Phương Tây lấy đâu ra dầu thô để lấp vào khoảng trống của Nga?
Bài toán đặt ra từ lệnh cấm dầu thô Nga
Dầu thô có thể coi là nguồn tài chính quan trọng cho cỗ máy chiến tranh của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đánh vào điểm trọng yếu của ông Putin, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ khác của Nga.
Trong năm 2021, Mỹ nhập khẩu trung bình 209.000 thùng dầu thô và 500.000 thùng các sản phẩm dầu mỏ khác từ Nga mỗi ngày, theo Hiệp hội các nhà sản xuất nhiên liệu và hóa dầu Mỹ.
Con số trên tương đương 3% lượng dầu thô nhập khẩu của Mỹ và khoảng 1% tổng lượng dầu thô do các nhà máy lọc dầu của Mỹ chế biến. Đối với Nga, con số này tương đương khoảng 3% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Nhìn chung, lượng dầu thô mà nền kinh tế lớn nhất thế giới nhập khẩu từ Nga không đáng kể. Vì vậy, Mỹ vẫn có thể xoay xở khi cắt đứt mối liên hệ với ngành công nghiệp năng lượng của Nga.
Đồng hành cùng chính quyền Tổng thống Biden có Anh và Canada. Không lâu sau thông báo của Washington, hai quốc gia phương Tây này cũng đã tuyên bố cấm nhập khẩu dầu thô của Nga.
Trái lại, do phụ thuộc nặng nề vào nguồn cung khí đốt và dầu thô của đất nước Liên Xô cũ, Liên minh châu Âu (EU) vẫn rất lưỡng lự trong việc trừng phạt lĩnh vực năng lượng của Nga.
Khoảng 40% lượng khí đốt và hơn 25% lượng dầu thô tiêu thụ tại châu Âu là do Nga cung ứng. Năm 2020, EU nhập khẩu tổng cộng 105,4 tỷ USD hàng hóa của Nga, chủ yếu là dầu thô và khí đốt tự nhiên. Khối này khó có thể thay thế lượng lớn dầu khí của Nga trong thời gian ngắn.
Dẫu vậy, các nước thành viên EU vẫn phải gấp rút tìm nguồn cung thay thế cho các sản phẩm năng lượng của Nga. Mỹ đương nhiên phải trợ giúp các đồng minh để hình thành một mặt trận thống nhất nhằm chống lại Nga. Tuy nhiên, bài toán này là không hề dễ dàng, khi mà giá dầu đang tăng cao và nguồn cung lại rất hạn chế.
Giới phân tích đã cảnh báo rằng giá dầu thô Brent có thể leo lên tới 160 USD hoặc thậm chí 200 USD/thùng nếu người mua tiếp tục xa lánh sản phẩm của Nga. Sau khi đi lùi vào đầu tuần trước, giá dầu đã quay trở lại gần sát mốc 110 USD/thùng trong phiên 18/3.
Trong một ghi chú gần đây, Standard Chartered nhận định rằng quyết định hạn chế nhập khẩu dầu mỏ của Nga, ở một mức độ nào đó, đã vượt quá tầm kiểm soát của chính phủ các nước phương Tây.
Mỹ đang luống cuống
Nga là nước xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, với khoảng 7 triệu thùng/ngày - tương đương 7% tổng nguồn cung toàn cầu. Ngoài ra, Nga còn là một trong hai thủ lĩnh thực tế của liên minh dầu mỏ OPEC+ nên quyền lực của Moscow trên thị trường năng lượng là khá lớn.
Trong ván cờ địa chính trị với Nga, ông Biden đang nỗ lực tìm kiếm nguồn cung dầu thô thay thế. Hiện tại, ông chủ Nhà Trắng đang cố gắng bù đắp sự thiếu hụt bằng cách tiếp cận Venezuela, Arab Saudi và Iran.
Cơ quan dầu khí Venezuela cho biết, quốc gia Nam Mỹ này có thể tăng ít nhất 400.000 thùng dầu thô mỗi ngày trong thời gian tới. Tuy nhiên, ông Biden phải rất thận trọng vì Washington vẫn đang cấm vận dầu thô của Venezuela.
Nói cách khác, nếu muốn hòa hoãn với chính quyền Tổng thống Nicolás Maduro để thuyết phục Venezuela bơm thêm dầu thô, Mỹ phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với đất nước này. Đây có thể là một ván cờ khó đối với ông Biden.
Tương tự với Venezuela, Mỹ cũng đang có mối quan hệ "cơm không lành, canh không ngọt" với Arab Saudi và Iran.
Khi lên nắm quyền, ông Biden đã thề sẽ cô lập Thái tử Mohammed bin Salman và hoàng gia Arab Saudi vì nhiều cáo buộc bao gồm vụ ám sát nhà báo Jamal Khashoggi năm 2018.
Ông David Ottaway, nhà phân tích về Arab Saudi bình luận về nỗ lực hàn gắn với Thái tử Mohammed của Tổng thống Biden: "Tôi không biết liệu [ông Biden] có dám thừa nhận mình đã sai hay không".
Bất chấp mối quan hệ đồng minh chiến lược kéo dài hàng thập kỷ giữa Arab Saudi và Mỹ, Thái tử Mohammed và Quốc vương Salman không tỏ ra háo hức giúp chính quyền ông Biden thoát khỏi bế tắc.
Chưa kể, sau một năm bội thu ngân sách nhờ giá dầu phục hồi, Arab Saudi không có lý do gì để cung ứng thêm dầu thô ra thị trường, vì bước đi này đồng nghĩa rằng giá dầu sẽ hạ nhiệt đi.
Trong trường hợp của Iran, các quan chức Mỹ không công khai bình luận về mối liên hệ giữa khả năng dở bõ cấm vận và việc đưa dầu thô của đất nước Trung Đông trở lại thị trường quốc tế.
Hơn nữa, đối với Tổng thống Biden, thất bại trong chính sách ngoại giao dầu mỏ có thể thành trò cười với các nhà lãnh đạo nước ngoài, và làm giảm khả năng ông tái đắc cử trong kỳ bầu cử sắp tới.
OPEC sẽ là chìa khóa giải bài toán?
Sau cùng, phương Tây chỉ có thể trông cậy vào liên minh dầu mỏ OPEC+ để lấp đầy khoảng trống của Nga.
Song, như đã nói, Nga đang chống đối phương Tây và Arab Saudi - thủ lĩnh còn lại của tổ chức, không mặn mà giúp Mỹ. Cho đến nay, chỉ duy nhất UEA đã phát tín hiệu muốn tăng sản lượng ra thị trường.
Ngoài ra, OPEC+ còn đang gặp một vấn đề đau đầu khác: công suất dự phòng sụt giảm, trong khi nhu cầu dự kiến sẽ bật tăng. Nếu OPEC+ muốn bơm thêm dầu, công suất dự phòng - vốn là tấm đệm của liên minh này trong thời kỳ biến động, có thể cạn kiệt.
Công suất dự phòng bền vững |
Công suất dự phòng ngắn hạn |
Công suất dự phòng 90 ngày |
|
---|---|---|---|
Arab Saudi | 12,2 | 1,2 | 2,1 |
UEA | 4,1 | 0,6 | 1,2 |
Iraq | 4,8 | 0,3 | 0,6 |
Kuwait | 2,8 | 0,1 | 0,2 |
Nga | 10,2 | 0,1 | 0,2 |
Khác | 12 | 0 | 0,8 |
Tổng* | 46,2 | 2,2 | 5,1 |
Nguồn: Báo cáo tháng 3 của IEA; đơn vị: triệu thùng/ngày.
* không tính Iran
Sau một thời gian dài chịu áp lực của chính phủ toàn cầu và cổ đông, các tập đoàn dầu khí ngày càng ngần ngại rót thêm tiền vào khai thác mỏ mới. Đồng thời, cú sốc thời đại dịch đã khiến các nhà sản xuất dè chừng trong việc tăng sản lượng. Hai điều này khiến công suất trở nên eo hẹp hơn.
Báo cáo mới của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính, một khi nhu cầu phục hồi từ đại dịch, OPEC+ cần phải tăng sản lượng thêm 20% so với mức hiện tại để đạt khoảng 30,8 triệu thùng/ngày vào năm 2026.
Trong khi đó, IEA cho biết công suất dự phòng của liên minh dầu mỏ sẽ thu hẹp về còn khoảng 2,4 triệu thùng/ngày vào năm 2026, giảm hơn một nửa so với mức 6,5 triệu thùng/ngày trong năm 2020.
Nếu tính trong ngắn hạn, công suất dự phòng của OPEC+ chỉ rơi vào khoảng 2,2 triệu thùng/ngày, chủ yếu tập trung ở Arab Saudi và UAE. Ngay cả khi OPEC+ đồng ý bơm thêm dầu theo lời đề nghị của ông Biden, con số này là hoàn toàn không đủ để các nước thành viên đề phòng bất trắc.
Nói một cách nào đó, ngay cả OPEC+ cũng không thể giúp Mỹ và các đồng minh giải bài toán nguồn cung của Nga.