|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

EU đề xuất cấm nhập khẩu than đá của Nga, còn dầu thô và khí đốt vẫn nằm ngoài vòng cấm vận

07:59 | 06/04/2022
Chia sẻ
Hôm 5/4, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất cấm sử dụng than của Nga như một phần của vòng trừng phạt mới nhằm vào Điện Kremlin. Tuy nhiên, các lệnh cấm vận về dầu mỏ và khí đốt vẫn chưa được xúc tiến như kỳ vọng.

Cấm vận than đá của Nga

Phát biểu chiều ngày 5/4, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen xác nhận: “Chúng tôi sẽ áp lệnh cấm nhập khẩu than từ Nga, trị giá khoảng 4 tỷ euro (tương đương 4,39 tỷ USD) mỗi năm, qua đó cắt giảm một phần nguồn thu quan trọng khác của Moscow”.

Động thái mới của Liên minh châu Âu (EU) đánh dấu một bước leo thang đáng kể trong các biện pháp trừng phạt chống lại Điện Kremlin. Việc áp đặt cấm vận đối với lĩnh vực năng lượng của Nga là một thách thức cho khối kinh tế chung do mức độ phụ thuộc cao của một số thành viên vào các nguồn tài nguyên của Nga.

Theo dữ liệu từ Eurostat, EU đã nhập khẩu khoảng 19,3% lượng than từ Nga vào năm 2020. Trong cùng năm, khối nhập khẩu 36,5% lượng dầu thô và 41,1% lượng khí đốt tự nhiên từ nước Liên Xô cũ này.

Tuy nhiên, bằng chứng ngày càng nhiều về tội ác chiến tranh tiềm tàng của binh lính Nga tại Ukraine đã thúc giục EC đề xuất bổ sung than đá vào vòng trừng phạt thứ 5, theo CNBC.

Bà von der Leyen nhấn mạnh: “Những hành động tàn bạo này không thể và sẽ không được dung thứ. Thủ phạm của những tội ác tày trời này không thể không bị trừng phạt thích đáng”.

“Rõ ràng, sau những sự kiện đó, chúng tôi cần phải tăng cường áp lực lên chính quyền Tổng thống Putin hơn nữa”, Chủ tịch EC tiếp tục khẳng định.

 (Ảnh minh họa: Getty Images).

Các biện pháp trừng phạt mới sẽ được các đặc phái viên châu Âu thảo luận trong hôm nay (ngày 6/4). Quyết định có ban hành cấm vận hay không phải chờ đến sau các cuộc đàm phán này.

Vòng trừng phạt thứ 5 của EU còn bao gồm lệnh cấm giao dịch hoàn toàn đối với 4 ngân hàng quan trọng của Nga, trong số đó có VTB; lệnh cấm các tàu của Nga và tàu do Nga điều hành tiếp cận các cảng của EU; và lệnh cấm xuất khẩu trị giá 10 tỷ euro liên quan tới máy tính lượng tử và chất bán dẫn tiên tiến.

Đang thảo luận lệnh cấm dầu thô

Công chúng đang ngày càng gây áp lực lên châu Âu nhằm buộc khối kinh tế chung phải đánh vào lĩnh vực năng lượng của Nga, đặc biệt là khi các nước nhập khẩu năng lượng tiếp tục tăng cường doanh thu từ dầu thô và khí đốt của ông Putin mỗi ngày.

Tuy nhiên, vấn đề trên lại gây chia rẽ EU, khi một số quốc gia thành viên ủng hộ việc cấm nhập khẩu dầu khí của Nga, trong khi những nước khác e ngại một động thái như vậy sẽ gây tổn hại đến nền kinh tế của chính họ hơn là Nga.

Chẳng hạn, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đầu tuần này cho biết EU cũng nên tiến hành các lệnh cấm vận đối với dầu thô của Nga sau khi có thông tin về những hành động tàn bạo của quân Nga ở các thị trấn gần thủ đô Kiev của Ukraine.

Hôm 5/4, Chủ tịch von der Leyen của EC chia sẻ: “Chúng tôi cũng đang nghiên cứu các biện pháp trừng phạt bổ sung, bao gồm cả việc nhập khẩu dầu thô. Khối đang nghiên cứu đề xuất của một số lãnh đạo như đánh thuế hoặc nhắm vào các kênh thanh toán như tài khoản ký quỹ”.

Tuy nhiên, các biện pháp cấm vận mạnh tay hơn đối với dầu thô và khí đốt của Nga sẽ chỉ được công bố ở giai đoạn sau, nếu cuộc chiến ở Ukraine tiếp tục leo thang hơn nữa, giới phân tích nhận định.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đức Annalena Baerbock nói EU sẽ sớm chấm dứt việc mua nhiên liệu hóa thạch của Nga hoàn toàn, bắt đầu từ than đá, sau đó là dầu thô và cuối cùng là khí đốt, Reuters đưa tin.

Việc chấm dứt nhập khẩu khí đốt của Nga sẽ là quyết định thách thức nhất đối với EU. Đức cùng một số nước khác đang rất chần chừ.

Hồi đầu tuần, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức Christina Lindner bày tỏ: “Chúng tôi muốn trong thời gian ngắn nhất sẽ ít phụ thuộc hơn vào năng lượng của Nga. Đức sẽ ủng hộ các vòng trừng phạt mới lên Moscow”.

“Chúng ta phải gây áp lực nhiều hơn với Putin và phải cô lập Nga. Chúng ta phải cắt đứt mọi mối quan hệ kinh tế với Nga, nhưng hiện tại thì không thể cắt nguồn cung khí đốt từ Nga”, ông Lindner lưu ý.

Yên Khê