|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

11 tỷ USD của Nga chìm nghỉm dưới đáy biển Baltic

12:33 | 04/04/2022
Chia sẻ
Đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 trị giá 11 tỷ USD từng là biểu tượng cho quan hệ hợp tác Đức - Nga nhưng hiện đang nằm ngâm mình dưới đáy biển Baltic, triển vọng tương lai cũng không mấy sáng sủa.

Một trong những nạn nhân đầu tiên của cuộc khủng hoảng địa chính trị tại Ukraine là đường ống năng lượng khổng lồ trị giá 11 tỷ USD có tên Dòng chảy phương Bắc 2 (Nordstream 2).

Nordstream 2 là đường ống dẫn khí đốt ngoài khơi, có chiều dài 1.234 km, được thiết kế để nâng gấp đôi dòng chảy khí đốt giữa Nga và Đức. Tuy nhiên, ngay cả trước khi Moscow tiến hành "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine, đường ống đã gặp nhiều trắc trở.

Bản đồ thể hiện tuyến đường của Nord Stream 1 và Nord Stream 2. (Nguồn: Gazprom, Global Energy Monitor).

Quá trình xây dựng Nordstream 2 bắt đầu vào năm 2018, đến tháng 9/2021 thì hoàn thành. Tuy nhiên, vào tháng 11/2021, các nhà quản lý của Đức đã tạm hoãn cấp chứng chỉ hoạt động cho đường ống. 

Tháng 2/2022, Nga quyết định công nhận độc lập của hai vùng ly khai tại miền Đông Ukraine, và đưa quân đội tràn qua biên giới. Hành động của Moscow buộc chính phủ Đức ngừng vô thời hạn quá trình cấp chứng chỉ cho đường ống Nordstream 2.

Bà Kristine Berzina, trưởng nhóm địa chính trị tại Quỹ Marshall Đức, nói với CNBC: “Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đã giết chết dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Nói tóm lại, sẽ không thể tưởng tượng được nếu Đức hoặc bất kỳ quốc gia châu Âu nào khác có thể nhắm mắt và cho phép đường ống này sau hành vi của Nga”.

Chiến sự tại Ukraine đã thúc đẩy EU chuyển hướng khỏi năng lượng của Nga. Khối này tuyên bố sẽ cắt giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga vào cuối năm 2022 và kế hoạch chấm dứt sự phụ thuộc nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu từ Nga vào năm 2030.

Nga đã đáp trả bằng cách đe dọa sẽ ngừng xuất khẩu khí đốt sang các quốc gia "không thân thiện" nếu thanh toán khí đốt không được thực hiện bằng đồng rúp. Nhóm 7 quốc gia công nghiệp phát triển (G7) đã từ chối yêu cầu này.

Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gay gắt, theo các nhà phân tích năng lượng, tương lai của Nord Stream 2 hiện không mấy xán lạn. Đường ống trị giá 11 tỷ USD này đã hoàn thành nhưng chưa vận chuyển một mét khối khí đốt nào, hiện đang bị bỏ không, nằm im một cách vô dụng dưới đáy biển.

‘Chết từ trong trứng nước’

Đường ống được xây dựng và vận hành bởi Nord Stream 2 AG, công ty con có trụ sở tại Thụy Sĩ của tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom. Tuy nhiên, dự án được đồng tài trợ bởi một số công ty châu Âu khác bao gồm Uniper của Đức, công ty hóa chất Wintershall Dea của công ty hóa chất BASF cũng như Engie, OMV và Shell.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp phương Tây rút hàng loạt khỏi Nga, các công ty năng lượng liên quan đến Nord Stream 2 buộc phải chấp nhận thua lỗ lớn. Vào đầu tháng 3, Wintershall Dea đã thông báo rằng họ sẽ xóa bỏ khoản tài trợ 1 tỷ EUR (1,1 tỷ USD) trong đường ống. OMV, Uniper và Shell cũng đã rút khỏi dự án.

Ông Richard Gorry, Giám đốc điều hành tại JBC Energy Asia, mô tả dự án như “chết từ trong trứng nước” khi nói chuyện với CNBC: “dự án chưa bao giờ thật sự ‘sống’ vì nó luôn ở trong tình trạng lấp lửng với những lý do liên quan đến chính trị hay quan liêu”.

Bản đồ tuyến đường Nord Stream 2 vẽ trên một trạm tiếp nhận tại Đức. (Ảnh: Bloomberg). 

Trong khi đó, cơ quan quản lý năng lượng của Đức, Bundesnetzagentur, tuyên bố rằng đường ống còn lâu mới có thể được chứng nhận.

“Điều kiện tiên quyết để Nord Stream 2 được chứng nhận là đánh giá tích cực từ Bộ Kinh tế và Hành động Khí hậu Liên bang rằng an ninh nguồn cung năng lượng không bị đe dọa”. Cơ quan quản lý Đức nói thêm rằng họ “không thể chứng nhận công ty vào thời điểm này” và việc vận hành đường ống mà không có chứng nhận là bất hợp pháp.

Ông Warren Patterson, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại ING, nói rằng việc Đức quay lưng lại với khí đốt của Nga chứng tỏ Nord Stream 2 đang mâu thuẫn với chính sách năng lượng của EU.

Ông nói thêm: “Kế hoạch của EU để độc lập với năng lượng của Nga trước năm 2030 đảm bảo rằng chúng ta khó có thể thấy khí đốt chảy qua đường ống”.

Số phận nằm tại chiến trường Ukraine

Số phận của Nord Stream 2 phần lớn sẽ được quyết định bởi kết quả của cuộc xung đột tại Ukraine. 

Có nhiều lo ngại rằng cuộc xung đột Ukraine ngày càng giống như một cuộc chiến tranh tiêu hao mà không ai chiến thắng. Trong khi đó, các cuộc đàm phán song phương để tìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn và hòa bình vẫn còn nhiều khó khăn.

Ông Henning Gloystein, giám đốc năng lượng, khí hậu và tài nguyên tại Eurasia Group, cho hay Nord Stream 2 “sẽ không được khởi động lại hoặc thông qua trừ khi cuộc xung đột đi đến hồi kết, đảm bảo hòa bình và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Đồng thời các hành động gây hấn của Nga trong tương lai không còn có thể xảy ra”.

 

Cảnh báo sớm

Đường ống dẫn khí Nord Stream 2 luôn gây tranh cãi kể từ khi Gazprom và một số công ty năng lượng châu Âu đồng ý xây dựng nó vào năm 2015.

Dưới thời cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel,  Nga và Đức đã khẳng định rằng đường ống dẫn khí đốt này là một liên doanh thương mại thuần túy và nó sẽ làm giảm giá khí đốt cho người tiêu dùng châu Âu. Tuy nhiên, việc dự án được bật đèn xanh chỉ một năm sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea đã khiến Berlin chịu nhiều chỉ trích.

Ông Wolfgang Ischinger, chủ tịch Hội đồng Tổ chức Hội nghị An ninh Munich và là một nhà cựu ngoại giao, cho biết: “Nhìn lại, nếu tất cả chúng ta đều thông minh hơn thì đã chưa bao giờ ký [thỏa thuận] Nord Stream 2 này”.

Ông Ischinger cho biết Berlin đã “nỗ lực lớn” để từ bỏ mối quan hệ kinh tế tốt đẹp giữa Nga và Đức, mối quan hệ đã mang lại dự án Nord Stream 2. Đức hiện đang thức tỉnh thực tế rằng “Nga bây giờ là đối thủ của chúng tôi”.

Việc cho rằng dự án đường ống là một ý tưởng tồi đã được nhiều bên cảnh báo, đặc biệt là Mỹ và các nước Đông Âu, bao gồm Ba Lan và Ukraine. Tất cả quốc gia trên đều nói rằng đường ống sẽ chỉ làm tăng sự phụ thuộc của Châu Âu vào nhập khẩu khí đốt từ Nga và giảm an ninh năng lượng khu vực. 

Nếu đường ống được thông qua, Ukraine có thể mất hàng tỷ USD phí vận chuyển khí đốt được Nga chi trả, trong khi Mỹ từ lâu đã để mắt đến việc tăng xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG) sang Châu Âu.

Trong những năm gần đây, sản lượng xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG) của Mỹ tăng vọt. 

Minh Quang

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.