya năm 1999. Ông là người đi đầu trong việc lập kế hoạch quân sự trong cuộc chiến tại Ukraine, giám sát các cuộc tập trận quân sự ở Belarus vào tháng trước.
Tướng Gerasimov cũng đóng một vai trò quan trọng trong chiến dịch quân sự sáp nhập Crimea năm 2014.
Một số thông tin cho rằng ông hiện đã bị thất sủng vì những sự cố khi bắt đầu cuộc xung đột tại Ukraine cuối tháng 2/2022 và báo cáo về tình trạng nhuệ khí thấp của quân đội.
Nhưng chuyên gia Andrei Soldatov tin rằng đó là suy nghĩ viển vông vì: "Tổng thống Putin không thể kiểm soát mọi con đường và tiểu đoàn, và đó là vai trò của ông [Gerasimov]".
Và trong khi Bộ trưởng Shoigu có thể yêu thích quân phục của mình, ông ấy không được đào tạo quân sự và cần phải dựa vào các chuyên gia như Tướng Gerasimov.
Thư ký Hội đồng an ninh - Nikolai Patrushev
Ông là một trong ba người trung thành đã phục vụ Tổng thống Putin kể từ những năm 1970 tại St. Petersburg, khi thành phố này còn được gọi là Leningrad.
Hiếm có người nào người nắm giữ nhiều ảnh hưởng đối với Tổng thống như ông Nikolai Patrushev. Ông Patrushev không chỉ làm việc với Tổng thống Putin trong KGB cũ trong thời Liên Xô, mà còn trở người đứng đầu tổ chức kế nhiệm FSB, từ năm 1999 đến năm 2008.
Chính trong một cuộc họp kỳ lạ của hội đồng an ninh Nga, ba ngày trước cuộc xung đột (21/2), ông Patrushev đã thể hiện quan điểm của mình rằng "mục tiêu cụ thể" của Mỹ là sự tan rã của Nga.
Ông Ben Noble, Phó Giáo sư về chính trị Nga tại Đại học London nói: “Ông [Patrushev] là người có tiếng nói, và dường như Tổng thống Putin đang hướng tới góc nhìn cực đoan của ông Patrushev về phương Tây”.
Giám đốc Tổng cục An ninh (FSB) - Alexander Bortnikov
Một cánh tay đắc lực khác của Tổng thống Putin từ thời KGB, ông Bortnikov tiếp quản quyền lãnh đạo FSB thay thế cho Thư ký Hội đồng An ninh Nikolai Patrushev.
Cả hai người đàn ông đều rất thân cận với Tổng thống Putin. Nhưng như Phó Giáo sư Ben Noble nói: "Không thể chắc chắn ai là người nắm quyền và ai là người đưa ra quyết định."
FSB có ảnh hưởng đáng kể đối với các cơ quan thực thi pháp luật của Nga và thậm chí có lực lượng đặc biệt của riêng mình.
Chuyên gia Andrei Soldatov tin rằng ông Bortnikov quan trọng nhưng không thể thách thức nhà lãnh đạo Nga hoặc đưa ra lời khuyên giống như những người khác.
Giám đốc Cục Tình báo nước ngoài - Sergei Naryshkin
Ông Sergei Naryshkin đã ở bên cạnh Tổng thống trong phần lớn sự nghiệp của mình và là một trong bộ ba Leningrad cùng với Alexander Bortnikov và Nikolai Patrushev.
Trong cuộc họp Hội đồng an ninh ngày 21/2, khi được hỏi về việc đánh giá tình hình tại Ukraine, ông Naryshkin trở nên bối rối, và Tổng thống Putin đã phải lên tiếng: “Đó không phải là điều chúng ta đang bàn”.
Ông Sergei Naryshkin từ lâu đã theo sau Tổng thống Putin, đầu tiên là ở St Petersburg vào những năm 1990, sau đó ở văn phòng của Tổng thống năm 2004 và cuối cùng trở thành Chủ tịch Hạ viện (Duma).
Ông Naryshkin cũng đứng đầu Hiệp hội Lịch sử Nga và theo quan điểm của chuyên gia Soldatov, ông đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp cho Tổng thống cơ sở tư tưởng cho các hành động của mình.
Ngoại trưởng - Sergei Lavrov
Trong suốt 18 năm, ông Lavrov là nhà ngoại giao cấp cao nhất của Nga, tuy nhiên ông thường được coi là người không có vai trò lớn trong việc ra quyết định.
Ông Lavrov là một nhà lãnh đạo tinh quái. Tháng trước, ông đã chế nhạo Ngoại trưởng Anh Liz Truss về kiến thức của cô liên quan đến địa lý Nga. Năm ngoái, Ngoại trưởng Lavrov đã làm bẽ mặt người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU là ông Josep Borrell.
Tuy nhiên, có vẻ như ông Lavrov không liên quan trực tiếp đến chiến sự tại Ukraine. Ngoại trưởng Nga ủng hộ các cuộc đàm phán ngoại giao về Ukraine tuy nhiên Tổng thống Nga đã chọn phớt lờ ông.
Chủ tịch Hội đồng Liên bang - Valentina Matviyenko
Là một gương mặt phụ nữ hiếm hoi trong chính quyền của Tổng thống Putin, bà Matviyenko đã giám sát cuộc bỏ phiếu ở Thượng viện đánh dấu việc triển khai lực lượng Nga ở nước ngoài.
Bà Valentina Matviyenko cũng là một người trung thành với ông Putin từ thời St Petersburg, và là người liên quan đến việc sáp nhập Crimea vào năm 2014. Tuy nhiên, bà Matviyenko không được coi là người ra quyết định chính.
Lãnh đạo lực lượng Vệ binh Quốc gia - Viktor Zolotov
Từng là cận vệ của Tổng thống, hiện ông Zolotov đang điều hành lực lượng Vệ binh quốc gia của Nga, Rosgvardia, được thành lập 6 năm trước. Sau 6 năm phát triển, lực lượng Vệ binh quốc gia hiện có quân số lên tới 400.000 người.
Nhiều người tin rằng kế hoạch ban đầu của Nga là hoàn thành cuộc xung đột Ukraine trong vòng vài ngày. Tuy nhiên khi Quân đội dường như thất bại, người đứng đầu Vệ binh Quốc gia của Nga có thể sẽ được sử dụng.
Tổng thống Putin còn tin tưởng những ai?
Thủ tướng Mikhail Mishustin phải làm một nhiệm vụ mà không ai thèm muốn, đó là giải cứu nền kinh tế nhưng có rất ít tiếng nói về cuộc chiến.
Theo nhà phân tích chính trị Yevgeny Minchenko, Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin và người đứng đầu tập đoàn dầu mỏ quốc gia Rosneft, Igor Sechin, cũng là những người thân cận với Tổng thống.
Hai anh em tỷ phú Boris và Arkady Rotenberg, bạn thời thơ ấu của Tổng thống Putin, cũng là những người có ảnh hưởng lớn. Năm 2020, tạp chí Forbes vinh danh hai vị tỷ phú là gia đình giàu nhất nước Nga.