Vật cản đáng gờm đối với kế hoạch dùng thuế quan phục hưng ngành sản xuất của ông Trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm một nhà máy ở Indiana trong nhiệm kỳ đầu tiên. (Ảnh: AP).
Chi phí lao động của Mỹ tăng mạnh qua năm tháng
Trung Quốc được mệnh danh là “công xưởng của thế giới” trong thế kỷ 21, nhưng cách đây 7 thập kỷ, Mỹ mới là trung tâm sản xuất toàn cầu. Trong những năm 1950 và 1960, gần 1/3 người lao động Mỹ làm việc trong ngành sản xuất. Họ tham gia chế tạo mọi thứ từ ô tô, máy bay cho đến thiết bị gia dụng như điều hòa.
Hiện tại, hơn 80% người Mỹ làm việc trong ngành dịch vụ và chưa đến 8% vào nhà máy. Theo thời gian, chi phí lao động ở Mỹ đã tăng mạnh, khiến các công xưởng ở nước này khó có thể cạnh tranh với nhà máy ở nước khác.
Dựa theo chuỗi dữ liệu dài nhất mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh St. Louis thu thập được, tiền lương trung bình của lao động ngành sản xuất Mỹ đã nhảy vọt từ 20,7 USD/giờ vào đầu năm 2006 lên 34,8 USD/giờ vào tháng 2/2025, tăng hơn 68%.
Điều đáng chú ý là sau khi điều chỉnh cho lạm phát, sức mua của 34,8 USD vào đầu năm 2025 chỉ bằng 21,8 USD năm 2006. Như vậy, tiền lương thực của lao động ngành sản xuất hầu như không đổi trong 19 năm qua.
Từ đó có thể thấy xu hướng trong tương lai là các công nhân Mỹ sẽ đòi hỏi mức lương cao hơn thay vì chấp nhận giảm lương xuống. Điều này đồng nghĩa với việc chi phí lao động ở Mỹ sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao so với những quốc gia khác, đặc biệt là các nước châu Á.

So sánh với những cường quốc sản xuất khác
Chi phí lao động là một trong những yếu tố chính khi doanh nghiệp chọn địa điểm sản xuất. Mức tiền lương tương đối cao tại Mỹ là một trong những lý do thúc đẩy doanh nghiệp xây dựng nhà máy tại những nơi khác.
Theo tổng hợp của ông Torten Slok, kinh tế trưởng của công ty quản lý tài sản Apollo Global Management, tiền lương của người lao động trong ngành sản xuất Trung Quốc chỉ bằng 20% các đồng nghiệp ở Mỹ. Thậm chí tiền lương ở Ấn Độ chỉ bằng 3%.
Khi mở rộng phạm vi so sánh, tiền lương ở Mỹ cao hơn tất cả những quốc gia khác trong top 10 cường quốc sản xuất trên thế giới.
Dù thuế quan của ông Trump có khiến hàng hóa nhập khẩu vào thị trường Mỹ trở nên đắt đỏ hơn, doanh nghiệp cũng không thể dễ dàng quyết định mở cơ sở sản xuất tại Mỹ vì họ sẽ đối mặt với chi phí lao động cao hơn hẳn. Điều này đặc biệt đúng đối với những lĩnh vực mà tiền lương chiếm tỷ trọng cao trong chi phí sản xuất, ví dụ như dệt may.

Người Mỹ có sẵn sàng làm việc trong nhà máy?
Nước Mỹ ngày nay vẫn là một trong những trung tâm sản xuất toàn cầu, chỉ là họ bị Trung Quốc soán ngôi vương. Mỹ chiếm 15,4% sản lượng sản xuất toàn cầu, còn Trung Quốc là 28,8%.
Dù vậy, có vẻ việc số lao động trong ngành sản xuất giảm mạnh (từ mức đỉnh 19,5 triệu người trong năm 1979 xuống khoảng 13 triệu người 2023) khiến nhiều người lầm tưởng rằng ngành này đang thoái trào.
Do đó, có lẽ không có gì ngạc nhiên khi Viện Cato tiến hành khảo sát năm 2024, 80% người trả lời đồng ý nước Mỹ sẽ được lợi nếu có thêm người làm trong ngành sản xuất.

Tuy nhiên, điểm có phần khôi hài là trong số những người có ý kiến như vậy, chỉ 25% nhận định đời sống của mình sẽ tốt hơn nếu làm việc trong nhà máy thay vì chỗ làm hiện tại. Dù phân chia theo tầng lớp, trình độ học vấn hay sắc tộc, những người muốn làm việc trong ngành sản xuất cũng chỉ là thiểu số.
Ngay cả trong nhóm nhiệt tình nhất - những người thuộc độ tuổi từ 18 đến 29, cũng chỉ có 36% hứng thú với việc làm trong nhà máy.
Kết quả khảo sát trên phù hợp với dữ liệu của Cục Thống kê Lao động Mỹ. Vào tháng 1/2025, Mỹ có hơn 400.000 vị trí trống trong ngành sản xuất. Con số này chưa bao giờ giảm xuống dưới 300.000 trong khoảng một thập kỷ.
Tóm lại, người Mỹ thích ý tưởng người khác làm việc trong nhà máy, nhưng đa số lại muốn làm việc văn phòng hoặc bay nhảy ở nơi nào đó. Ngay cả Trung Quốc - đất nước vươn lên thành cường quốc thứ hai thế giới nhờ ngành sản xuất - cũng xuất hiện xu hướng người trẻ chán ghét công việc nhà máy.
Hàng trăm nghìn vị trí trống mãi không được lấp đầy là lý do Hiệp hội các nhà sản xuất quốc gia Mỹ cổ vũ việc mở rộng nguồn lao động nhập cư. Song, chính quyền ông Trump lại đang nỗ lực hạn chế nhập cư và tiến hành chiến dịch trục xuất lớn nhất trong lịch sử Mỹ.
Theo trang Visual Capitalist, ước tính Mỹ có hơn 6 triệu người lao động trái phép hoạt động trong nhiều lĩnh vực kinh tế khác nhau. Khoảng 870.000 người làm việc trong ngành sản xuất.
Việc trục xuất những người này sẽ khiến chênh lệch cung - cầu lao động trong ngành sản xuất ở Mỹ nới rộng, có khả năng khiến chi phí lao động đi lên đáng kể. Điều đó sẽ lại càng khiến doanh nghiệp ngần ngại dời hoặc mở nhà máy mới ở Mỹ.
Tuy thuế quan của ông Trump có thể đem đến một số lợi thế cho các nhà sản xuất trong nước, chúng không thể giúp giải quyết vấn đề về chi phí lao động. Chỉ riêng thuế quan khó có thể thuyết phục doanh nghiệp đổ xô xây dựng nhà máy và tạo ra những việc làm mới cho nước Mỹ như mong muốn của ông Trump.