|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Rủi ro mất nguồn cung từ Nga chưa phản ánh vào giá, tương lai dầu thô có thể tăng mạnh hơn

07:35 | 04/04/2022
Chia sẻ
Theo gã khổng lồ thương mại hàng hóa Hà Lan Vitol, giá dầu thô đang không phản ánh được nguy cơ gián đoạn nguồn cung từ Nga hoặc khả năng Trung Quốc kiểm soát được đợt dịch COVID-19 mới. Điều này được cho là khá nguy hiểm cho thị trường.

Hụt nguồn cung từ Nga

Giá dầu Brent chuẩn quốc tế đã tăng lên gần 140 USD/thùng sau khi Nga bắt đầu thực hiện “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine hồi cuối tháng 2. Song, đến hết tuần trước, giá đã giảm khoảng 13% xuống còn 104 USD/thùng.

Theo Bloomberg giá dầu hạ nhiệt là do Mỹ vừa công bố đợt xả kho lớn chưa từng có để kiềm chế giá nhiên liệu (180 triệu thùng trong 6 tháng) và số lượng ca nhiễm COVID-19 tại Trung Quốc tăng cao.

Các diễn biến trên đã làm lu mờ khả năng sụt giảm nguồn cung dầu từ Nga trong những tháng tới. Các thương nhân, chủ tàu, công ty bảo hiểm và ngân hàng đều đang cảnh giác với việc mua dầu thô của Nga giữa lúc phương Tây siết chặt trừng phạt lên Moscow.

Công ty dữ liệu Kpler ước tính rằng từ ngày 1/3 đến 24/3, lượng dầu thô xuất khẩu qua đường biển của Nga đã giảm từ gần 4,3 triệu xuống còn 2,3 triệu thùng/ngày. Do người mua né tránh, các lô hàng dầu thô của Nga đang được chiết khấu với mức giảm giá đến 30 USD/thùng.

Các bồn chứa dầu được đặt tại nhà máy lọc dầu RN-Tuapsinsky do Rosneft vận hành ở thành phố Tuapse, Nga. (Ảnh: Bloomberg).

Ông Mike Muller, người đứng đầu gã khổng lồ thương mại hàng hóa Vitol Group tại châu Á, cho hay: “Giá dầu đang rẻ hơn so với dự đoán của hầu hết mọi người. Giá có thể lên cao hơn do nguy cơ gián đoạn nguồn cung từ Nga. Nhưng mọi người vẫn chưa thể xác định mức tăng là bao nhiêu”.

Theo ông Muller, nguồn cung dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ khác của Nga có thể giảm từ 1 đến 3 triệu thùng/ngày cho đến quý III. Thông thường, Nga xuất khẩu khoảng 7,5 triệu thùng dầu mỗi ngày.

Phong tỏa ở Trung Quốc

Trung Quốc đã thông báo phong tỏa thành phố Thượng Hải với 25 triệu cư dân theo hai giai đoạn để ngăn chặn sự lây lan của biến chủng Omicron. Chính phủ ra lệnh cho giới chức địa phương kiểm soát dịch bệnh “càng sớm càng tốt”.

 “Tôi cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục khống chế được đợt dịch này. Người Trung Quốc đang làm rất tốt”, ông Muller chia sẻ với truyền thông.

Theo vị giám đốc, Bắc Kinh có thể sẽ công bố thêm các biện pháp kích thích kinh tế trước thềm đại hội Đảng Cộng sản vào cuối năm nay. Một động thái như vậy có thể sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ dầu thô ở nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.

“Trung Quốc sẽ dốc toàn lực để đảm bảo nền kinh tế tiếp tục phát triển. Họ sẽ rót vốn khủng vào cơ sở hạ tầng và hỗ trợ nền kinh tế. Bạn sẽ thấy một khoản chi lớn từ chính quyền trung ương”, ông Muller nhấn mạnh.

Thỏa thuận hạt nhân Iran khó thành

Cũng theo ông Muller, ít có khả năng thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran và các cường quốc thế giới sẽ được hồi sinh trong những tháng tới. Cuối tháng 3, các quan chức chính phủ Mỹ nói thỏa thuận với Iran chưa thể ký kết “sớm” và Iran cũng đưa ra bình luận tương tự.

Nếu thỏa thuận được tái ký, Tehran phải hạn chế hoạt động nghiên cứu hạt nhân, đổi lại Washington sẽ rút các cấm vận đối với xuất khẩu năng lượng của Iran, cho phép nước này tăng sản lượng dầu thô.

Phái đoàn các bên vẫn chưa xác định khi nào sẽ trở lại Vienna để đàm phán và nhiều đồng minh của Mỹ ở Trung Đông đang lo ngại rằng việc hồi sinh thỏa thuận sẽ tạo ra cơ hội tốt cho dầu thô của Iran và cho phép nước này tiếp tục trang bị vũ khí cho các nhóm ủy nhiệm trong khu vực.

Ông Muller cho hay: “Thị trường đang mong đợi sự trở lại của hàng triệu thùng dầu thô từ Iran. Bây giờ, không ai tin rằng điều này sẽ xảy ra trong quý II. So với vài tuần trước, khả năng thỏa thuận hạt nhân được tái ký đã giảm đáng kể”.

Khả Nhân