Ông Biden hết cách ‘chữa cháy’ giá xăng dầu nên phải nài nỉ OPEC+?
Ít nhất hai lần đề nghị OPEC+ giúp đỡ
Từ đầu năm đến nay, giá dầu thô thế giới đã tăng khoảng 50%; trong khi kể từ tháng 5, giá xăng trung bình tại các trạm bơm trên khắp nước Mỹ đã vượt mức 3 USD/gallon. Trước áp lực lớn, chính phủ Mỹ và đặc biệt là đích thân Tổng thống Joe Biden đã ít nhất hai lần thúc giục liên minh dầu mỏ OPEC+ tăng sản lượng để hỗ trợ giá xăng dầu trong nước.
Lần đầu tiên là vào giữa tháng 8. Theo Nhà Trắng, các quan chức chính quyền ông Biden đã từng trò chuyện cùng đại diện của Arab Saudi, UAE và các nước thành viên OPEC+ khác. Washington cho rằng, quyết định chỉ bơm thêm 400.000 thùng dầu/ngày mỗi tháng của OPEC+ là quá ít.
Ngay trước thềm cuộc họp tháng 11 của OPEC+, ông Biden lại một lần nữa đổ lỗi cho Nga và OPEC+ vì cho phép giá dầu thô tăng cao như hiện nay. NPR dẫn lời vị tổng thống Mỹ nhấn mạnh: "OPEC+ nhất quyết không tăng mạnh sản lượng dầu, điều này có tác động sâu sắc đến các gia đình thuộc tầng lớp lao động…"
Đáp lại Washington, lần lượt các thành viên OPEC+ như Kuwait, Iraq, Algeria, Angola đều khước từ. Họ khẳng định OPEC+ nên kiên định với kế hoạch hiện có vì thị trường đang trong thế cân bằng.
Rõ ràng, các nước sản xuất dầu thô lớn có lý do để duy trì giá dầu ở mức cao, một phần là để bù đắp khoản lỗ do đại dịch COVID-19 gây ra vào năm ngoái, phần khác là để tăng nguồn thu ngân sách nhằm phục vụ cho tham vọng đa dạng hóa kinh tế trong tương lai, khi dầu mỏ bị thế giới tẩy chay.
Do đâu giá xăng dầu tăng cao?
Tại thời điểm 16h15 ngày 3/11 (theo giờ Việt Nam), ghi nhận trên oilprice.com, giá dầu Brent chuẩn quốc tế đang giao dịch quanh mức 83,34 USD/thùng và giá dầu WTI ở quanh mức 82,36 USD/thùng. Tuần trước, có lúc giá dầu Brent giao sau leo vọt lên mức 86,6 USD/thùng.
Giá dầu thô neo ở mức cao như hiện nay có liên quan đến tình trạng mất cân bằng cung - cầu. Trong bối cảnh kinh tế thế giới khởi sắc từ dịch bệnh, nhu cầu dầu mỏ bật tăng mạnh mẽ. Chưa kể, Trung Quốc đang thiếu điện trầm trọng và châu Âu thì thiếu khí đốt, dẫn đến việc hai thị trường này ra sức gom dầu thô.
Goldman Sachs dự đoán, nhu cầu sẽ sớm quay trở lại mức trước đại dịch là khoảng 100 triệu thùng/ngày. Việc châu Âu và Trung Quốc săn lùng dầu thô có thể giúp nhu cầu tăng thêm ít nhất 1 triệu thùng/ngày.
Trái lại, nguồn cung chưa phục hồi tương xứng. Lo ngại đại dịch chưa kết thúc và có thể gây thêm nhiều bất ổn, OPEC+ chỉ chấp nhận bơm thêm 400.000 thùng dầu/ngày mỗi tháng.
Năm ngoái, sản lượng dầu đá phiến của Mỹ sụt giảm 3 triệu thùng/ngày và đến nay cũng chưa khôi phục về mức cũ. Đây cũng là một nguyên nhân khiến thị trường thiếu hụt nguồn cung đáng kể.
Các đời tổng thống Mỹ trước làm gì khi giá xăng dầu đắt đỏ?
Giới chuyên gia cho biết, đúng là các tổng thống Mỹ đương nhiệm có thể tác động đến giá xăng dầu bán lẻ, nhưng ảnh hưởng thường rất hạn chế.
Khi được hỏi liệu Tổng thống Biden có phải người nên chịu trách nhiệm khi giá xăng dầu quá cao hay không, Giám đốc Jeanette McGee của Hiệp hội Ô tô Mỹ (AAA) cho hay: "Điểm mấu chốt là giá xăng dầu luôn biến động bất luận ai đang làm chủ Nhà Trắng".
Các tổng thống Mỹ nắm trong tay một số ít biện pháp can thiệp giá xăng dầu trong ngắn hạn như giải phóng kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (các kho này thành lập vào thập niên 1970) hoặc tăng thuế xăng dầu. Trong quá khứ, kho dự trữ chiến lược của Mỹ chỉ được sử dụng ba lần.
Chúng xảy ra vào các năm 1991 dưới thời Tổng thống George H. W. Bush (Bush cha) trong Chiến tranh vùng Vịnh; năm 2005 dưới thời Tổng thống George W. Bush (Bush con) do ảnh hưởng của bão Katrina; và năm 2011 dưới thời Tổng thống Barack Obama, có liên quan đến căng thẳng ở Libya.
Năm 2008, nền kinh tế Mỹ rơi vào khủng hoảng tài chính, giá xăng gần cuối nhiệm kỳ của Tổng thống George W. Bush tăng nóng. Ông từng muốn xả kho dự trữ thêm lần nữa để hạ nhiệt giá xăng nhưng bất thành. Năm 2018, Tổng thống Donald Trump cũng có ý tưởng tương tự nhưng chưa thực hiện.
Ông Biden hết cách nên phải nài nỉ OPEC+?
Từ khi ra tranh cử tổng thống, ông Biden đã cam kết đưa nước Mỹ thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ trong bối cảnh Trái đất ngày càng nóng lên.
Trong cuộc tranh luận cùng đối thủ Donald Trump vào tháng 10/2020, ông Biden bày tỏ: "Ngành công nghiệp dầu mỏ rất ô nhiễm. Theo thời gian, chúng ta phải thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng các nguồn năng lượng tái tạo".
Khi nhậm chức, ông Biden đã đưa ra một loạt quyết sách như hủy giấy phép đường ống dẫn dầu Keystone XL, dừng cho thuê đất công để khai thác dầu mỏ,… Một bộ phận công chúng cho rằng giá xăng dầu đắt đỏ như hiện nay là do các chính sách môi trường của ông Biden.
Biến động giá xăng khiến tỷ lệ tín nhiệm của ông Biden tụt mạnh. Theo NPR, tỷ lệ tín nhiệm của vị tổng thống này đang ở dưới mức 50%, và 70% người dân Mỹ tin rằng đất nước đang đi sai hướng.
Để giảm giá xăng, Tổng thống Biden có thể xả kho dự trữ chiến lược như một số người tiền nhiệm. Hiện chính quyền Washington chưa áp dụng biện pháp này, dù Bộ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm đã đánh tiếng vào đầu tháng 10.
Tại ngày 6/10, tổng khối lượng dầu thô trong kho dự trữ đạt hơn 617 triệu thùng, đủ để đáp ứng nhu cầu xăng dầu nói chung của Mỹ trong một tháng.
Ngoài ra, ông Biden còn có một cách khác: tự bơm thêm dầu đá phiến để giải tỏa cú sốc giá nhiên liệu. Các công ty khai thác dầu mỏ tại Mỹ vẫn chưa phục hồi sản lượng về mức trước đại dịch, chứng tỏ họ có thể cung ứng thêm dầu ra thị trường.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ không mở lời với các doanh nghiệp quê nhà mà lại kêu gọi OPEC+ hỗ trợ. Theo đưa tin của CNN, Viện Dầu khí Mỹ (API) - nhóm vận động hành lang quyền lực cho ngành dầu khí Mỹ, không hài lòng với động thái của vị tổng thống Đảng Dân chủ.
Chủ tịch API Mike Sommers nhấn mạnh: "Đáng lẽ những người đầu tiên mà ông Biden nghĩ đến phải là các nhà sản xuất Mỹ, chứ không phải OPEC, một tổ chức từng gây khó dễ cho Mỹ trong nhiều thập kỷ chỉ vì họ là nhà cung ứng dầu thô hàng đầu của chúng ta".
Mục tiêu khí hậu lại kìm chân ông Biden. Từng cam kết với các cử tri về việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch, vị tổng thống không thể đảo chiều và thất hứa với những cử tri đã tin tưởng đưa ông lên làm ông chủ Nhà Trắng.
Vô hình trung, ông Biden bị đẩy vào thế tiến thoái lưỡng nan và chỉ còn biết nài nỉ OPEC+, hoặc trông chờ giá xăng sẽ hạ nhiệt vào một lúc nào đó.