|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

[Infographic] Châu Âu phụ thuộc năng lượng của Nga thì khỏi bàn cãi, nhưng mức độ nghiêm trọng đến đâu?

15:26 | 06/04/2022
Chia sẻ
Qua phân tích, có thể thấy Liên minh châu Âu cực kỳ phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga, khi mà đất nước Liên Xô cũ này là nhà cung cấp chính cho cả ba mặt hàng năng lượng chủ chốt của khối kinh tế chung.

 

Để phản đối cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt một loạt lệnh trừng phạt nặng nề nhằm làm tê liệt nền kinh tế Nga. Trong đó, các cấm vận về năng lượng là gây tranh cãi nhất.

Nga không chỉ là một trong những nhà xuất khẩu sản phẩm năng lượng lớn nhất thế giới mà còn là nhà cung ứng lớn nhất của châu Âu. Điều này có thể cản trở EU mạnh tay hơn trong việc đối phó chính quyền Tổng thống Vladimir Putin.

Tính đến tháng 10/2021, Nga cung ứng khoảng 25% tổng lượng dầu thô nhập khẩu của EU, gấp ba lần so với đối tác thương mại lớn thứ hai.

Trong thời gian tới, giới lãnh đạo tại châu Âu chắc chắn sẽ phải quyết định các chính sách và biện pháp trừng phạt đối với lĩnh vực năng lượng của Nga, khi mà chiến sự tại Ukraine ngày càng căng thẳng.

Hôm 5/4, CNBC đưa tin Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất cấm sử dụng than của Nga như một phần của vòng trừng phạt mới nhằm vào Điện Kremlin. Tuy nhiên, các lệnh cấm vận về dầu mỏ và khí đốt vẫn chưa được xúc tiến như kỳ vọng.

Phát biểu cùng ngày, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen xác nhận: “Chúng tôi sẽ áp lệnh cấm nhập khẩu than từ Nga, trị giá khoảng 4 tỷ euro (tương đương 4,39 tỷ USD) mỗi năm, qua đó cắt giảm một phần nguồn thu quan trọng khác của Moscow”.

Visual Capitalist đã sử dụng dữ liệu từ Eurostat và Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đã thực hiện một đồ họa nhằm thể hiện mức độ phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu của EU. Dưới đây là một số thông tin cụ thể:

Tình trạng phụ thuộc của từng quốc gia

Để so sánh mức độ phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng nhập khẩu của từng nước thành viên EU, các nhà nghiên cứu đã sử dụng số liệu của hai năm năm 2000 và 2020.

Một điểm đặc biệt là, tỷ lệ phụ thuộc của Đan Mạch vào năm 2000 là -35,9%. Đây không phải là một sai sót về số liệu, mà thực chất khi đó Đan Mạch đang là một nước xuất khẩu ròng năng lượng.

Trong khoảng thời gian 20 năm qua, mức độ phụ thuộc vào năng lượng nước ngoài của EU trung bình tăng từ 56,3% lên 57,5%. Điều này đồng nghĩa rằng khu vực đồng tiền chung euro đã lệ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu năng lượng trong hai thập kỷ đó.

EU mua năng lượng từ đâu?

Quan sát kỹ hơn vào nguồn cung năng lượng của 27 nước thành viên EU, có thể thấy Nga là nhà cung cấp chính cho cả dầu thô, than đá và khí đốt tự nhiên.

Chỉ riêng dầu thô, EU đã nhập khẩu từ Nga nhiều hơn ba nước xếp dưới trong danh sách. Điều này thực chất không có gì đáng ngạc nhiên vì Nga là nhà sản xuất dầu thô lớn thứ ba thế giới vào năm 2020.

Đất nước của ông Putin còn sở hữu một vài trong các công ty dầu khí lớn nhất hành tinh, chẳng hạn như hai đại gia quốc doanh Rosneft và Gazprom.

Bản đồ vẽ đường ống Nord Stream 2 từ Nga sang Đức tại trạm tiếp nhận khí đốt tự nhiên thuộc khu công nghiệp Lubmin ở thành phố Lubmin, Đức. (Ảnh: AP).

Ở diễn biến khác, các nhà máy điện than vẫn đang được vận hành trên toàn EU, mặc dù hầu hết các quốc gia thành viên đều dự kiến sẽ loại bỏ hoàn toàn loại nhiên liệu hóa thạch này vào năm 2030.

Mà Nga là nước có trữ lượng than đá lớn thứ hai trên thế giới. Năm 2020, Nga khai thác được tổng cộng 328 triệu tấn than, trở thành nhà sản xuất lớn thứ 6 hành tinh.

Khí đốt tự nhiên thường được sử dụng để sưởi ấm các tòa nhà và đun nước ấm tại châu Âu. Phần lớn nguồn cung khí đốt của EU đến từ Nga, thông qua chuỗi đường ống Nord Stream.

Nord Stream 1 là đường ống dẫn khí đốt dưới biển dài nhất thế giới và được hoàn thành vào năm 2011. Nó bắt đầu từ thành phố Vyborg của Nga và kết nối với châu Âu thông qua Đức.

Nord Stream 2 mới được xây dựng mở rộng gần đây và dự kiến có thể nâng gấp đôi công suất vận chuyển khí đốt từ Nga sang lục địa già. Tuy nhiên, Đức đã tạm đình chỉ dự án này sau khi Moscow động binh với Ukraine.

EU tìm cách thoát cảnh phụ thuộc

Để trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây, Nga đã công bố lệnh cấm xuất khẩu đối với một số hàng hóa và nguyên liệu thô.

Giá khí đốt tại châu Âu đã tăng vọt do nhiều người lo ngại rằng Nga có thể cắt nguồn cung khí đốt tự nhiên. Tất nhiên, điều này sẽ gây ra những tác động tiêu cực đến cả người tiêu dùng và doanh nghiệp trong khối.

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen từng nhấn mạnh: “Chúng ta phải độc lập khỏi dầu thô, than đá và khí đốt của Nga. Châu Âu không thể dựa vào một nhà cung ứng đang thẳng thừng đe dọa chúng ta được”.

Hồi đầu tháng 3, EC và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã đưa ra các đề xuất nhằm giúp châu Âu giảm phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Chẳng hạn, kế hoạch 10 điểm của IEA đề xuất EU nên ngừng gia hạn các hợp đồng khí đốt với Nga; đồng thời đẩy mạnh tìm kiếm các nguồn cung ứng khác; tăng cường tích trữ nguồn hàng; gia tăng công suất khai thác điện than, điện hạt nhân;...

Ngoài ra, chính phủ các nước đồng minh cũng đang ra sức giúp đỡ châu Âu. Cũng trong tháng 3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố một thỏa thuận cung ứng ít nhất 15 tỷ mét khối khí hóa lỏng (LNG) cho châu Âu trong năm nay.

Nội dung: Yên Khê - Đồ họa: Alex Chu

Chủ tịch Hồ Hùng Anh: Techcombank sẽ mở rộng thêm mảng SME, tín dụng tiêu dùng, mục tiêu vốn hoá 20 tỷ USD năm 2025
Techcombank dự kiến chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 15% sau 10 năm liên tiếp giữ lại lợi nhuận. Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết Techcombank đang xây dựng chính sách để chia cổ tức một cách bền vững, trong dài hạn chứ không chỉ là một vài năm.