Nhà Trắng: Ông Putin cảm thấy bị các cố vấn lừa dối về chiến sự ở Ukraine
Căng thẳng dai dẳng
Bà Kate Bedingfield, Giám đốc truyền thông Nhà Trắng nói với các phóng viên hôm 30/3: “Chúng tôi tin rằng ông Putin đang bị các cố vấn cung cấp thông tin sai lệch về cuộc tiến quân tồi tệ của quân đội Nga và sự tê liệt của nền kinh tế Nga dưới các lệnh trừng phạt. Các cố vấn cấp cao quá sợ hãi để nói cho ông ta biết sự thật”.
Việc ông Putin không được thông báo những gì thực sự xảy ra đã “dẫn đến sự căng thẳng dai dẳng giữa Putin và giới lãnh đạo quân sự của ông”, bà nói thêm.
Trước đó, một quan chức Mỹ nói với NBC News rằng ông Putin “còn không biết quân đội Nga đang sử dụng và để lính nghĩa vụ hy sinh ở Ukraine. Việc này cho thấy luồng thông tin chính xác đến Tổng thống Nga đang bị cản trở như thế nào”.
Cả Nhà Trắng lẫn Lầu Năm Góc đều không tiết lộ bằng cách nào tình báo Mỹ có được thông tin về những gì giới cố vấn quân sự cấp cao cung cấp cho ông Putin.
Song, quyết định giải mã và công bố thông tin trên là ví dụ mới nhất về cách chính quyền Biden sử dụng chiến lược mới trong cuộc chiến hiện tại ở Ukraine. Mỹ đã có được thông tin tình báo tối mật về các kế hoạch của ông Putin và sau đó tiết lộ cho cả thế giới, đi ngược với mô hình cũ là giữ kín thông tin mật. Cho đến nay, thông tin tình báo của Mỹ đều được chứng minh là đúng.
Bà Scheherazade Rehman, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Liên minh Châu Âu tại Đại học George Washington, nói với CNBC: “Cho đến nay, tin tình báo của Nhà Trắng về Ukraine đều chuẩn xác. Không ai chịu tin khi ông Biden nói rằng quân Nga sẽ tấn công Ukraine, kể cả người Mỹ. Nhưng Nga thực sự đã làm vậy. Trong lĩnh vực này, tình báo Mỹ đang làm rất tốt”.
Ông Putin sẽ phản ứng thế nào?
Việc Nhà Trắng tiết lộ về mối quan hệ căng thẳng giữa ông Putin và các lãnh đạo quân sự hàng đầu xuất hiện tại thời điểm quan trọng với Ukraine. Giới quan sát phương Tây đánh giá Điện Kremlin dường như đã thay đổi chiến lược sau khi thất bại trong việc đạt được các mục tiêu ban đầu là lật đổ chính phủ Ukraine và thành lập chính quyền bù nhìn.
Các quan chức quốc phòng Nga giờ tuyên bố mục tiêu ban đầu của họ trong việc đưa 190.000 lính vào Ukraine tháng trước không phải là để chiếm đóng, mà “bảo vệ” những người Ukraine nói tiếng Nga ở vùng viễn đông nước này.
Vì mục đích này, quan chức Nga đang bố trí lại các binh sĩ đã dành cả tháng trời để cố bao vây Kiev đến các điểm xa hơn về phía đông và gần các khu vực do Nga kiểm soát.
Trong những tuần qua, chính quyền ông Biden đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tránh leo thang căng thẳng trong khủng hoảng Nga-Ukraine. Nhà Trắng không muốn biến xung đột này thành cuộc đối đầu trực tiếp giữa hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới là Nga và Mỹ.
Về điểm này, việc công bố thông tin tình báo mật – cho thấy khả năng cao là Mỹ có nguồn tin từ những người thân cận với ông Putin – thể hiện rủi ro đã được tính toán trước.
Ông John Kirby, Thư ký báo chí của Lầu Năm Góc cảnh báo: “Ông Putin rất có thể đang bị Bộ Quốc phòng Nga che mắt. Khi ông ấy biết được sự thực, nhận ra quân đội Nga đang hoạt động tồi tệ thế nào ở Ukraine thì không ai biết được ông ấy sẽ phản ứng ra sao. Thực sự có khả năng xung đột sẽ leo thang”.
Trong những ngày tới, các quan chức phương Tây sẽ theo dõi chặt chẽ xem liệu sẽ có thêm binh sĩ Nga chuyển đến miền đông Ukraine hay không và liệu Nga có mở rộng chế độ quân dịch để tuyển thêm binh sĩ không. Dự kiến ông Putin sẽ đưa ra quyết định đó vào ngày 4/1.