|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trong thế giới đầy rủi ro, chứng khoán vẫn là lựa chọn an toàn nhất

11:21 | 06/04/2022
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán toàn cầu đang phải đối mặt với khó khăn cỡ nào cũng không bằng các thị trường khác như trái phiếu. Chỉ riêng lý do này có lẽ cũng đủ để chứng khoán duy trì đà phục hồi thêm một khoảng thời gian nữa.

Phục hồi nhanh chóng

Thị trường chứng khoán đã hồi phục với tốc độ kỷ lục kể từ cú sốc đầu tiên, sau khi Nga tấn công Ukraine và gây xáo trộn nguồn cung hàng hóa toàn cầu. Thị trường cũng đã chống đỡ thành công các làn sóng COVID-19 liên tiếp kể từ năm 2020. Giờ đây, chứng khoán sẽ khó có thể bị hạ gục bởi những điềm gở trên thị trường trái phiếu rằng suy thoái đang đến gần.

Một phần sức bền của thị trường chứng khoán đến từ hành vi “bắt đáy”. Dù vậy, những nỗi lo mà chứng khoán cần vượt qua ngày càng dâng cao trong bối cảnh lạm phát leo thang bóp nghẹt nhu cầu, tăng trưởng kinh tế giảm tốc và các ngân hàng trung ương bắt đầu khép lại kỷ nguyên chính sách tiền tệ lỏng lẻo.

Tuy nhiên, dù các lực cản trên có thể khiến lợi nhuận doanh nghiệp suy giảm, chứng khoán vẫn có thể vượt qua cơn bĩ cực, đặc biệt là vì nhà đầu tư có rất ít lựa chọn thay thế.

Nhóm chuyên gia của Citigroup viết trong lưu ý ngày 1/4: “Tiền mặt và trái phiếu vẫn chỉ cung cấp lợi suất thực âm. Do đó, nhà đầu tư vẫn có khuynh hướng bắt đáy trên thị trường chứng khoán toàn cầu, bất chấp các yếu tố cơ bản đang xấu đi”.

Cuộc phục hồi trong tháng 3 ủng hộ cho lập luận của Citigroup. Tuy quý I/2021 là khoảng thời gian tồi tệ nhất của chứng khoán toàn cầu từ đầu đại dịch, tháng 3 thực chất lại là giai đoạn hồi phục.

Trên thực tế thì chỉ số V2X, thước đo sự biến động của cổ phiếu vốn hóa lớn khu vực đồng tiền chung euro, cho thấy đến nay cú sụt giảm vì chiến sự Ukraine là đợt náo loạn thị trường ngắn nhất trong thế kỷ này.

 

Apple vừa ghi nhận chuỗi tăng dài nhất trong gần 20 năm, và thị trường chứng khoán Mỹ đi lên gần 10% trong nửa cuối tháng 3. Ngay cả tại châu Âu, tâm chấn của cuộc khủng hoảng địa chính trị, chỉ số Stoxx 600 đã lấy lại mất mát ban đầu do chiến sự Nga - Ukraine gây ra.

Ông Chris Beauchamp, nhà phân tích trưởng tại IG Group tự tin: “Thị trường giá lên không biến mất một cách lặng lẽ. Thị trường luôn phục hồi sau rất nhiều các cuộc khủng hoảng khác trong vài năm qua. Thói quen cũ cũng rất khó bỏ - tuy “bắt đáy” bị chế giễu không ít, nhưng đó lại là chiến lược hợp lý”.

Nỗi đau của trái phiếu

Chứng khoán phục hồi một phần là nhờ sự hỗn loạn gần đây của các loại tài sản lớn khác trên thế giới. Lạm phát tăng đột biến cùng chủ trương thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương đã khiến nhà đầu tư tháo chạy khỏi trái phiếu. Lạm phát cũng đang bào mòn tiền gửi ngân hàng, và lãi suất vay thế chấp đang gia tăng, loại bỏ các lựa chọn để nhà đầu tư phân bổ tiền.

Bà Marija Veitmane, chuyên gia cấp cao tại State Street Global Markets cho biết: “Quý I là khoảng thời gian đầy thử thách với chứng khoán, nhưng còn khốc liệt hơn nữa với trái phiếu. Nếu bạn là nhà đầu tư chính hiệu, bạn cần để tiền vào nơi nào đó, và theo ý tôi thì cổ phiếu an toàn hơn rất nhiều các loại tài sản khác”.

Các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng có thể đã góp công trong đà tăng mới nhất của chứng khoán. Thị trường quyền chọn cho thấy nhà đầu tư nhỏ lẻ đã tái xuất và mạnh tay mua vào. Một thước đo quan trọng về khối lượng quyền chọn mua của 23 cổ phiếu meme đang tăng cao trở lại, gợi nhớ đến các bong bóng đầu cơ trước đây.

 

Đường cong lợi suất đảo ngược

Khi nói về các tín hiệu kinh tế tiêu cực hiện nay, các chuyên gia tại JPMorgan cam đoan rằng sự đảo ngược của đường cong lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ không báo hiệu suy thoái sắp xảy ra.

Dẫu cho điềm gở - suy thoái - có thành thực thì cũng phải mất khoảng thời gian dài và Barclays chỉ ra rằng chứng khoán thường đi lên trong giai đoạn chuyển giao giữa hai cột mốc.

Một trong những lý do khiến nhà đầu tư xem nhẹ khả năng kinh tế sắp lao dốc là số liệu việc làm mạnh mẽ của Mỹ. Ngoài ra người tiêu dùng cũng còn nhiều tiền tiết kiệm và doanh nghiệp có bảng cân đối kế toán ổn định đủ để tài trợ cho hoạt động mua cổ phiếu quỹ.

Trong khi đó, cú sốc giá năng lượng sau khi Nga tiến quân vào Ukraine đã giảm bớt. Sự chần chừ của châu Âu trong việc trừng phạt ngành năng lượng của Nga và kế hoạch xả kho dự trữ của Mỹ cũng đã xoa dịu khủng hoảng, kéo giá dầu xuống gần mức 100 USD/thùng.

 

Đối với những người tin rằng thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục đi lên, câu hỏi là nên mua gì.

Ông Philippe Jabre, nhà sáng lập Jabre Captial Partners, cho biết quỹ đầu cơ của ông đang tập trung vào cổ phiếu nhạy cảm với hàng hóa và cổ phiếu tài chính. UBS Global Wealth Management nhìn thấy cơ hội trong ngành năng lượng, thực phẩm, dữ liệu và khí hậu - các lĩnh vực sẽ hưởng lợi từ sự tập trung vào an ninh và ổn định của chính phủ các nước.

Đối với Goldman Sachs thì thay vì chọn các phong cách cụ thể như tăng trưởng hay giá trị, nhà đầu tư cần tìm kiếm các công ty riêng lẻ “có thể đổi mới, đột phá, tạo ra cơ hội mới và thích ứng” và tập trung vào biên lợi nhuận.

Nhưng cả UBS và Goldman đều nói rằng tiềm năng tăng điểm của thị trường là có hạn. Nhóm chuyên gia của Bank of America thậm chí còn cảnh báo rằng cuộc phục hồi gần đây là cái bẫy của thị trường gấu.  

Ông Barry Norris, CEO quỹ đầu cơ Argonaut Capital Partners, cũng có quan điểm tương tự. Ông nói rằng đà tăng hiện tại đang nâng đỡ rất nhiều cổ phiếu “có yếu tố cơ bản ngày càng tồi tệ và không có lý do nào để hỗ trợ định giá”. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta đang ở giai đoạn đầu của thị trường gấu. Chúng ta sẽ thấy các đáy mới xuất hiện trong mùa hè”.

Giang