|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tỷ giá, lãi suất biến động ra sao trước áp lực thuế quan từ Mỹ?

11:29 | 09/04/2025
Chia sẻ
Giới chuyên gia nhận định tỷ giá sẽ biến động nhiều hơn trong ngắn hạn trước bối cảnh các yếu tố bất định và chưa có kết quả cuối cùng về các quyết định áp thuế quan. Trong khi đó, lãi suất điều hành dự kiến sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hỗ trợ tăng trưởng.

Ngày 2/4, chính quyền Tổng thống Trump đã tuyên bố danh sách áp thuế đối ứng với 60 nước, trong đó mức thuế với Việt Nam là 46%, có hiệu lực ngày 9/4. Thông báo này đã gây ra sự xáo trộn đáng kể trên thị trường toàn cầu.

Tỷ giá biến động trong ngắn hạn

Bàn về động thái áp thuế của Mỹ, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định tỷ giá sẽ biến động nhiều hơn trong ngắn hạn trước bối cảnh các yếu tố bất định và chưa có kết quả cuối cùng về các quyết định áp thuế quan.

Sau khi Tổng thống Trump tuyên bố sắc thuế,  tỷ giá tăng lên thêm 0,6% ngay trong ngày đầu tiên. Vào ngày 8/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm ở mức 24.898 VND/USD, tăng 12 đồng so với phiên trước kỳ nghỉ lễ.Áp dụng biên độ 5%, tỷ giá giao dịch của USD tại các ngân hàng thương mại hiện dao động từ 23.653 - 26.143 VND/USD. 

Cùng ngày, thị trường ngân hàng ghi nhận một phiên tăng mạnh, với mức điều chỉnh từ 87 đến 140 đồng. Trong đó, ba ngân hàng quốc doanh đã nâng giá mạnh nhất ở cả hai chiều mua bán, trong khi các ngân hàng khác cũng đồng loạt đưa giá chào mua USD lên mức 25.720 - 25.768 VND/USD.

 (Nguồn: Wichart)

Về tỷ giá, chuyên gia Trần Ngọc Báu, CEO của WiGroup, nhận định VND đã mất giá mạnh so với USD, ước tính khoảng 2,2% tính đến 8/4, trong khi chỉ số USD Index giảm 5,8%. Theo ông, VND đã yếu đi khoảng 10% so với các đồng tiền khác, điều này có thể tạo áp lực lên lạm phát trong thời gian tới.

Hiện nay, thị trường lo ngại rằng tỷ giá của các ngân hàng thương mại đã vượt qua tỷ giá trần bán ra của NHNN vào ngày 8/4, điều này sẽ tạo thêm áp lực lên công tác điều hành tỷ giá của NHNN.

Ông Báu cũng cảnh báo trong trường hợp NHNN không nới biên độ hoặc điều chỉnh tỷ giá trung tâm, có thể sẽ phải bán USD ra để giảm áp lực lên tỷ giá, trong khi dự trữ ngoại hối hiện không còn nhiều.

Nhìn chung, chuyên gia nhận định sức khỏe kinh tế trong nước vẫn còn yếu so với kỳ vọng, và các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng vẫn chưa thực sự rõ ràng.

"Bên cạnh đó, vấn đề tỷ giá ngày càng áp lực, tác động cả thị trường trong nước và có áp lực lên lạm phát khi tác động đến nguyên liệu đầu vào", ông Báu nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, các chuyên gia VCBS nhận định các lo ngại về rủi ro thuế quan có thể khiến dòng vốn đầu tư đăng ký và giải ngân chậm lại. Ngoài ra, các hoạt động xuất khẩu (đặc biệt xuất khẩu tới thị trường Mỹ) có thể chậm lại và thậm chí chịu thiệt hại. Trong khi đó, dự trữ ngoại hối của Việt Nam ở thời điểm hiện tại khá hạn chế.

Trên thực tế, NHNN đã duy trì mức lãi suất cơ bản trên thị trường mở (OMO) ở mức 4% trong các kỳ gần đây, phản ánh mức lạm phát được kiểm soát và sự ổn định trong lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng.

Theo báo cáo Mirae Asset nhận định triển vọng cắt giảm lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và khả năng đàm phán thành công của Việt Nam về thuế quan sẽ đóng vai trò là các yếu tố then chốt hỗ trợ NHNN trong việc quản lý ổn định tỷ giá hối đoái.

Lãi suất huy động ổn định, trong khi lãi suất cho vay duy trì ở ngưỡng thấp

Trong bối cảnh áp lực tỷ giá và cũng chưa có quyết định cuối cùng về mức thuế quan lên hàng hóa Việt Nam, lãi suất điều hành dự kiến sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hỗ trợ tăng trưởng.

Cụ thể, lãi suất huy động được đảm bảo ổn định, mặt bằng lãi suất cho vay được duy trì ở mức thấp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy vậy, lãi suất cho vay vẫn có sự phân hóa giữa từng ngành nghề và doanh nghiệp, cũng như khẩu vị rủi ro giữa các ngân hàng thương mại (NHTM).

Theo số liệu từ NHNN, tính đến hết quý I/2025, mặt bằng lãi suất huy động  mới gần như không thay đổi chỉ tăng 0,08%, trong khi mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm 0,4% so với cuối năm 2024 cho thấy nỗ lực của hệ thống ngân hàng trong việc hỗ trợ nền kinh tế.

Về điều hành chính sách tiền tệ, tính đến hết quý I, tăng trưởng tín dụng đạt 3,93% gấp 2,5 lần so với mức 1,42% cùng kỳ năm trước.

Theo đó, VCBS cũng kỳ vọng chính sách tiền tệ có thể được điều hành theo chiều hướng tạo điều kiện thuận lợi để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, hướng tới phát triển các yếu tố nội tại trong nước.

Trước bối cảnh hiện tại, NHNN cho biết sẽ theo dõi rất sát diễn biến thị trường để điều hành các công cụ, giải pháp với thời điều và liều lượng hợp lý, đặc biệt cân nhắc hài hoà mục tiêu.

 Lãi suất huy động tiền gửi bình quân (Nguồn: VCBS)

Minh Nguyệt