|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ông Biden nói 'chiến tranh', ông Putin nói 'chiến dịch quân sự đặc biệt': Sự khác nhau là gì?

14:48 | 23/03/2022
Chia sẻ
Các nhà lãnh đạo dùng nhiều ngôn từ khác nhau khi nói về cùng một vấn đề như "chiến tranh", "xung đột", "chiến dịch quân sự", miễn sao đạt được mục đích chính trị của mình.
Ông Biden nói 'chiến tranh', ông Putin nói 'chiến dịch quân sự đặc biệt': Sự khác nhau là gì? - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden sau khi nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 12/2/2022. (Ảnh: Nhà Trắng).

Quân đội Nga và Ukraine giao tranh dữ dội trong gần 4 tuần qua. Giữa bom đạn mịt mù và những cuộc đàm phán thất bại, các bên không chỉ bất đồng về những con số thương vong, các loại vũ khí, mức độ hủy diệt, … mà còn cả về cách gọi tên vụ việc.

Sáng sớm 24/2 trên truyền hình quốc gia Nga, ông Putin tuyên bố bắt đầu "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine.

Tổng thống Ukraine, Tổng thống Mỹ và hàng loạt nhà lãnh đạo Phương Tây coi hành động của Nga là một cuộc "chiến tranh" và "xâm lược" tổng lực. Ông Biden gần đây còn gọi Tổng thống Nga là "tội phạm chiến tranh".

Trung Quốc dùng từ "xung đột" và cũng không lên án hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine, chỉ kêu gọi các bên giải quyết vấn đề bằng con đường ngoại giao. Mỹ và các đồng minh Phương Tây chỉ trích Trung Quốc là bênh vực cho hành vi bạo lực của Nga.

Vậy rốt cuộc những cách gọi tên như "chiến tranh", "xung đột" hay "chiến dịch quân sự đặc biệt" có gì khác nhau?

Ông Biden nói 'chiến tranh', ông Putin nói 'chiến dịch quân sự đặc biệt': Sự khác nhau là gì? - Ảnh 3.

Từ điển Britannica định nghĩa "chiến tranh" theo nghĩa rộng nhất là "một cuộc xung đột giữa các nhóm chính trị trong khoảng thời gian tương đối dài và quy mô lớn đáng kể".

Mỹ liên tục nói Nga phát động chiến tranh xâm lược Ukraine, Tổng thống Mỹ nhiều lần chỉ trích những nước không dùng từ "chiến tranh" để nói về hành động của Nga. Vậy những lần Mỹ đưa quân đội đến nước khác thì Mỹ dùng từ gì để miêu tả?

Năm 1950, Mỹ lấy danh nghĩa thực hiện nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để đưa quân đội tới giúp Hàn Quốc chống lại quân Triều Tiên. Sau đó, "chí nguyện quân" Trung Quốc tràn sang giúp Triều Tiên đánh lại liên quân Mỹ - Hàn Quốc.

Giao tranh đẫm máu kéo dài đến năm 1953, tổng cộng khoảng 5 triệu quân lính và dân thường ở cả hai bên thiệt mạng. Thế giới gọi đây là cuộc chiến tranh Triều Tiên. Trung Quốc gọi là chiến tranh Kháng Mỹ viện Triều.

Tuy nhiên, chính phủ Mỹ không dùng từ chiến tranh mà gọi là "cuộc xung đột Triều Tiên". Tổng thống Mỹ khi đó là Harry Truman đã dùng cụm từ "hoạt động gìn giữ trật tự" (police action).

Nguyên nhân của kiểu gọi tên này xuất phát từ việc chỉ Quốc hội Mỹ mới có quyền tuyên chiến với một quốc gia khác, và trong trường hợp Triều Tiên, Quốc hội Mỹ phê duyệt ngân sách 12 tỷ USD cho "các chiến dịch quân sự" chứ chưa bao giờ tuyên chiến công khai.

Ông Biden nói 'chiến tranh', ông Putin nói 'chiến dịch quân sự đặc biệt': Sự khác nhau là gì? - Ảnh 4.

Binh sĩ thuộc Trung đoàn Bộ binh số 35 của Mỹ quan sát một cuộc pháo kích bằng đạn phốt-pho trắng, ngày 1/2/1951 tại bán đảo Triều Tiên. (Ảnh: Lục quân Mỹ/Reuters).

Sau Triều Tiên, Mỹ hướng sự chú ý đến Việt Nam. Đầu tháng 8/1965, Mỹ dựng lên sự kiện Vịnh Bắc Bộ, cáo buộc tàu phóng lôi của Việt Nam tấn công tàu khu trục Mỹ giữa đêm tối dù phía Mỹ không có bằng chứng nào, không thủy thủ hay phi công nào trông thấy tàu Việt Nam.

Dù vậy, Quốc hội Mỹ vẫn thông qua Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ, cho phép Tổng thống Lyndon B. Johnson "thực hiện mọi hành động cần thiết để giải quyết các mối đe dọa đối với lực lượng Mỹ và đồng minh ở Đông Nam Á".

Ban đầu, Mỹ dùng không quân tấn công miền bắc Việt Nam. Về sau chiến sự leo thang dần, lan sang cả Lào và Campuchia. Năm 1969, Mỹ có hơn nửa triệu quân ở Việt Nam.

Tổng lượng bom đạn mà Mỹ ném xuống ba nước Đông Dương trong suốt cuộc chiến là gần 8 triệu tấn, gấp hơn hai lần tổng lượng bom mà quân Đồng Minh dội vào phát xít Đức và phát xít Nhật trong Thế chiến thứ II.

Với người Việt Nam, cuộc chiến tranh này được biết đến với tên gọi "Kháng chiến chống Mỹ cứu nước", thế giới gọi là "chiến tranh Việt Nam".

Tuy nhiên với chính phủ Mỹ, đây cũng chỉ là một "cuộc xung đột" vì Quốc hội Mỹ cấp ngân sách và cho phép đưa quân đội đến Việt Nam nhưng chưa bao giờ chính thức tuyên chiến.

Tương tự, khi quân đội Mỹ tới Afghanistan năm 2001, tới Iraq năm 2003, …. Quốc hội Mỹ cũng không tuyên chiến với bất kỳ quốc gia nào mà chỉ cho phép tổng thống "thực hiện tất cả những biện pháp cần thiết".

Ông Biden nói 'chiến tranh', ông Putin nói 'chiến dịch quân sự đặc biệt': Sự khác nhau là gì? - Ảnh 5.

Trực thăng Mỹ ở khu vực phía tây bắc Sài Gòn, gần biên giới với Campuchia, tháng 3/1965. (Ảnh: AP).

Lần gần đây nhất Mỹ công khai tuyên chiến là năm 1942, tức tròn 80 năm về trước.

Ngày 7/12/1941, Nhật Bản bất ngờ đánh úp căn cứ Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ ở Trân Châu Cảng, làm hơn 2.300 người chết. Ngày hôm sau, Mỹ tuyên chiến với Nhật.

Ba ngày sau, tức 11/12/1941, phát xít Đức tuyên chiến với Mỹ và Mỹ cũng tuyên chiến ngược lại ngay trong ngày.

Trong hai ngày sau đó, ba nước đồng minh của phát xít Đức gồm Bulgaria, Hungary và Romania tuyên chiến với Mỹ. Đến tháng 6/1942, Mỹ tuyên chiến lại với ba nước nói trên.

Suốt 80 năm qua, Chính phủ và Quốc hội Mỹ không tuyên chiến với nước khác. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đang dùng từ theo phong cách của giới tinh hoa Mỹ.

Với người lính và dân thường của hai bên, cách chơi chữ của các chính trị gia không làm thay đổi thực tế khốc liệt mà mỗi người phải đối mặt.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Song Ngọc

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.