|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc cũng đang ‘xa lánh’ dầu từ Nga

08:18 | 07/04/2022
Chia sẻ
Mặc dù tôn trọng các hợp đồng mua bán hiện có, các doanh nghiệp của Trung Quốc đang né tránh ký kết những hợp đồng mới với Nga, kể cả khi giá đã giảm sâu.

Theo thông tin từ Reuters, nguyên nhân cho việc các doanh nghiệp Trung Quốc xa lánh dầu Nga là bởi lời kêu gọi thận trọng từ chính quyền Bắc Kinh trước những lệnh trừng phạt của Phương Tây chống lại Moscow.

Các công ty nhà nước Trung Quốc không muốn bị coi là công khai hỗ trợ Moscow bằng cách mua thêm dầu, sau khi Washington cấm nhập khẩu dầu của Nga, EU áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Rosneft và Gazprom Neft.

"Các doanh nghiệp nhà nước đang thận trọng vì hành động của họ được coi là đại diện cho chính phủ Trung Quốc và không ai trong số những công ty này muốn trở thành người mua dầu của Nga", một nguồn tin giấu tên của Reuters cho hay.

Sinopec và Petrochina từ chối bình luận. CNOOC và Sinochem chưa trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.

Trung Quốc và Nga đã phát triển mối quan hệ ngày càng chặt chẽ trong những năm gần đây. Vào tháng 2/2022, hai nước tuyên bố quan hệ đối tác "không có giới hạn", đồng thời, Bắc Kinh đã từ chối lên án chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine. 

Trung Quốc đã nhiều lần chỉ trích các lệnh trừng phạt của Phương Tây đối với Nga. Mặc dù vậy, vào hôm 2/4, một quan chức ngoại giao cấp cao cho biết Bắc Kinh không cố tình lách các lệnh trừng phạt đối với Nga.

Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, là khách hàng mua dầu thô hàng đầu của Nga với 1,6 triệu thùng/ngày, một nửa trong số đó được cung cấp qua đường ống theo hợp đồng giữa hai chính phủ.

Nguồn tin của Reuters kỳ vọng các công ty nhà nước của Trung Quốc sẽ tôn trọng các hợp đồng dài hạn và hiện có đối với dầu của Nga nhưng tránh ký kết các hợp đồng giao ngay mới.

Khi giảm nhập khẩu từ Nga, các nhà máy lọc dầu khổng lồ của Trung Quốc có thể chuyển sang các nguồn thay thế, làm tăng thêm lo ngại về nguồn cung toàn cầu đã khiến giá dầu Brent lên mức cao nhất trong 14 năm gần 140 USD/thùng vào đầu tháng 3. 

Giá dầu Brent kỳ hạn đã giảm xuống dưới 110 USD, sau khi Mỹ và các đồng minh công bố kế hoạch giải phóng nguồn dự trữ chiến lược. 

 

Kiểm soát rủi ro

Trước cuộc khủng hoảng Ukraine, Nga đã cung cấp 15% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc - một nửa trong số đó thông qua các đường ống Đông Siberi và Atasu-Alashankou. Phần còn lại được vận chuyển bằng các tàu chở dầu từ Biển Đen, Biển Baltic và các cảng Viễn Đông.

Những tuần gần đây, Unipec, chi nhánh thương mại của Sinopec và là doanh nghiệp mua dầu hàng đầu từ Nga, đã cảnh báo trong cuộc họp nội bộ thường xuyên về rủi ro khi giao dịch với dầu của Nga.

"Thông điệp và giọng điệu rất rõ ràng - kiểm soát rủi ro và tuân thủ trước lợi nhuận", một trong những nguồn tin của Reuters tại các cuộc họp cho biết. "Mặc dù dầu của Nga được giảm giá mạnh, nhưng có nhiều vấn đề như bảo hiểm vận chuyển và khó khăn trong thanh toán".

Theo nguồn tin khác, một nhà máy lọc dầu thường xuyên chế biến dầu thô của Nga đã bị Unipec yêu cầu tìm nguồn thay thế để duy trì hoạt động bình thường.

Nguồn tin này cho biết: “Ngoài các lô hàng đã đến vào tháng 3 và tháng 4, sẽ không có thêm đơn hàng dầu của Nga nào nữa”.

Theo thông tin từ thương nhân và dữ liệu vận chuyển, Unipec đã nhập 500.000 tấn dầu Ural từ các cảng Baltic của Nga trong tháng 3, khối lượng cao nhất trong nhiều tháng. Số dầu này được cung cấp bởi Surgutneftegaz theo một gói thầu xuất khẩu từ tháng 9/2021 đến tháng 3/2022 của Rosneft mà Unipec đã giành được.

Giao dịch mới nhất của Unipec sẽ là hai lô hàng vào tháng 4 với tổng khối lượng 200.000 tấn từ nhà sản xuất Surgutneftegaz của Nga.

Ngược lại, theo tính toán của Reuters, Ấn Độ cho đến nay đã đặt trước ít nhất 14 triệu thùng, tương đương khoảng 2 triệu tấn dầu của Nga kể từ ngày 24/2, so với gần 16 triệu thùng trong cả năm 2021. 

Các nguồn tin trên cũng cho biết, những nhà nhập khẩu khác như PetroChina, CNOOC và Sinochem đã từ chối dầu hỗn hợp ESPO của Nga cho đợt tải tháng 5.

Nguồn tin khác cho biết, Sinopec đang phải đối mặt với vấn đề thanh toán ngay cả với các thỏa thuận mua bán dầu của Nga đã kí kết trước đó. Nguyên nhân được cho là do các ngân hàng nhà nước không thích rủi ro đã tìm cách giảm quy mô tài trợ cho các giao dịch liên quan đến dầu mỏ của Nga.

Giao dịch ngầm

Những lo lắng về lệnh trừng phạt đã khiến một số nhà máy lọc dầu độc lập, thường được gọi là “ấm trà”, phải hành động kín tiếng dù trước đây là nhóm khách hàng tiêu thụ khoảng 1/3 lượng dầu nhập khẩu từ Nga của Trung Quốc.

"Giao dịch dầu ESPO thực sự chậm và bí mật. Một số giao dịch đang được thực hiện, nhưng thông tin chi tiết được giữ kín. Không ai muốn bị công chúng nhìn thấy khi mua dầu của Nga", một đại lý dầu ESPO cho biết.

Để duy trì dòng chảy của dầu, các nhà máy lọc dầu linh hoạt này đang triển khai các cơ chế thanh toán thay thế như chuyển tiền mặt, thanh toán sau khi hàng hóa được giao và sử dụng nhân dân tệ.

Các nhà cung cấp của Nga như Rosneft, Surgutneftegaz, Gazprom Neft, và Paramount Energy của Thụy Sĩ dự kiến sẽ vận chuyển 3,3 triệu tấn dầu ESPO từ cảng Kozmino vào tháng 5/2022.

Minh Quang