|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

OPEC+ có thể đối đầu ông Biden sau khi các thành viên khước từ lời đề nghị của Mỹ

14:16 | 02/11/2021
Chia sẻ
Liên minh OPEC+ có thể đụng độ với Mỹ vì ngày càng nhiều thành viên từ chối lời kêu gọi của Tổng thống Biden. Trước đó, ông Biden đã đề nghị OPEC+ tăng sản lượng dầu thô nhanh hơn nhằm giúp hạ nhiệt giá xăng tại Mỹ.

Hiện tại, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản cùng một số nước nhập khẩu dầu thô lớn đang kêu gọi liên minh dầu mỏ OPEC+ tăng sản lượng nhanh hơn để xoa dịu tình trạng thâm hụt nguồn cung vốn đang đè nặng lên nền kinh tế toàn cầu.

Chia sẻ với báo chí hồi cuối tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ: "Nếu Nga, Arab Saudi và các nước khai thác dầu thô lớn khác không bơm thêm dầu, mọi người không thể có thêm xăng để đi lại".

Mặc dù ông Biden từ chối tiết lộ cách đáp trả nếu OPEC+ không đổi ý, các nhà phân tích dự đoán rằng Mỹ có thể bán một phần dự trữ xăng dầu chiến lược để hạ nhiệt giá xăng trong nước.

 

Đáp lại lời đề nghị của Mỹ, vào ngày 1/11, Kuwait khẳng định OPEC+ nên kiên định với kế hoạch tăng sản lượng từ từ vì thị trường dầu mỏ đang rất cân bằng. Tuyên bố này cũng tương tự như bình luận từ các thành viên chủ chốt khác thời gian qua, như Iraq, Algeria, Angola và Nigeria.

Liên minh dầu mỏ OPEC+, dưới sự dẫn dắt của Arab Saudi và Nga, sẽ tổ chức họp vào ngày 4/5 tới trong bối cảnh áp lực từ người tiêu dùng ngày càng lớn khi giá dầu thô tăng lên hơn 85 USD/thùng. Tại Mỹ, giá xăng hiện đang ở mức đỉnh 7 năm, khoảng 3,7 USD/gallon.

Ông Diamantino Pedro Azevedo, Bộ trưởng Bộ Dầu mỏ Angola, cho biết kế hoạch tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng của OPEC+ đang "hoạt động tốt và không cần phải điều chỉnh".

Theo Bloomberg, nhiều nước thành viên của OPEC+, bao gồm Arab Saudi, lập luận rằng họ không nên bơm dầu nhanh hơn vì đại dịch vẫn có thể đáp sập nhu cầu. Động thái khước từ của OPEC+ có thể đặt liên minh này vào thế đối đầu với chính quyền ông Biden.

Một số nước thành viên khác hiện còn đang chật vật để hoàn thành hạn ngạch được giao trong năm nay. Các nước này cho biết nếu tăng sản lượng nhanh hơn, nhiệm vụ của họ sẽ càng trở nên khó khăn.

"Chúng tôi vẫn chưa thoát ra khỏi khủng hoảng", Bộ trưởng Bộ Năng lượng Arab Saudi Abdulaziz bin Salman chia sẻ với Bloomberg. "Chúng tôi không thể xem thường tình hình hiện tại, đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc".

Ngoài ra, OPEC+ còn khẳng định tăng xuất khẩu dầu thô cũng không thể làm giảm giá điện thế giới. Các tháng vừa qua, giá điện tại nhiều khu vực ở châu Á và châu Âu tăng cao do thiếu hụt khí đốt tự nhiên và than đá.

Tuy nhiên, OPEC+ thường gây bất ngờ cho thị trường với những quyết định đột ngột về chính sách. Dù Riyadh và Moscow đều ca ngợi chiến lược của liên minh dầu mỏ, cả hai lại không trực tiếp đề cập đến bình luận của ông Biden trước công chúng. Do đó, OPEC+ vẫn còn cơ hội đảo chiều.

Tranh chấp của Mỹ và OPEC+ còn diễn ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo thế giới đang tập trung tại hội nghị khí hậu COP26 ở Glasgow, Scotland. Chính quyền ông Biden cam kết sẽ hành động nhiều hơn để chống lại biến đổi khí hậu, đồng thời đảm bảo sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu không bị trật bánh bởi giá năng lượng quá cao.

Khả Nhân

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.