Mỹ sắp xả kho tới 180 triệu thùng dầu thô: Tác động lớn lao hay vẫn như 'muối bỏ bể'?
Giá dầu thế giới đã giảm hơn 5 USD/thùng chỉ trong vài phút sau khi có thông tin chính quyền Tổng thống Joe Biden đang xem xét giải phóng khoảng 1 triệu thùng/ngày khỏi kho dự trữ chiến lược. Việc xả kho sẽ kéo dài trong nhiều tháng, với tổng lượng bán ra lên tới 180 triệu thùng.
Kế hoạch mới có quy mô lớn hơn khá nhiều so với hai lần giải phóng dầu thô dự trữ của Mỹ trong hơn 6 tháng qua. Ngoài ra, Washington cũng sẽ phối hợp với các đồng minh trong Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) để xả kho tổng cộng 60 triệu thùng dầu khác.
Bloomberg đã phỏng vấn một số nhà phân tích hàng đầu để tìm hiểu về tác động tiềm năng của đợt giải phóng dầu thô sắp tới của chính quyền ông Biden. Dưới đây là các nhận định đáng chú ý nhất:
Goldman Sachs
Theo các chuyên gia tại ông lớn ngân hàng Phố Wall, việc giải phóng dầu thô của Mỹ sẽ giúp thị trường tái cân bằng, nhưng sẽ không thể giải quyết được tình trạng thiếu hụt nguồn cung hiện nay.
Xả kho dự trữ sẽ làm giảm khả năng xảy ra hiện tượng nhu cầu sụp đổ (demand destruction), song 180 triệu thùng dầu không phải là nguồn cung liên tục trong những năm tới. Suy cho cùng, thị trường vẫn đứng trước rủi ro thiếu cung.
Nhu cầu sụp đổ là hiện tượng nhu cầu của người tiêu dùng lao dốc khi giá cả của một hàng hóa leo thang đột biến, trong khi nguồn cung trở nên eo hẹp hoặc thậm chí khan hiếm.
Oanda
Ông Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn Oanda Asia Pacific, cho biết thông báo xả kho của Washington sẽ giúp ổn định giá dầu trong ngắn hạn, nhưng không thể bù đắp tổn thất khi dầu thô của Nga bị cô lập khỏi thị trường.
Trong dài hạn, kho dự trữ của Mỹ sẽ sụt giảm đáng kể khi nhu cầu nhiên liệu tăng cao trong mùa hè, mùa cao điểm lái xe tại nền kinh tế lớn nhất thế giới. Điều này lại càng là một động lực giúp giá dầu bật tăng.
ClearView Energy Partners
Theo Giám đốc điều hành Kevin Book của công ty tư vấn năng lượng ClearView Energy Partners, 180 triệu thùng sẽ là đợt xả kho lớn nhất trong lịch sử 45 năm của kho dự trữ dầu thô quốc gia Mỹ và diễn ra sau đợt giải phóng lớn thứ hai (50 triệu thùng vào tháng 11 năm ngoái).
Dự kiến, tiêu thụ dầu thô toàn cầu có thể vượt ngồn cung 800.000 thùng/ngày trong quý II năm nay, nên việc xả kho 1 triệu thùng dầu/ngày của Mỹ có thể đưa cung và cầu gần về trạng thái cân bằng. Tuy nhiên, điều đó cũng không thể giúp khôi phục tồn kho dầu thô toàn cầu.
RBC Capital Markets
Giữa lúc chính quyền ông Biden đang giữ quan điểm rất cứng rắn đối với Moscow, việc giải phóng dầu thô dự trữ được sử dụng như một công cụ để giảm bớt tác động đối với người tiêu dùng Mỹ.
Tổn thất liên quan tới dầu thô của Nga có thể sẽ còn kéo dài vì nước này có thể vẫn sẽ là quốc gia bị trừng phạt nghiêm khắc nhất trên thế giới trong tương lai gần.
Quan trọng là, thị trường nên xem xét xem liệu thông báo xả kho dầu của Nhà Trắng có phải là một chiến lược gây hoang mang kẻ địch hiệu quả hay không, vì thiệt hại đối với lĩnh vực năng lượng của Nga sẽ còn tăng lên khi cuộc chiến tại Đông Âu chưa khép lại.
S&P Global
Ông Victor Shum, Phó Giám đốc của S&P Global, nhận thấy động thái của Mỹ có thể sẽ không tạo ra tác động đáng kể nào. Có nhiều kịch bản có thể xảy đến đối với dầu thô của Nga. Trung bình mỗi ngày, nước này xuất khẩu gần 7,5 triệu thùng dầu.
Nếu dầu thô của Nga biến mất khỏi thị trường thế giới, sản lượng của Arab Saudi và UAE cùng với các đợt giải phóng kho dự trữ của chính phủ các nước có thể bù đắp phần nào, ít nhất là trong vài tháng tới.
Song, ông Shum lưu ý rằng nếu trong giai đoạn tháng 4 - 12, xuất khẩu dầu thô của Nga giảm 3 triệu thùng/ngày so với trước cuộc chiến, thì tổng cộng thị trường sẽ bị hụt 825 triệu thùng. Con số này cao hơn đáng kể so với kho dự trữ 575 triệu thùng hiện nay của Mỹ.
DBS
Theo nhà phân tích năng lượng Suvro Sarkar tại ngân hàng DBS, các đợt giải phóng dự trữ dầu thô trước đây của Mỹ không giúp ích gì cho thị trường nhưng quy mô của đợt xả kho sắp tới có thể tạo ra tác động lâu dài hơn đến giá nhiên liệu.
Tác động thực tế trên thị trường sẽ phụ thuộc vào cách thức xả kho, tức là thông qua bán hàng trực tiếp hay trao đổi với doanh nghiệp.
Mỹ hiện nắm giữ khoảng 570 triệu thùng dầu trong kho dự trữ - mức thấp nhất kể từ năm 2002 và việc giải phóng 180 triệu thùng mà không theo hình thức trao đổi đồng nghĩa rằng lượng dầu trong kho sẽ giảm hơn 30%.
Ông Sarkar cảnh báo, dù tin tức về đợt xả kho mới có thể giúp giảm giá dầu trong ngắn hạn, nó có thể kéo nhu cầu của Mỹ lên cao trong dài hạn để nạp thêm dầu vào kho dự trữ.