|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Phương Tây đang dần hết cách trừng phạt Nga

13:37 | 09/04/2022
Chia sẻ
Phương Tây tiếp tục đưa ra nhiều biện pháp cấm vận nhằm vào Nga nhưng giá trị đồng rúp vẫn tăng, đồng thời khí ga và dầu vẫn chảy. Dường như, Mỹ và các đồng minh đang hết cách để trừng phạt Moscow.

Theo Reuters, Phương Tây ra một loạt các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga sau những cáo buộc liên quan đến sự kiện thảm sát tại thị trấn Bucha ở ngoại ô Kiev. Tuy nhiên, dường như các lựa chọn dễ dàng nhất hiện đã cạn kiệt và giữa những đồng minh xuất hiện sự khác biệt trong việc quyết định bước đi tiếp theo.

Liên minh châu Âu (EU) đã đề xuất động thái đầu tiên nhằm kiềm chế ngành năng lượng của Nga bằng cách cấm nhập khẩu than. Chưa cần nói đến dầu hay khí đốt, vốn vô cùng quan trọng với nền kinh tế của EU, quyết định cấm nhập khẩu than đã gây ra chia rẽ trong khối.

Mỹ và G7 công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với ngân hàng Sberbank, nhiều doanh nghiệp nhà nước, quan chức chính phủ Nga và thành viên gia đình. Washington cũng đã cấm người dân đầu tư vào Nga và cấm Moscow thanh toán nợ bằng tiền trong các ngân hàng của Mỹ. 

Mặc dù Bộ Tài chính Mỹ cho biết các lệnh trừng phạt đang bắt đầu biến Nga trở lại nền kinh tế đóng theo kiểu Liên Xô những năm 1980, đồng rúp vẫn tăng lên mức cao nhất trong 6 tuần vào hôm 6/4.

 

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ vẫn cho phép Nga tiếp tục nhận được doanh thu từ hoạt động xuất khẩu năng lượng. 

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tuyên bố các biện pháp hạn chế mạnh hơn đối với năng lượng của Moscow là chưa thể thực hiện được vì các đồng minh Châu Âu phụ thuộc vào dầu khí từ Nga. 

Nga cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt tự nhiên của Liên minh châu Âu, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) tính toán có trị giá 400 triệu USD/ngày. EU nhận được một phần ba lượng dầu nhập khẩu từ Nga, tương đương khoảng 700 triệu USD/ngày.

Ông Benn Steil, Giám đốc kinh tế quốc tế của Hội đồng quan hệ đối ngoại New York cho biết: “Chúng ta đang phải gánh chịu một chút đau đớn. Các đợt trừng phạt ban đầu được đưa ra nhằm mục đích tấn công vào Nga mà không gây tổn hại cho Phương Tây."

Sự chia rẽ ở châu Âu đã trở nên rõ ràng hơn trong tuần này. Sau khi Lithuania tuyên bố ngừng nhập khẩu khí đốt của Nga để tiêu thụ trong nước, Bộ trưởng Tài chính Áo Magnus Brunner đã lên tiếng phản đối các lệnh trừng phạt đối với dầu khí của Moscow. Ông Brunner nói với các phóng viên ở Luxembourg rằng những lệnh trừng phạt sẽ gây tổn hại cho Áo nhiều hơn Nga.

Tổng thống Putin biết giới hạn của Phương Tây

Dù các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất từ trước đến nay đã cô lập Nga về văn hóa, ngoại giao, kinh tế và thể thao nhưng vẫn không thể ngăn cản Điện Kremlin tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt. 

Tổng thống Putin không hề lo lắng khi bị Phương Tây gán mác tội phạm chiến tranh bởi khả năng ông phải hầu tòa là quá xa vời.

Nga đưa ra những bằng chứng trước Liên Hợp Quốc, và đồng thời tuyên bố sự kiện Bucha là màn kịch do phía Ukraine dàn dựng.

 

Sở hữu kho đầu đạn hạt nhân lớn nhất thế giới, Tổng thống Putin hiểu rằng Phương Tây không muốn can thiệp trực tiếp vào Ukraine bởi nguy cơ chiến tranh hạt nhân với Nga.

Các biện pháp can thiệp của phương Tây như đã từng làm tại Kosovo hay Libya đều không thể thực hiện ở Ukraine, đơn giản vì sức mạnh từ kho vũ khí của nhà lãnh đạo Nga.

Các lệnh trừng phạt đối với nền kinh tế Nga và các nhà tài phiệt có thể có tác động gây suy yếu trong dài hạn. Nhưng rõ ràng chúng đã thất bại trong vai trò công cụ răn đe.

Bước tiếp theo

Ông Daniel Tannebaum, cựu quan chức tuân thủ tại Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ cho biết: “Thiếu sự thống nhất trong việc hạn chế nhập khẩu năng lượng có nghĩa là các sẽ có ít lựa chọn để gia tăng áp lực. Tuy nhiên, lệnh cấm đầu tư được công bố hôm 6/4 có thể thúc đẩy nhiều công ty đa quốc gia rời khỏi Nga”.

Ông Tannebaum cho biết: “Phương Tây hoàn toàn có thể bắt đầu cấm nhiều lĩnh vực khác”. 

Mỹ đã và đang thúc đẩy các đồng minh Châu Âu gây thêm đau đớn cho Nga trong khi đảm bảo rằng liên minh chống lại Tổng thống Vladimir Putin không xảy ra xích mích. Đảm bảo sự cân bằng này đang ngày càng trở nên khó khăn hơn đối với Nhà Trắng.

Ông Clayton Allen, tại công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, cho biết các biện pháp trừng phạt đang ở “mức trần mà hai bên bờ Đại Tây Dương có thể được thực hiện dễ dàng và trong thời gian ngắn”.

Ông Allen cho hay, để chuyển sang các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn, Mỹ sẽ cần đưa ra đảm bảo với các nước Châu Âu về thị trường năng lượng và nguồn cung ổn định. Ông Allen nói thêm, một EU suy yếu về kinh tế sẽ không giúp được ai cả.“Tây Âu rơi vào suy thoái sẽ hạn chế đáng kể số lượng hỗ trợ, cả về mặt tinh thần và vật chất cho Ukraine.

Trong tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken dự kiến sẽ nhấn mạnh vụ việc Bucha để có thêm hành động tại các cuộc họp ngoại trưởng NATO và G7 ở Brussels. Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo đã tổ chức các cuộc họp tương tự vào tuần trước tại London, Brussels, Paris và Berlin.

Theo một nhà ngoại giao châu Âu có liên quan đến các cuộc đàm phán trừng phạt, vẫn còn những kẽ hở cần đóng lại, bao gồm việc các công ty Đức và Pháp tiếp tục buôn bán với Nga, đồng thời săn lùng du thuyền sang trọng và tài sản khác của tài phiệt Nga.

Minh Quang