|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chính phủ Mỹ là con nợ lớn nhất thế giới, ông Biden có lo sợ khi Fed tăng lãi suất?

19:37 | 04/04/2022
Chia sẻ
Mỗi năm, chính phủ Mỹ phải chi hàng trăm tỷ USD để trả lãi vay. Nếu Fed tăng lãi suất lên gấp 5-7 lần hiện nay để kiềm chế lạm phát, liệu Washington có vỡ nợ?

 

Khối nợ khủng

Mỹ là quốc gia nặng nợ lớn nhất thế giới. Tính đến cuối năm 2020, chính phủ Mỹ (bao gồm chính quyền liên bang, các bang, và địa phương) nợ xấp xỉ 28.000 tỷ USD.

So với quốc gia đứng ngay sau là Nhật Bản, khối nợ của chính phủ Mỹ cao gấp hơn 2 lần, như thể hiện trong bảng thống kê trên. Đến cuối năm 2021, chính phủ Mỹ đã nợ xấp xỉ 30.000 tỷ USD.

Khối nợ khổng lồ đồng nghĩa với việc gánh nặng trả lãi vay cũng không hề nhỏ. Trong khoảng ba năm gần đây, chỉ riêng chính quyền liên bang đã phải trả khoảng 350 – 400 tỷ USD mỗi năm tiền lãi cho các chủ nợ.

Chi phí vay nợ nói trên phát sinh trong môi trường lãi suất thấp kỷ lục, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bơm tiền ồ ạt để giải cứu nền kinh tế khỏi cú sốc COVID-19.

Suốt từ tháng 3/2020 đến tháng 3/2022, Fed duy trì lãi suất quỹ liên bang ở khoảng 0 – 0,25%. Mỗi tháng, Fed còn chi khoảng 120 tỷ USD để mua các loại trái phiếu, gia tăng thanh khoản trên thị trường.

Chi phí lãi vay có tăng theo lãi suất?

Ngày 16/3 vừa qua, Fed đã nâng lãi suất lần đầu tiên trong hơn ba năm.

Các loại trái phiếu Kho bạc Mỹ với kỳ hạn từ vài tháng đến 30 năm đều có lãi suất cố định. Vì vậy, việc lãi suất trên thị trường tiền tệ tăng lên không làm tăng chi phí lãi vay với các khoản nợ hiện có, chính phủ Mỹ tiếp tục trả lãi theo mức đã xác định từ trước.

Chỉ khi nào đi vay mới, Bộ Tài chính Mỹ mới phải trả mức lãi suất cao hơn trước.

 

Theo thống kê của Bộ Tài chính Mỹ, tính đến ngày 31/12/2021, thời gian đáo hạn bình quân có trọng số (WAM) của trái phiếu chính phủ Mỹ là 72,3 tháng, tương đương 6 năm. Nhiều trái phiếu có kỳ hạn 20-30 năm nhưng một số công cụ nợ có kỳ hạn còn lại chỉ vài tháng. 

Khi Mỹ phát hành nợ mới để thanh toán nợ cũ, chi phí lãi vay mới sẽ cao hơn chi phí cũ. Tuy nhiên, tác động tổng thể sẽ không quá sốc vì danh mục trái phiếu sẽ đến hạn dần dần theo thời gian chứ không tập trung vào một thời điểm. 

 

Liệu lãi suất sẽ lên cao đến đâu?

Ngày 16/3 vừa qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất quỹ liên bang từ khoảng 0 – 0,25% lên khoảng 0,25 – 0,5 %. Mức tăng 0,25 điểm % này tương đương với việc tăng lãi suất gấp đôi.

Đa số quan chức Fed dự kiến sẽ nâng lãi suất trong cả 6 cuộc họp còn lại của năm 2022, tức là mức lãi suất quỹ liên bang ngày cuối năm nay có thể đạt 1,75 – 2%. Ông Jame Bullard, Chủ tịch chi nhánh St. Louis của Fed, thậm chí còn muốn nâng lãi suất lên 3% ngay trong năm 2022.

Nếu lãi suất tăng lên khoảng 2 – 3% như các quan chức của Fed dự tính, chi phí vay mới của chính phủ Mỹ sẽ cao gấp nhiều lần trong giai đoạn 2020 – 2021 khi lãi suất được duy trì gần 0.

Fed thắt chặt tiền tệ với hy vọng có thể kiềm chế được lạm phát đang ở mức cao nhất 40 năm. Tuy nhiên, kiểm soát lạm phát chỉ là một trong hai nhiệm vụ mà Quốc hội Mỹ giao cho Fed, mục tiêu còn lại là giúp nền kinh tế đạt toàn dụng việc làm.

Nếu lãi suất cao khiến cho tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh, Fed có thể sẽ phải dừng nâng lãi suất, thậm chí là xem xét hạ xuống. Nền kinh tế Mỹ trong những năm qua đã ngày càng quen với môi trường lãi suất thấp. Biểu đồ bên dưới cho thấy xu hướng giảm dài hạn của lãi suất tại Mỹ trong hơn 4 thập kỷ gần đây.

Lãi suất lúc tăng lúc giảm, nhưng đỉnh sau luôn thấp hơn đỉnh trước. Khi Fed chưa kịp nâng lãi suất quay lại ngang mức cũ thì nền kinh tế Mỹ đã không chịu nổi, một biến cố nào đó sẽ xảy ra khiến cho Fed phải dừng thắt chặt tiền tệ và chuyển sang nới lỏng.

 

Vì vậy, chiến dịch nâng lãi suất lần này có thể sẽ không quay lại được mức 2,5% trước dịch COVID-19. Fed có khả năng sẽ sớm phải đảo ngược chính sách thành hạ lãi suất để tránh đẩy nền kinh tế vào suy thoái.

Như vậy, chi phí vay của chính phủ Mỹ sẽ chỉ tăng dần dần chứ không nhảy vọt, và nhiều khả năng chỉ tăng đến khoảng 2-3% trong một thời gian tương đối ngắn chứ khó có thể lên cao hơn trong thời gian dài.

Tất cả trông cậy vào Fed

Theo luật, Fed không được phép trực tiếp cho Bộ Tài chính Mỹ vay tiền. Song, Fed được phép mua bán trái phiếu Kho bạc Mỹ với các định chế tài chính và thường xuyên làm việc này để thực hiện nghiệp vụ thị trường mở (OMO).

Trong gần hai năm sau khi dịch COVID-19 bùng phát, Fed đã chi 80 tỷ USD mỗi tháng để gián tiếp mua rồi sở hữu lượng lớn công cụ nợ mà chính phủ Mỹ phát hành.

Nếu Fed là người nắm giữ trái phiếu Kho bạc Mỹ thì chi phí lãi vay cao hay thấp cũng không quan trọng với Tổng thống Joe Biden. Nguyên nhân là cứ cuối mỗi năm, Fed sẽ chuyển toàn bộ lợi nhuận của mình về cho chính phủ Mỹ.

Trong năm, Bộ Tài chính có thể trả cho Fed hàng chục hay hàng trăm tỷ USD tiền lãi vay, nhưng rồi Fed sẽ trả lại gần như toàn bộ (sau khi trừ đi một số khoản chi phí).

Năm 2021, Fed thu 122,4 tỷ USD tiền lãi từ các loại chứng khoán được mua qua nghiệp vụ thị trường mở như trái phiếu Kho bạc, chứng khoán đảm bảo bằng nợ thế chấp (MBS) do các cơ quan liên bang phát hành, công cụ nợ của các tổ chức do chính phủ tài trợ, …

Sau khi trừ các loại chi phí, Fed chuyển lại cho Bộ Tài chính hơn 107 tỷ USD trong năm 2021, như thể hiện trong biểu đồ bên dưới. Tiền ra đi rồi lại quay về với ngân sách chính phủ Mỹ.

 

Hiểm họa thực sự không phải là lãi suất

Đối với chi phí vay của chính phủ Mỹ, việc Fed giảm quy mô bảng cân đối kế toán sẽ có tác động lớn hơn so với nâng lãi suất.

Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Fed bơm hàng nghìn tỷ USD ra nền kinh tế để mua trái phiếu Kho bạc và các loại chứng khoán khác nhằm kích thích nền kinh tế. Bảng cân đối kế toán của Fed phình to theo lượng tài sản mua thêm.

Nguồn thanh khoản dồi dào cũng khiến cho lãi suất duy trì ở mức thấp và Bộ Tài chính Mỹ vay nợ dễ hơn.

Giờ đây khi nền kinh tế đã hồi phục phần nào và lạm phát tăng nóng, Fed không chỉ xem xét tới việc hạ lãi suất điều hành mà còn tính chuyện giảm quy mô bảng cân đối kế toán.

 

Trong tháng 3, quy mô tài sản của Fed chỉ đi ngang chứ không tăng như trước. Ông John Williams, Phó Chủ tịch Fed, cho biết ngân hàng trung ương Mỹ đã tính đến việc bắt đầu giảm bảng cân đối kế toán vào tháng 5 tới đây. Fed có thể làm việc này theo hai cách.

Cách thứ nhất là bán bớt các loại tài sản như trái phiếu Kho bạc để hút tiền về. Cách thứ hai là cứ để cho các trái phiếu Kho bạc dần dần đáo hạn, nhận tiền gốc vay từ Bộ Tài chính Mỹ nhưng không mua thêm tài sản mới.

Cách làm đầu tiên dẫn tới bảng cân đối kế toán giảm nhanh hơn cách làm thứ hai, nhưng cả hai cách đều có chung đặc điểm là rút bớt thanh khoản khỏi thị trường và giảm lượng trái phiếu Kho bạc mà Fed nắm giữ.

Nếu Fed nắm 100% lượng trái phiếu Kho bạc được phát hành, chính phủ Mỹ sẽ không mất chi phí lãi vay (vì đến cuối năm Fed sẽ chuyển lại toàn bộ lợi nhuận về cho Bộ Tài chính). Nếu lượng trái phiếu Kho bạc mà Fed nắm giữ càng nhỏ, số tiền lãi vay “một đi không trở về” sẽ càng lớn. Chưa kể, khi Fed hút bớt thanh khoản thì lãi suất cũng sẽ tăng lên.

Nói cách khác, việc Fed giảm quy mô bảng cân đối kế toán mới là kịch bản thực sự đáng ngại với chi phí lãi vay của Washington.

Song Ngọc - Đức Quyền

ĐHĐCĐ Nam Long: Doanh số quý I ước đạt 1.160 tỷ đồng, có thể đưa ra thị trường 15.000 sản phẩm trong ba năm tới
HĐQT Nam Long định hướng phát triển trong năm 2024 tập trung vào dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền và hợp với nhu cầu thị trường, mục tiêu bán trên 3.100 sản phẩm với doanh số kỳ vọng đạt 9.554 tỷ đồng.