Phương Tây xả kho 60 triệu thùng dầu để kiềm giá, dầu thô vẫn lập đỉnh mới hơn 110 USD/thùng
Giá dầu lập đỉnh mới
Trong phiên giao dịch đêm qua (ngày 1/3, theo giờ Mỹ), giá dầu WTI có lúc tăng hơn 5% lên 109,23 USD/thùng - xác lập mức cao nhất kể từ tháng 9/2013. Giá dầu Brent chuẩn quốc tế nhích khoảng 5,6% lên 110,84 USD/thùng, tức mức đỉnh so với tháng 7/2014.
Trước đó, trong phiên giao dịch hôm 24/2, giá dầu Brent và WTI đều nhảy vọt lên trên mốc 100 USD/thùng, lần đầu tiên kể từ năm 2014, sau khi Nga bắt đầu thực hiện "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine.
"Thị trường năng lượng không thể ngơi nghỉ. Đây là thời khắc quan trọng và bùng nổ cho thị trường, thế giới và nguồn cung dầu thô", ông John Kilduff - đối tác tại hãng tư vấn đầu tư Again Capital, bình luận.
Trao đổi với CNBC, ông Ed Moya - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại công ty giao dịch ngoại hối Oanda, cho hay: "Giá dầu thô không thể ngừng tăng do thị trường đang bị siết rất chặt và có thể gặp phải rủi ro nguồn cung khi chiến sự tại Ukraine leo thang".
Theo dự đoán của ông Moya, giá dầu Brent có thể phi mã lên 120 USD/thùng nếu thị trường bắt đầu tin rằng phương Tây sẽ áp lệnh trừng phạt lên ngành công nghiệp năng lượng của Nga.
Hiện tại, nhu cầu dầu mỏ của các nước trên thế giới đang phục hồi mạnh mẽ, dẫn đến việc nguồn cung bị hạn chế và công suất dự phòng của các nhà sản xuất chính trở nên eo hẹp. Trưởng bộ phận phân tích hàng hóa tại JPMorgan còn nhận thấy "siêu chu kỳ giá dầu là điều khó tránh khỏi".
Theo dữ liệu của JPMorgan, công suất dự phòng toàn cầu đã tụt xuống còn khoảng 2,8 triệu thùng/ngày. Con số trên thấp đáng kể so với 5 triệu thùng/ngày - mức công suất dự phòng được cho là có thể giúp thị trường chống lại bất kỳ sự gián đoạn nào, bao gồm biến động địa chính trị.
Nỗ lực xoa dịu thị trường bất thành của phương Tây
Ở diễn biến khác, cũng ngày 1/3, các quốc gia thành viên của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã công bố kế hoạch giải phóng 60 triệu thùng dầu thô dự trữ để kìm hãm đà tăng của giá dầu. Trong đó, Mỹ sẽ xả khoảng 30 triệu thùng.
Tuy nhiên, thông báo của IEA không thể xoa dịu được thị trường, bằng chứng là giá dầu thô vẫn lập đỉnh mới.
Trong một ghi chú, Goldman Sachs cho hay: "Chúng tôi nhận thấy động thái của IEA không thực sự có tác dụng. Đến giờ, chúng tôi vẫn tin rằng chỉ khi nhu cầu sụp đổ thì mới có thể tái cân bằng thị trường năng lượng…".
Một số chuyên gia cảnh báo, ngay cả liên minh dầu mỏ OPEC+ cũng không thể giúp hạ nhiệt giá dầu. Đến nay, các nước thành viên của OPEC+ vẫn đang tăng sản lượng rất chậm chạp, thậm chí một số nước không có đủ công suất để bơm thêm dầu ra thị trường.
Dự kiến hôm nay (2/3), OPEC+ sẽ nhóm họp để bàn kế hoạch sản lượng cho tháng 4. Tại cuộc họp hồi tháng trước, liên minh dầu mỏ đã nhất trí chỉ bơm thêm 400.000 thùng dầu/ngày ra thị trường.
Chia sẻ với CNBC, hãng dịch vụ tài chính RBC Capital Markets cho hay: "Chúng tôi nghĩ liên minh OPEC+ sẽ giữ nguyên kế hoạch sản xuất hiện tại và tránh sa vào cuộc khủng hoảng an ninh đang ngày càng nghiêm trọng của một trong hai lãnh đạo chủ chốt là Nga".
RBC cho rằng thị trường "có thể chứng kiến một sự thay đổi chiến lược trong những tuần tới" nếu nguồn cung dầu thô vật chất bị gián đoạn.
Nga là nhà sản xuất và xuất khẩu dầu thô lẫn khí đốt quan trọng, đặc biệt là đối với châu Âu. Cho đến nay, ngành công nghiệp năng lượng của nước này chưa bị phương Tây trừng phạt.
Tuy nhiên, các đợt trừng phạt trước đã tạo ra những tác động xấu đến hoạt động thương mại dầu khí của Nga, khiến một số khách hàng nước ngoài ngần ngại mua hàng của Nga.