|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá xăng dầu quá cao, thiệt hại lan toả đến mọi ngóc ngách của nền kinh tế thế giới

07:50 | 02/11/2021
Chia sẻ
Rõ ràng, giá xăng dầu tăng cao sẽ mang lại lợi nhuận lớn cho các nước sản xuất và chế biến dầu thô. Tuy nhiên, một loạt ngành nghề kinh tế cũng như người tiêu dùng - mắt xích cuối cùng trong chuỗi cung ứng, lại đang chịu thiệt hại chưa từng có.

Giá dầu lên 110 USD/thùng, cơn ác mộng mới bắt đầu?

Nguồn cung bị thắt chặt, trong khi nhu cầu phục hồi mạnh mẽ đã giúp giá dầu thô thế giới tăng lên mức đỉnh nhiều năm, đảo ngược hoàn toàn so với mức giá âm hồi năm ngoái. Tuần trước, có thời điểm giá dầu Brent giao sau đạt mức 86,6 USD/thùng.

Theo Goldman Sachs, nhu cầu tiếp tục bật tăng có thể kéo giá dầu Brent vượt dự báo của ngân hàng này. Trước đó, Goldman Sachs cho biết giá dầu Brent có thể chạm ngưỡng 90 USD/thùng vào cuối năm nay.

Đại gia ngân hàng Mỹ ước tính, nhu cầu sẽ sớm quay về mức trước COVID-19 là khoảng 100 triệu thùng/ngày. Ngoài ra, việc châu Âu và Trung Quốc săn lùng dầu thô thay cho khí đốt có thể khiến nhu cầu tăng thêm ít nhất 1 triệu thùng/ngày.

Giá xăng dầu quá cao, thiệt hại lan toả đến mọi ngóc ngách của nền kinh tế thế giới - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Tạp chí Công Thương).

"Mặc dù không phải là kịch bản khả thi nhất, chúng tôi vẫn tin giá dầu Brent có nguy cơ phá thủng mốc 90 USD/thùng mà chúng tôi dự đoán trước đó nếu cầu tiếp tục phục hồi", Goldman Sachs nhấn mạnh.

"Chưa kể, giá dầu cần phải tăng 110 USD/thùng để kìm hãm nhu cầu và cân bằng thị trường, vì chúng tôi nhận thấy thế giới sẽ bị thâm hụt nguồn cung cho đến quý I năm tới do OPEC+ chỉ dự kiến bơm thêm 0,4 triệu thùng/ngày mỗi tháng", Goldman Sachs cảnh báo.

Nếu giá dầu leo thang như dự báo của Goldman Sachs, giá xăng cũng sẽ không ngừng tăng, vì giá dầu hiện quyết định ít nhất một nửa giá của 1 gallon xăng.

Trên toàn cầu, giá nhiên liệu hóa thạch vốn đã tăng chóng mặt từ đầu năm, khiến người tiêu dùng khốn đốn nên khi xu hướng này tiếp diễn, nền kinh tế thế giới có thể phải hứng chịu một cơn ác mộng tồi tệ khác.

 

Lĩnh vực vận tải dính đòn đầu tiên

Giáo sư Rob Handfield thuộc Đại học bang North Carolina cảnh báo: "Dầu mỏ là huyết mạch của nền kinh tế thế giới. Giá dầu tăng cao thường gây ra phản ứng dây chuyền khiến mọi lĩnh vực công nghiệp đều điêu đứng".

Các tài xế xe tải sẽ là đối tượng dính đòn đầu tiên vì ngành vận tải đường bộ vốn rất nhạy cảm với giá nhiên liệu. Cánh tài xế tại Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, phải chấp nhận bơm xăng với mức giá cao, nhưng một số người cho biết họ chỉ có thể cầm chừng chờ giá hạ nhiệt.

Các công ty logistics tại Việt Nam, đơn cử như Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Tân Nam Chinh của ông Vũ Trọng Tuệ, cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Sau nhiều tháng dịch bệnh, đến cuối tháng 10, doanh nghiệp này chật vật lắm mới khôi phục 70% lượng xe, lái xe chạy hàng thì gặp phải cú sốc tăng giá xăng dầu.

"Chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 30 - 35% cơ cấu giá thành vận tải. Giá xăng dầu tăng buộc chúng tôi phải điều chỉnh bảng giá mới cân bằng được chi phí và lợi nhuận. Chưa kể, doanh nghiệp logistics vẫn đang cõng thêm nhiều chi phí phát sinh như xét nghiệm, bến bãi, hỗ trợ nhân viên", ông Tuệ cho hay.

Một số khác, đơn cử như trường hợp của một công ty logistics ở Thanh Đảo (Trung Quốc), lại từ chối các đơn hàng mới hoặc những chuyến hàng đường dài vì giá xăng quá cao, theo Global Times.

Tương tự đối với các tài xế xe tải, giá nhiên liệu đắt đỏ còn ăn mòn vào lợi nhuận của nhiều hãng hàng không và vận tải biển, dù các đơn vị vận chuyển này đang hối hả giao hàng cho kịp mùa mua sắm cuối năm nay.

Trong năm 2021, giá nhiên liệu máy bay hiện đã tăng khoảng 70% và vượt mức trước đại dịch. Do các lệnh hạn chế di chuyển, các hãng hàng không hiện chủ yếu phụ thuộc vào việc vận chuyển hàng hóa để vượt qua thời điểm eo hẹp.

Năm ngoái, nhiều hãng hàng không đã từ bỏ hoạt động rào chắn rủi ro giá nhiên liệu (hedging) khi thị trường xăng dầu biến động điên cuồng. Vì vậy trong năm nay, các doanh nghiệp dễ chịu thiệt hại lớn hơn khi giá dầu tăng.

Ông Mark Simpson, chuyên gia phân tích hàng không tại công ty chứng khoán Goodbody, nhận định: "Giờ đây, khi giá dầu tăng phi mã, các hãng không có gì để tự bảo vệ mình".

 

Ở diễn biến khác, ngành vận tải biển cũng đón nhận không ít cú sốc trong năm qua, từ việc hàng loạt cảng lớn ở châu Âu đến Trung Quốc đóng cửa vì COVID-19 đến kênh đào Suez tắc nghẽn,… Giờ đây, khi cú sốc giá nhiên liệu bùng nổ, các ông lớn vận tải biển phải chấp nhận hoặc tăng giá cước hoặc tự hấp thụ phí tổn.

Về lâu dài, nếu các nhóm vận tải trên không thể gồng gánh chi phí nhiên liệu, họ có thể từ chối đơn hàng hoặc yêu cầu nâng giá vận chuyển hàng, mà thực tế thì kết quả nào cũng có nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng khác.

Cuối cùng vẫn là người tiêu dùng chịu thiệt

Chịu ảnh hưởng trực tiếp khi giá nhiên liệu hóa thạch phi mã, người tiêu dùng trên khắp thế giới cũng đang phải đổ xăng xe với mức giá cao hơn. Các chuyên gia còn cảnh báo hóa đơn tiền điện trong các tháng tới sẽ tăng vọt vì chi phí đầu vào nhảy vọt.

Chưa kể, các công ty chế tạo đang phải trả nhiều tiền hơn cho vật tư, nguyên liệu thô và lao động. Cộng thêm cước phí vận chuyển đắt đỏ, biên lợi nhuận sụt giảm, buộc lòng doanh nghiệp phải nâng giá thành phẩm từ thực phẩm, bàn chải đánh răng, cây thông Noel đến bánh kẹo, đồ chơi,…. Cuối cùng, khách hàng vẫn là người chịu thiệt.

"Giá hàng hóa tăng cao không khác gì một loại thuế áp lên người tiêu dùng mà chính họ lại không hề hay biết", nhà phân tích Stewart Glickman tại hãng tư vấn CFRA Research nhận xét.

Đến Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ít nhất hai lần nài nỉ liên minh OPEC+ bơm thêm dầu thô ra thị trường để giải quyết "cơn khát" năng lượng toàn cầu và xoa dịu nền kinh tế chung. Song, cho đến nay OPEC+ vẫn khước từ lời đề nghị này.

Giá xăng dầu quá cao, thiệt hại lan toả đến mọi ngóc ngách của nền kinh tế thế giới - Ảnh 4.

Tổng thống Mỹ Joe Biden là một trong các lãnh đạo cấp cao nhất từng kêu gọi OPEC+ tăng nguồn cung dầu thô. (Ảnh: Reuters).

Lương thực là mặt hàng cho thấy tác động rõ ràng nhất của cú sốc giá nhiên liệu. Hiện tại, giá lương thực thế giới đã chạm mức đỉnh hơn một thập kỷ và gây ra áp lực lạm phát rất lớn.

Ngoài chi phí vận chuyển vật tư và nông sản, ngành nông nghiệp còn dựa vào nhiên liệu hóa thạch để sản xuất phân bón. Điều đó chứng tỏ chi phí trồng trọt cao hơn sẽ được sang tay cho người tiêu dùng dưới dạng giá thực phẩm.

"Đó là một cơn bão hoàn hảo," Giáo sư Rob Handfield của Đại học bang North Carolina nói. "Tôi không nghĩ cuộc khủng hoảng sẽ dịu lại trước năm 2023. Đây không phải là một sự gián đoạn ngắn hạn, mà một vấn đề nan giải, dai dẳng".

Nền kinh tế toàn cầu chỉ vừa khởi sắc từ đại dịch COVID-19. Nếu giá cả tiếp tục leo thang và lạm phát tăng nhanh, triển vọng phục hồi sẽ ngày càng mờ ảo hơn.

Bà Kavita Chacko, chuyên gia kinh tế cấp cao tại hãng xếp hạng tín dụng CARE Ratinsg (Ấn Độ), lưu ý thêm: "Giá nhiên liệu quá cao gây áp lực lên mức giá chung, cản trở chi tiêu của người tiêu dùng và đè nặng khả năng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu".

Khả Nhân

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.