Nguy cơ hạm đội Nga bị nhốt ở biển Đen
Tuần trước, Đại sứ Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ Vasyl Bodnar xuất hiện trên truyền hình địa phương và yêu cầu chính quyền Ankara đóng cửa các eo biển trọng yếu theo các điều khoản của Công ước Montreux năm 1936.
Thổ Nhĩ Kỳ trả lời rằng chỉ có thể đóng cửa eo biển khi xảy ra chiến tranh. Và vào ngày 27/2, Ankara đã xác định cuộc xung đột Nga và Ukraine là chiến tranh.
Vào ngày 28/2, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết chính phủ của ông sẽ “dùng quyền hạn được cho phép theo Công ước Montreux về vấn đề giao thông đường thủy tại các eo biển theo cách giúp ngăn xung đột leo thang”.
Theo tờ Anadolu, Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu sau đó nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã cảnh báo các quốc gia thuộc Biển Đen cũng như nằm ngoài khu vực này không cho tàu chiến đi qua eo biển Bosphorus và Dardanelles.
Ông Cavusoglu nói: “Chưa có bất cứ yêu cầu đi qua eo biển nào [kể từ khi cuộc chiến bắt đầu]”.
Trong khi Tổng thống Erdogan nói ông coi “cuộc tấn công của Nga vào Ukraine là không chấp nhập được”, ông cũng đồng thời khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ không từ bỏ quan hệ ngoại giao với Nga hay Ukraine.
Công ước Montreux là gì?
Công ước trao cho Thổ Nhĩ Kỳ quyền kiểm soát nhất định đối với việc tàu chiến đi qua eo biển Dardanelles và Bosphorus nối liền Biển Aegean, Biển Marmara và Biển Đen.
Trong thời bình, tàu chiến có thể đi qua eo biển bằng cách thông báo ngoại giao trước, với giới hạn nhất định về tải trọng và vũ khí cũng như tùy thuộc vào việc có quốc tịch Biển Đen hay không. Trong thời chiến, Thổ Nhĩ Kỳ có thể ngăn không cho tàu của những bên hiếu chiến đi qua các eo biển trên.
Theo Công ước, nếu Thổ Nhĩ Kỳ là một bên tham chiến hoặc cảm thấy một mối nguy hiểm sắp xảy ra, Ankara có thể đóng các eo biển với tất cả tàu chiến.
Khi Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa hai eo biển Bosphorus và Dardanelles, tàu chiến của Nga ở các hạm đội Baltic, Phương Bắc và Thái Bình Dương sẽ không thể đến Biển Đen để chi viện cho cuộc chiến ở Ukraine. Ngược lại, Hạm đội Biển Đen của Nga cũng không thể ra ngoài.
Trong Thế chiến thứ 2, Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng Công ước Montreux để đóng cửa hai eo biển. Phe Phát xít không thể đưa tàu chiến vào Biển Đen để tấn công Liên Xô và Liên Xô cũng không thể đưa tàu từ Biển Đen ra Biển Địa Trung Hải để tham chiến.
Ảnh hưởng tới Nga?
Cả Nga và Ukraine đều nằm trong biển Đen, cùng với Romania và hai thành viên NATO là Bulgaria và Georgia. Thổ Nhĩ Kỳ có thể hạn chế việc di chuyển của tàu chiến của Nga từ Địa Trung Hải đến Biển Đen qua các eo biển của nước này theo Công ước Montreux.
Tuy nhiên hiệp ước có một lưu ý: tàu chiến của các quốc gia đang tham chiến có thể băng qua nếu chúng đang quay trở lại căn cứ xuất phát.
Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu nói: “Nếu tàu từ quốc gia tham chiến trở lại cảng đi, thì đây là trường hợp ngoại lệ. Chúng tôi sẽ thực hiện tất cả các điều khoản của Montreux một cách minh bạch”. Ông cũng nói thêm rằng ngoại lệ không nên bị lạm dụng.
Ông Mustafa Aydin, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Quốc tế Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết động thái này sẽ chỉ mang tính biểu tượng. Ông nói: “Nga có đủ hỏa lực ở Biển Đen để các nước NATO phải né tránh. Nga nắm hoàn toàn ưu thế trên biển".
Ông Serhat Guvenc, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Kadir Has, Istanbul, cho biết nếu chiến tranh kéo dài, Moscow có thể cảm thấy sức nóng. Nga đã hoàn thành việc xây dựng hải quân ở Biển Đen bằng cách chuyển các đơn vị khỏi Biển Baltic trước khi bắt đầu các cuộc chiến.
Đầu tháng 2, 6 tàu chiến và một tàu ngầm của Nga đã đi qua eo biển Dardanelles và Bosphorus đến Biển Đen để tiến hành cuộc tập trận hải quân gần vùng biển Ukraine.
Ông nói: “Họ [Nga] có đủ nguồn lực để duy trì sức mạnh hải quân ở Biển Đen trong khoảng hai đến ba tháng. Nếu xung đột kéo dài, đó sẽ là một câu chuyện khác".
Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố xung đột là một cuộc chiến tranh?
Giáo sư Guvenc cho biết ông không ngờ Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra quyết định sớm như vậy, nhưng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã "đặt Ankara vào thế đúng" bằng cách nhanh chóng cảm ơn sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ trên Twitter.
Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng họ đã tôn trọng hiệp ước trong lịch sử và sẽ tiếp tục làm như vậy.
Ông Guvenc cho biết động thái này là vì lợi ích của Ankara bởi hiệp ước hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ vào thời điểm chiến tranh. Bất kỳ ngoại lệ nào thực hiện để làm hài lòng Nga đều có thể gây nguy hiểm cho sự tin cậy của hiệp ước về lâu dài.
Ông nói thêm: “Mỹ rất quan tâm đến quyền tự do hàng hải không hạn chế qua eo biển Thổ Nhĩ Kỳ, tương tự như kênh đào Suez và Panama”. Một sai lệch so với công ước sẽ cho Mỹ “lý do chính đáng để đặt câu hỏi về địa vị của Thổ Nhĩ Kỳ với tư cách là người giám sát hiệp ước Montreux”.
Quan hệ đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ
Thổ Nhĩ Kỳ có đường biên giới trên Biển Đen với cả Ukraine lẫn Nga và coi cả hai quốc gia là thân thiện. Ankara phụ thuộc vào Nga về du lịch và khí đốt tự nhiên nhưng cũng có quan hệ kinh tế và quốc phòng chặt chẽ với Ukraine. Bất chấp sự phản đối của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đã bán máy bay không người lái cho Kiev.
Liên Xô, tiền thân của nhà nước Nga, là một trong những nước ký kết ban đầu của Công ước Montreux.
Ông Guvenc nói: “Nga biết sự phức tạp của chính trị và luật pháp và đã chuẩn bị sẵn sàng”. Tuy nhiên, Moscow có thể đã không mong đợi Ankara hành động theo hiệp ước sớm như vậy.
Ông nói thêm: “Thổ Nhĩ Kỳ có thể coi hành động này là hoàn toàn tuân thủ nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế, nhưng động thái này có thể là dấu hiệu cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ có thể nghiêng vào đâu nếu xung đột kéo dài”.
"Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định liên kết nhiều hơn với các đồng minh truyền thống của mình trong NATO và Liên minh châu Âu, đồng thời rời xa Nga một chút."