Arab Saudi phát tín hiệu bất thường giữa lúc giá dầu thô ngấp nghé 120 USD/thùng
Trong một tuyên bố chính thức phát đi đầu tuần này, chính phủ Arab Saudi cho hay: "Chúng tôi sẽ không chịu trách nhiệm cho bất kỳ cú sốc thiếu cung nào trên thị trường dầu mỏ toàn cầu sau khi phiến quân Houthi tấn công vào các cơ sở khai thác của Arab Saudi".
Tuyên bố còn có đoạn, các cuộc tấn công lặp đi lặp lại của Houthi sẽ ảnh hưởng đến "năng lực sản xuất và khả năng hoàn thành các nghĩa vụ giao hàng của Arab Sauid", đồng thời đe dọa "an ninh và sự ổn định của nguồn cung năng lượng cho các thị trường toàn cầu".
Cơ quan báo chí nhà nước Arab Saudi dẫn lời Bộ Ngoại giao nước này kêu gọi "cộng đồng quốc tế phải có trách nhiệm duy trì nguồn cung năng lượng" để "chống lại phiến quân Houthi".
Hôm 20/3, phiến quân Houthi của Yemen đã tiến hành một loạt cuộc tấn công nhắm vào hoạt động khai thác dầu thô và khí đốt của Arab Saudi. Bộ Năng lượng Arab Saudi nói các cuộc tấn công tại khu phức hợp hóa dầu Yanbu trên bờ Biển Đỏ đã khiến sản lượng dầu thô tạm thời giảm sút.
Theo CBS News, các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa đã đốt cháy một bồn chứa tại trung tâm phân phối xăng ở thành phố cảng Jiddah của Arab Saudi cũng như làm ảnh hưởng đến quá trình khai thác tại một cơ sở khí đốt ở Yanbu. Riyadh vẫn chưa thể đánh giá chính xác thiệt hại.
Chính phủ Arab Saudi lên án hành động của phiến quân Houthi, nói rằng chúng đe dọa an ninh năng lượng trong "thời khắc cực kỳ nhạy cảm" của thị trường toàn cầu.
Các cuộc tấn công dồn dập hồi cuối tuần qua là một trong các đợt gây hấn nghiêm trọng nhất của Houthi, làm lộ ra các lổ hổng phòng thủ của vương quốc dầu mỏ.
Ngoài ra, vụ việc mới đây còn gợi nhắc về đợt tấn công của phiến quân Houthi vào hai cơ sở khai thác dầu quan trọng của Arab Saudi vào tháng 9/2019. Khi đó, một nửa tổng sản lượng dầu của quốc gia vùng Vịnh đã bị đánh sập.
Ở diễn biến khác, cảnh báo bất thường của Riyadh khá trái ngược với những tuyên bố thận trọng của gã khổng lồ ngành dầu mỏ thế giới. Giới chức Arab Saudi ý thức được rằng ngay cả những bình luận nhỏ nhất của mình cũng có thể tác động đến giá dầu và làm chao đảo thị trường toàn cầu.
Gần đây, sau khi Nga động binh với Ukraine, các nước phương Tây đã vài lần gây áp lực nhằm thúc giục Arab Saudi sản xuất thêm dầu để giảm bớt tình trạng biến động trên thị trường.
Để trừng phạt hành động gây hấn của Moscow đối với nước láng giềng, chính phủ các nước như Mỹ, Anh và Canada đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ khác của Nga.
Liên minh châu Âu (EU), vốn phụ thuộc nặng nề vào nguồn cung năng lượng của Nga, đang lưỡng lự trước việc cấm vận dầu thô và khí đốt của đất nước Liên Xô cũ. Song, truyền thông quốc tế đưa tin EU nhiều khả năng sẽ trừng phạt dầu thô của Nga.
Điều đó đặt ra một bài toán khác cho Mỹ và đồng minh: tìm kiếm nguồn cung để lấp đầy khoảng trống mà Nga tạo ra. Vì lẽ đó, phương Tây mới phải nhờ cậy vào các nước sản xuất dầu thô hàng đầu như Arab Saudi.
Tuy nhiên, Arab Saudi và nước láng giềng UAE vẫn lắc đầu từ chối lời đề nghị của phương Tây. Giới chuyên gia nhận định giá dầu thô sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới như một hệ lụy tất yếu của chiến sự giữa Nga và Ukraine.
Một số phân tích thậm chí còn cảnh báo rằng giá dầu Brent có thể leo lên tới 160 USD hoặc thậm chí 200 USD/thùng nếu người mua tiếp tục xa lánh sản phẩm của Nga.
Ghi nhận tại thời điểm 14h30 ngày 22/3 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent chuẩn quốc tế đang dao động quanh mức 118,1 USD/thùng, tăng hơn 2,1% so với đầu phiên; trong khi giá dầu WTI đạt khoảng 114,2 USD/thùng, tăng hơn 1,8%.