Mỹ tranh thủ mua dầu của Nga trước khi lệnh cấm có hiệu lực
Vì sao Mỹ vẫn nhập khẩu dầu bị cấm vận?
Từ ngày 19/3 đến 25/3, theo báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), Washington đã tăng 43% nhập khẩu dầu từ Nga. Dữ liệu của EIA cho thấy, mỗi ngày, Mỹ mua tới 100.000 thùng dầu thô từ Nga.
Trong tuần từ 19/2 tới 25/2, nhập khẩu dầu từ Nga đã bị tạm dừng. Tuy nhiên, đầu tháng 3, khối lượng nhập khẩu dầu thô của Mỹ từ Nga đã tăng lên mức cao nhất trong năm 2022, tới 148.000 thùng/ngày.
Mỹ gia tăng nhập khẩu dầu thô từ Moscow bất chấp việc Tổng thống Joe Biden ban hành lệnh cấm nhập khẩu và đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Nga.
Năm 2021, nguồn cung dầu của Nga tới Mỹ tăng hơn gấp đôi so với năm 2020, đạt 72,6 triệu thùng, tương đương với 3,3% tổng kim ngạch nhập khẩu của Washington. Nga cũng cung cấp 20% tổng các sản phẩm từ dầu mỏ cho Mỹ.
Lệnh cấm nhập khẩu của Mỹ có thời hạn loại trừ 45 ngày đối với các hợp đồng hiện có. Các nhà nhập khẩu đang tận dụng khoảng thời gian này để tích trữ nguồn dầu thô từ Nga. Theo dữ liệu của Greenpeace UK, kể từ khi lệnh cấm nhập khẩu được công bố ngày 8/3 đến ngày 27/3, khoảng 10 tàu chở dầu của Nga đã đến Mỹ.
Phản ứng của người dân
Trong những ngày sau khi Mỹ cấm nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga, bà Audrey Uhlmann và nhóm công sự tại tổ chức Tổ chức Hòa bình xanh tại Anh (Greenpeace UK) đã tạo ra công cụ để theo dõi chuyển động của các tàu chở dầu từ Nga trên toàn cầu.
Bà Georgia Whitaker, một nhà vận động dầu mỏ tại Tổ chức hòa bình xanh tại Anh, nói với trang Protocol: “Các chính trị gia đang nói những điều đúng đắn, nhưng lại không hành động. Mỗi tàu chở dầu đến là thêm một khoản tiền tài trợ cho cuộc chiến".
Thông tin về vị trí các con tàu được Twitter cập nhật tự động, dựa trên dữ liệu công khai từ dịch vụ giao diện lập trình ứng dụng (API) của Marine Traffic. Dữ liệu đó đến từ các máy tính và thiết bị theo dõi trên tàu, bao gồm thông tin về nhận dạng, vị trí và điểm đến của chúng.
Theo cô Uhlmann, nhóm khoa học dữ liệu của Tổ chức Hòa bình xanh tại Anh đã bắt đầu bằng cách biên soạn một danh sách các bến dầu và khí đốt của Nga. Bằng cách sử dụng các dịch vụ API của Marine Traffic, nhóm tự động xác định tàu khởi hành từ các bến của Nga mỗi 15 phút và báo cáo vị trí hai giờ một lần trên tài khoản Twitter.
Mặc dù ban đầu chỉ giám sát các tàu chở dầu cực lớn, nhưng trong tuần trước, dự án đã mở rộng để cập nhật dữ liệu từ tàu chở dầu có sức chở ít nhất là 10.000 tấn.
Các nhà hoạt động của Tổ chức Hòa bình xanh đã phản đối sự xuất hiện của một tàu chở dầu Nga ở New York. Trong một nỗ lực tương tự, một nhóm các nhà hoạt động Bắc Âu chèo những chiếc thuyền nhỏ và thậm chí bơi để đối đầu với hai tàu chở dầu cực lớn đến từ Nga và kêu gọi châu Âu từ chối nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch vào đầu tháng này.