Ông Biden cấm vận dầu thô Nga nhưng vẫn âm thầm chừa đường lui cho Mỹ
Mỹ tự chừa đường lui
Nguồn thạo tin của Reuters cho biết, lệnh cấm nhập khẩu năng lượng Nga của Tổng thống Joe Biden không bao gồm mặt hàng uranium - nguyên liệu chủ chốt cho các nhà máy điện hạt nhân.
Một tài liệu được Nhà Trắng công bố sau khi ông Biden ban hành lệnh cấm không đề cập đến uranium, chứng thực nguồn tin của Reuters.
Trước đó, ngành công nghiệp uranium của Mỹ cũng đã vận động chính quyền Tổng thống Biden tiếp tục cho phép nhập khẩu uranium từ Nga, bất chấp cuộc tấn công của Moscow vào Ukraine.
Hiện tại, Mỹ không có hoạt động sản xuất hay chế biến uranium, dù một số công ty cho biết họ muốn khai thác tại Texas hoặc Wyoming nếu các nhà máy điện hạt nhân ký hợp đồng thu mua dài hạn.
Hoạt động sản xuất uranium của Nga đang chủ yếu do Rosatom, một công ty nhà nước do Tổng thống Putin thành lập năm 2007, kiểm soát. Rosatom là một nguồn thu quan trọng của Moscow.
Do đó, khi chính quyền Washington không cấm nhập khẩu uranium của Nga, công chúng sẽ có dịp đồn thổi liệu doanh nghiệp Mỹ có đang hỗ trợ tài chính cho nền kinh tế Nga hay không.
Từ lâu, Quốc hội Mỹ đã chú ý nhiều hơn đến sức mạnh của Nga với tư cách là nhà sản xuất uranium và một số kim loại khác trên toàn cầu.
Chia sẻ với Reuters, Thượng nghị sĩ Dan Sullivan (Đảng Cộng hòa) nhấn mạnh: "Chúng tôi cần phải xem xét các nguồn nhập khẩu thay thế cho uranium của Nga".
Tại sao Mỹ né uranium của Nga?
Là một kim loại rất nặng, uranium được sử dụng rộng rãi làm nhiên liệu trong các lò phản ứng hạt nhân và tạo ra điện. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, các chủ sở hữu và vận hành nhà máy điện hạt nhân ở Mỹ đã mua tổng cộng khoảng 48,9 triệu pound uranium trong năm 2020.
Động thái loại uranium khỏi danh sách cấm vận của Mỹ có lẽ liên quan đến thực tế là Nga và hai đồng minh Kazakhstan và Uzbekistan chiếm hơn 46% lượng uranium chảy vào Mỹ năm 2020.
Theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới, Nga là nhà sản xuất uranium lớn thứ 7 trên toàn cầu, với sản lượng 2.846 tấn năm 2020. Mặt khác, Mỹ lại không khai thác kim loại này dù có trữ lượng đáng kể ở Texas và Wyoming.
Ngoài ra, Australia và Canada cũng sản xuất lượng lớn uranium, nhưng nguồn cung của Nga lại rẻ hơn. Nếu Mỹ tiếp tục nhập khẩu uranium của Nga, giá điện tại Mỹ sẽ vẫn duy trì ở mức thấp như hiện nay.
Trước đó, hôm 8/3, Tổng thống Joe Biden tuyên bố Mỹ sẽ cấm nhập khẩu dầu thô của Nga. Đây là một bước leo thang mới trong phản ứng của cộng đồng quốc tế đối với cuộc tấn công của Moscow vào Ukraine.
Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden cho hay: "Hôm nay, tôi xin thông báo rằng Mỹ đang nhắm mục tiêu vào huyết mạch chính của nền kinh tế Nga. Chúng tôi sẽ cấm nhập khẩu toàn bộ dầu mỏ và khí đốt của Nga".
"Điều đó có nghĩa là các sản phẩm năng lượng của nước này sẽ không được phép cập cảng của Mỹ. Qua biện pháp mới, người dân nước ta sẽ cùng giáng một đòn đau nữa vào cỗ máy chiến tranh của ông Putin", Tổng thống Biden tiếp lời.
"Đây là một bước mới mà chúng tôi đang thực hiện để gây thêm đau đớn cho Tổng thống Vladimir Putin", ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh.
Anh đã công bố các hạn chế riêng đối với hoạt động nhập khẩu dầu thô của Nga, ngay trước khi ông Biden thực hiện bài phát biểu. London cho biết họ sẽ loại bỏ dần nhập khẩu năng lượng của Nga vào cuối năm nay.
Cùng ngày, trong một thông cáo báo chí, Liên minh châu Âu (EU) đã tiết lộ kế hoạch loại bỏ nhiên liệu hóa thạch của Nga. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh: "EU không thể tin tưởng vào một nhà cung ứng đang đe dọa chúng tôi một cách rõ như ban ngày".