|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

'Zero COVID' đe dọa gây khủng hoảng nông nghiệp và thiếu hụt thực phẩm ở Trung Quốc

06:42 | 07/04/2022
Chia sẻ
Các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt của Trung Quốc đang khuếch đại tình trạng thiếu hụt phân bón, nhân công và hạt giống tại nước này. Thời điểm gần như không thể tệ hơn bởi giờ là lúc các tỉnh nông nghiệp lớn nhất Trung Quốc chuẩn bị cho gieo cấy vụ xuân.

 Một nông dân gieo cấy giống lúa ở tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images). 

Thiếu trầm trọng vật tư nông nghiệp

Theo dữ liệu chính thức, có tới 1/3 số nông dân ở các tỉnh Cát Lâm, Liêu Ninh và Hắc Long Giang không có đủ nguyên vật liệu để canh tác sau khi chính quyền phong tỏa nhiều ngôi làng để chống dịch. Ba tỉnh trên chiếm hơn 20% sản lượng ngũ cốc của Trung Quốc.

Sự suy giảm sản lượng ngũ cốc vụ xuân, ví dụ như lúa hoặc ngô, có thể hủy hoại nỗ lực hàng thập kỷ của Bắc Kinh là tự chủ đối với các loại lương thực chính. Nếu Trung Quốc buộc phải tăng cường nhập khẩu để bù đắp thiếu hụt trong nước thì giá thực phẩm thế giới có nguy cơ tăng cao hơn nữa.

Cả thế giới và Trung Quốc đều đang tập trung vào việc Thượng Hải phong tỏa toàn thành phố trong tuần qua.

Ít ai để ý rằng tỉnh Cát Lâm đang bị đặt trong các biện pháp chống dịch còn nghiêm ngặt hơn nữa trong hầu hết tháng trước.

Theo chính quyền Cát Lâm, có tới 1/3 số nông dân trong tỉnh không có đủ phân bón vào cuối tháng 3 – chỉ ba tuần trước khi họ bắt đầu gieo cấy vụ mùa xuân.

Nông dân và các quản lý nhà máy đổ lỗi sự gián đoạn trên cho chính sách chống COVID hà khắc. Giới chức trách đã áp dụng các biện pháp kiểm soát cứng rắn, từ cấm giao thông cho đến đóng cửa doanh nghiệp địa phương.

Một cố vấn của chính quyền Bắc Kinh về chính sách nông nghiệp lo rằng Trung Quốc có nguy cơ “bị thiếu hụt lương thực”. Ông chia sẻ quan điểm với Financial Times: “Trung Quốc phải điều chỉnh chính sách zero COVID cho nông nghiệp. Chúng ta không nên ưu tiên việc kiểm soát virus mà bỏ qua những thứ khác. Chính sách này không thể kéo dài mãi mãi”.

Chính quyền thành phố Cát Lâm, thuộc tỉnh Cát Lâm, cho biết việc chuẩn bị cho vụ gieo trồng mùa xuân đang rất khó khăn.” Trang web thành phố viết: “Chúng ta đang chậm tiến độ, khó có thể giúp mọi nông dân tiếp cận được nguồn phân bón đúng lúc”.

Ông Li Qinghua, một nông dân có 24 ha đất nông nghiệp ở Cát Lâm, cho biết tồn kho phân bón của ông hiện thấp hơn 80% mức bình thường vì việc giao hàng bị chậm trễ. Ông lo lắng: “Tôi sẽ lỡ mất khoảng thời gian tốt nhất để gieo hạt nếu hàng đặt không đến vào tuần sau”.

Một cánh đồng ở tỉnh Hắc Long Giang (Ảnh: Reuters). 

Theo ước tính của Nomura, ít nhất 23 thành phố ở Trung Quốc với tổng dân số hơn 190 triệu người đang phải sống dưới lệnh phong tỏa một phần hoặc toàn phần. Các nhà phân tích viết.“Điểm khác là trong mùa xuân năm 2020, hầu như mọi người tin rằng COVID-19 sẽ biến mất vào mùa hè. Nhưng nay thì chúng ta không thể thấy được đoạn kết ở đâu”. 

Các nhà máy phân bón đang chịu áp lực lớn. Một lãnh đạo tại Genliduo, nhà sản xuất phân bón hàng đầu ở tỉnh Hà Bắc, cho biết công ty của ông đang gặp “vô vàn khó khăn” trong việc vận chuyển hàng cho khách và thu mua vật liệu thô. Ông cho biết đây là rắc rối chung của toàn ngành và nhiều công ty nhỏ hơn đã phải tạm ngừng hoạt động.

Ưu tiên khác biệt

Kể từ tháng 3, tỉnh Cát Lâm đã ghi nhận hơn 50.000 ca nhiễm COVID-19. Nhiều thị trấn từ chối cho xe tải từ các vùng khác vào, dù chúng mang đến hạt giống và phân bón không có sẵn ở địa phương.

Nhà nông càng khổ hơn bởi nhiều lao động nhập cư đang sống ở các thành phố bị phong tỏa, không thể trở về vùng nông thôn để gieo cấy. Những người có thể quay về thì phải cách ly 14 ngày trước khi được phép ra đồng.

Ông Li Zhizhong, người sở hữu khoảng 32 ha đất ruộng ở tỉnh Cát Lâm, cho hay: “Đây là mùa gieo cấy khó khăn nhất mà tôi từng đối mặt. Tôi hầu như chưa bao giờ gặp nhiều rắc rối đến vậy trong việc mua vật liệu thô và thuê nhân công”.

Chính quyền Cát Lâm cấm các tài xế địa phương chở hạt giống và phân bón cho các khu vực khác quay trở lại thành phố sau khi giao hàng. Họ giải thích những biện pháp này là nhằm “giảm thiểu tối đa tác động của đại dịch lên gieo cấy vụ xuân”.

Anh Gao Fucai, tài xế giao hàng ở thành phố Cát Lâm cho biết: “Tôi sẽ không mạo hiểm bị chia cắt với gia đình chỉ để chở phân bón”. Anh sợ sẽ phải “sống trong xe tải” nếu không được phép về lại nhà.

Lâm Nghi, thành phố nông nghiệp thuộc tỉnh Sơn Đông đã ngừng cho phép xe tải từ các thành phố khác đi vào sau khi một tài xế địa phương trở về từ Thượng Hải dương tính với COVID-19. Hiện tại, Lâm Nghi mới chỉ phát hiện 58 ca nhiễm bệnh.

Tình trạng thiếu hụt phân bón diễn ra ngay sau đó và vẫn chưa được giải quyết. Ông Wang Tao, nhà phân phối phân bón ở Lâm Nghi bày tỏ: “Chúng tôi và chính quyền có các ưu tiên khác nhau. Họ chỉ quan tâm đến việc loại trừ virus, còn chúng tôi cần phải sống”.

Giang