Mỹ sắp xả kho tới 180 triệu thùng dầu để hãm giá xăng, kiềm lạm phát
Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho biết, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang cân nhắc kế hoạch giải phóng khoảng 1 triệu thùng dầu mỗi ngày trong vài tháng tới để kìm hãm đà tăng của giá xăng và ngăn ngừa nguy cơ thiếu hụt nguồn cung sau các lệnh cấm vận đối với Nga.
Theo các nguồn tin, tổng lượng dầu thô sắp xả kho có thể lên tới 180 triệu thùng. Trước đó, các quốc gia thành viên của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã thông báo kế hoạch giải phóng khoảng 60 triệu thùng dầu để xoa dịu thị trường.
Quyết định cuối cùng của các nước thành viên IEA chưa được chốt, nhưng Nhà Trắng có thể thông báo về kế hoạch giải phóng kho dự trữ của Mỹ sớm nhất là vào hôm nay (ngày 31/3), một trong các nguồn tin cho hay.
Ghi nhận tại thời điểm 11h02 ngày 31/3 (giờ Việt Nam), giá dầu WTI giảm mạnh 5,25% xuống còn 102,2 USD/thùng. Cùng lúc, giá dầu Brent mất 4,54% xuống 108,3 USD/thùng. Đợt giảm này nhiều khả năng có liên quan tới thông tin Mỹ xả kho dầu thô.
Trong một tuyên bố, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden sẽ phát biểu về các nỗ lực hạ nhiệt giá năng lượng cho người dân Mỹ.
Thông báo trên không nêu thêm bất kỳ chi tiết nào và người phát ngôn của Nhà Trắng hiện chưa phản hồi yêu cầu bình luận của Bloomberg.
Trong bối cảnh cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đang đến gần, ông Biden phải chịu áp lực rất lớn là khống chế lạm phát, đặc biệt là giảm giá xăng dầu. Dù chính phủ đã đảm bảo hồi năm ngoài rằng giá xăng sẽ giảm trong năm nay, thực chất giá lại tăng vọt.
Theo Hiệp hội Ô tô Mỹ (AAA), giá xăng tại bang California hiện đang neo gần mức 6 USD/gallon, còn giá xăng trung bình toàn quốc là 4,24 USD/gallon - một con số tương đối cao trong nhiều năm qua.
Trong 6 tháng qua, ông Biden đã ra lệnh xả kho dự trữ dầu thô hai lần, 50 triệu thùng vào tháng 11 năm ngoái và 30 triệu thùng khác vào tháng 3 năm nay - ngay sau khi Nga động binh với Ukraine.
Các đợt xả kho trước không tác động đáng kể đến chi phí năng lượng của người tiêu dùng. Giá xăng trung bình của Mỹ vẫn tăng sau khi chính quyền ông Biden bắt đầu thảo luận về đợt đầu tiên.
Ngoài giải phóng dự trữ dầu thô, Washington còn đang phải cố gắng thuyết phục các nước thành viên OPEC tăng sản lượng để giảm giá xăng dầu tại Mỹ. Song, cho đến nay mọi nỗ lực của ông chủ Nhà Trắng đều không nhận được lời đáp của OPEC.
Trong quá khứ, kho dự trữ dầu thô của Mỹ đã được bán hoặc trao đổi gần hai chục lần để giảm thiểu gián đoạn nguồn cung, giảm thâm hụt hoặc bù đắp chi tiêu liên bang. Tuy nhiên, chưa bao giờ Mỹ xả kho mạnh tay như lần này.
Theo số liệu của Bộ Năng lượng Mỹ, tính tới ngày 25/3, kho dự trữ dầu thô của nước này còn khoảng 568 triệu thùng dầu.
Tổng thống Joe Biden đã đề cập đến vấn đề nguồn cung và khả năng xả kho dự trữ trong các cuộc gặp cùng đồng minh châu Âu tuần trước, theo cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan.
Tại châu Âu, ông Biden cũng công bố một thỏa thuận với Liên minh châu Âu (EU) để cung cấp cho khối này ít nhất 15 tỷ mét khối khí hóa lỏng (LNG) trong năm nay. Mục đích là để giúp lục địa già bớt phụ thuộc vào nguồn cung của Nga.
Các quốc gia EU đã và đang đề xuất kế hoạch mới để giảm dần sự phục thuộc vào năng lượng nhập khẩu từ Nga. Theo số liệu của EU, Nga - nhà xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới, cung ứng 40% tổng lượng khí đốt, 27% lượng dầu và 46% lượng than tiêu thụ tại EU.
Gần đây, Tổng thống Vladimir Putin đã yêu cầu các nước thanh toán khí đốt bằng đồng ruble. Các quốc gia G7 khẳng định họ sẽ không nghe theo vì điều này là vi phạm hợp đồng.
Tuy vậy, mối đe dọa mới đã làm dấy lên lo ngại rằng Điện Kremlin có thể trả đũa phương Tây bằng cách cắt nguồn cung năng lượng.