|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Doạ mãi cũng không được, ông Biden có thể làm gì nếu Trung Quốc giúp Nga?

17:06 | 01/04/2022
Chia sẻ
Cho đến giờ, chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn chỉ dọa nạt sẽ trừng phạt nghiêm khắc Trung Quốc nếu nước này dang tay giúp đỡ Nga. Tuy nhiên, các biện pháp mà Mỹ nắm trong tay thì chưa ai rõ.

Nga một lòng tin tưởng “người bằng hữu” Trung Quốc

Sau khi Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh cho quân tấn công Ukraine, các lệnh cấm vận của phương Tây cùng cuộc tháo chạy của hàng loạt doanh nghiệp nước ngoài đã giáng một đòn đau vào nền kinh tế Nga.

Bị cô lập trên trường quốc tế, Moscow chỉ còn duy nhất một đồng minh đủ mạnh để có thể dựa dẫm trong thời khắc khó khăn, đó chính là Trung Quốc.

Phát biểu tại một sự kiện hồi giữa tháng 3, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Anton Siluanov từng bày tỏ: “Tôi nghĩ rằng mối quan hệ đối tác với Trung Quốc sẽ cho phép Nga duy trì những gì mà chúng tôi đã vun đắp”.

“…thậm chí, chúng tôi còn có thể gia tăng hợp tác hơn nữa trong bối cảnh thị trường phương Tây đang khép hờ cánh cửa với hai nước”, ông tiếp tục.

Từ trái sang: Tổng thống Mỹ Joe Biden, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Business Insider/Reuters, AP).

Ông Siluanov đã đề cập đến việc Mỹ và đồng minh đóng băng gần một nửa dự trữ ngoại hối của Nga, tức khoảng 300 tỷ USD trong hơn 640 tỷ USD vàng và ngoại tệ mà nước này tích lũy được kể từ năm 2014, sau khi hứng trừng phạt của phương Tây vì sáp nhập bán đảo Crimea.

Phần còn lại của kho dự trữ là vàng và đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Điều này biến Trung Quốc trở thành nguồn ngoại hối tiềm năng, có thể giúp Moscow hỗ trợ đồng ruble đang trong đà sụt giảm vì dòng vốn ngoại tháo chạy.

Nếu Bắc Kinh quyết định lập một hợp đồng hoán đổi với Moscow và chấp nhận thanh toán bằng đồng ruble cho mọi món hàng hóa, thì đất nước tỷ dân về cơ bản đang giúp Nga chống chịu với các đòn trừng phạt của phương Tây.

Trung Quốc có thể dang tay giúp Nga bất cứ lúc nào

Để phòng ngừa khả năng Trung Quốc giúp Nga, Mỹ đã một vài lần răn đe chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình. Đích thân Tổng thống Joe Biden từng cảnh báo rằng Bắc Kinh “sẽ gánh chịu những hậu quả nặng nề nếu giúp Moscow trốn tránh các lệnh trừng phạt”.

Đáp lại, trong một bình luận rất rõ ràng, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói “Trung Quốc không phải là một bên trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine, cũng không muốn bị dính dáng tới các lệnh trừng phạt của phương Tây”.

Động thái trên cho thấy chính quyền ông Tập đang cố tách rời khỏi Nga để tránh bị liên đới trong cuộc đụng độ giữa ông Putin và phương Tây. Bình luận của Ngoại trưởng Vương từng có thời điểm khiến giới quan sát hoài nghi về mối thâm tình Nga - Trung.

Tuy nhiên, Bắc Kinh có mối quan hệ đồng minh lâu dài với Điện Kremlin và có thể hưởng lợi từ Nga. Trước cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, Bắc Kinh và Moscow đã tuyên bố quan hệ đối tác chiến lược “không có giới hạn” nhằm chống lại ảnh hưởng của Mỹ.

Sau khi Nga động binh, Trung Quốc đã đổ lỗi cho phương Tây, khẳng định việc NATO bành trướng về phía đông là nguyên nhân dẫn đến xung đột quân sự. Bắc Kinh cũng từ chối gọi chiến sự tại Đông Âu là một “cuộc xâm lược” như phương Tây tuyên truyền.

Chia sẻ với CNBC, ông Holger Schmieding - kinh tế trưởng tại Berenberg Bank, nhận xét: “Trung Quốc và Tổng thống Nga Vladimir Putin có lợi ích rõ rệt khi hợp tác chặt chẽ với nhau”.

“Trung Quốc rất hài lòng khi có thể gây rối phương Tây và nước này sẽ không ngại biến Nga dần trở thành một cấp dưới thân cận của mình”, ông Schmieding nói tiếp. “Trung Quốc cũng có thể tận dụng vị thế để mua dầu thô, khí đốt cùng nhiều hàng hóa khác của Nga với giá rẻ, tương tự như những gì họ đang làm với Iran”.

Quyết định của giới lãnh đạo Bắc Kinh sẽ giữ một vai trò quan trọng trong tương lai của nền kinh tế Nga. Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Nga sau Liên minh châu Âu (EU).

Năm ngoái, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 146,9 tỷ USD, một con số cao kỷ lục và tăng 35,9% so với một năm trước đó. Xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc chạm ngưỡng 79,3 tỷ USD, trong đó dầu thô và khí đốt chiếm 56%.

Không thể mãi dọa nạt, vậy Mỹ có thể làm gì?

Chính quyền Tổng thống Joe Biden chỉ mới dọa nạt Trung Quốc chứ chưa đề cập bất kỳ biện pháp tiềm năng nào trong trường hợp Bắc Kinh dang tay giúp Moscow tránh né các đòn trừng phạt của phương Tây.

Hôm 23/3, ông chủ Nhà Trắng đã bay sang châu Âu để thảo luận về các lệnh cấm vận mới dành cho Nga; đồng thời, bàn luận với các đồng minh cách ứng phó nếu Trung Quốc giúp đỡ Nga. Tuy nhiên, đến nay chưa có thông tin cụ thể nào được công bố.

Suy cho cùng, Mỹ không thể mãi đe nẹt Trung Quốc để ngăn ông Tập cứu trợ nước bạn. Vậy, Washington giờ đây có những lựa chọn nào để chấn chỉnh Bắc Kinh, phòng tránh kịch bản đó?

Hiện tại, Nga đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ loạt đòn trừng phạt của phương Tây. Một số chuyên gia gợi ý chính quyền ông Biden có thể áp lệnh “trừng phạt thứ cấp” (secondary sanction) đối với các tổ chức tài chính Trung Quốc hợp tác với Nga.

Thông qua các lệnh trừng phạt chủ chốt (primary sanction), quốc gia ban hành trừng phạt sẽ cấm doanh nghiệp và cá nhân trong nước làm việc với các đối tác ở quốc gia bị trừng phạt.

Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt thứ cấp chủ yếu do Mỹ áp đặt và nhắm vào các nước bên thứ ba, buộc họ phải chọn giữa việc tiếp tục hợp tác cùng Nga hay ngả về phương Tây. Lệnh trừng phạt thứ cấp thường giúp củng cố lệnh trừng phạt chủ chốt.

Năm 2017, Mỹ từng trừng phạt ngân hàng Đan Đông của Trung Quốc vì đã tham gia vào hoạt động rửa tiền cho chính phủ Triều Tiên. Bộ Tài chính Mỹ đã cấm ngân hàng Đan Đông giao dịch với các tổ chức tài chính của Mỹ.

Song, hiệu quả của biện pháp trừng phạt thứ cấp vẫn khá lẫn lộn, một phần vì chính phủ các nước phương Tây khác không có quy chế hoặc hệ thống pháp luật giống với Mỹ để thực hiện bước đi tương tự nhằm khuếch đại tác dụng của đòn trừng phạt.

Thuế quan trừng phạt là một biện pháp khác mà Mỹ có thể dùng để răn đe Trung Quốc, như cựu Tổng thống Donald Trump từng áp dụng. Washington có thể mở rộng danh sách thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc, cũng như mở rộng danh sách sản phẩm mà doanh nghiệp Mỹ không được xuất sang thị trường tỷ dân.

 Trong nhiệm kỳ 4 năm, Tổng thống Donald Trump đã ban hành rất nhiều lệnh trừng phạt lên các cá nhân và doanh nghiệp, cũng như áp thuế quan nặng nề lên hàng hóa Trung Quốc. (Ảnh: Reuters).

Trong hơn hai năm thương chiến, ông Trump đã áp đặt thuế quan sâu rộng đối với hàng trăm mặt hàng của Trung Quốc. Tại thời điểm ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một, Washington đã áp thuế lên khoảng 550 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Ở chiều ngược lại, Bắc Kinh đã áp thuế trả đũa lên 185 tỷ USD hàng hóa Mỹ.

Có một điểm mà các nhà lập pháp của Mỹ sẽ phân vân khi dùng biện pháp nêu trên trong xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine. Đó là thuế quan áp lên hàng hóa Trung Quốc thực chất lại gây hại lên người tiêu dùng ở nền kinh tế số một thế giới hơn, vì Mỹ nhập khẩu rất nhiều hàng hóa từ Trung Quốc.

Ngoài ra, trong giai đoạn căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc lên cao, Washington còn ban hành lệnh trừng phạt lên hàng chục doanh nghiệp lớn nhỏ của Trung Quốc như Huawei và ZTE, cùng hàng trăm quan chức chính phủ tại Bắc Kinh và Hong Kong,…

Ông Biden cũng có thể cân nhắc các biện pháp này, dù thực tế sau nhiều năm đối đầu Mỹ, Trung Quốc đã quen và hẳn biết cách tránh né những đòn trừng phạt kinh tế hoặc chính trị của Washington.  

Thay vì chỉ chú tâm kiềm chế Trung Quốc, Nhà Trắng của ông Biden có thể mềm mỏng hơn với Bắc Kinh để nước này không giúp đỡ Nga, đặc biệt bằng phương diện an ninh năng lượng, theo gợi ý của các chuyên gia trên tờ SCMP.

Bà Emily Meierding, phó giáo sư tại Trường Hải quân sau Đại học (Mỹ), cho biết do sự phụ thuộc vào dầu thô và khí đốt nhập khẩu, Bắc Kinh sẽ coi bất kỳ nỗ lực nào nhằm ngăn cản họ tiếp cận nguồn nhiên liệu hóa thạch nước ngoài là mối đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia.

Từ góc độ đó, bà Meierding khuyến nghị Mỹ nên tìm cách “hợp tác với Trung một cách mang tính xây dựng” để xử lý cuộc xung đột tại Đông Âu mà không đe dọa đến an ninh năng lượng của đất nước tỷ dân.

Chuyên gia nghiên cứu cấp cao Edward Chow tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế đã đề cập tới chiến lược năng lượng dài hạn của Bắc Kinh.

Ông nói: “Mặc dù lợi ích về năng lượng giữa Nga và Trung Quốc hội tụ trong ngắn hạn, về lâu dài chúng sẽ đi theo hai hướng khác nhau, khi Trung Quốc tập trung chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch vì mục tiêu môi trường và an ninh quốc gia”.

“Cho nên, một chính sách khôn ngoan cho ông Biden là cố gắng làm nổi bật điểm khác biệt giữa hai nước Nga - Trung thay vì tấn công cả hai để kéo họ xích lại gần nhau…”, ông Chow kết luận.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Yên Khê

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.