|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Cấm vận kho vàng của Nga: Liệu nước đi của phương Tây có bị phản tác dụng?

18:41 | 03/04/2022
Chia sẻ
Theo oilprice.com, một số chuyên gia tin rằng lệnh cấm giao dịch vàng với Nga của phương Tây đang gây ra những phản ứng trái chiều, thay vì gây hại cho nền kinh tế Nga.

Cấm giao dịch vàng với Nga

Sau khi Nga động binh với Ukraine cách đây hơn một tháng, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã nhanh chóng áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế đối với đất nước của Tổng thống Vladimir Putin.

Điện Kremlin đáp trả bằng các lệnh cấm xuất khẩu hàng hóa đối với thiết bị viễn thông, dược phẩm, xe cộ, nông sản và thiết bị điện tử,… Hơn nữa, Moscow còn yêu cầu các quốc gia “không thân thiện” thanh toán khí đốt bằng đồng ruble.

Theo nhận định của oilprice.com, trong các biện pháp cấm vận của phương Tây, lệnh cấm giao dịch vàng với Nga là gây ra phản ứng trái chiều nhất.

Chính phủ Mỹ tuyên bố, bất kỳ giao dịch nào liên quan đến nguồn vàng của ngân hàng trung ương Nga đều chịu các biện pháp trừng phạt hiện hành và bất kỳ vi phạm nào đều có khả năng chịu thêm lệnh trừng phạt thứ cấp (secondary sanction).

 Nga đã tăng gấp 4 lần kho dự trữ vàng trong thập kỷ qua. (Ảnh minh họa: Pixabay).

Nga có kho dự trữ vàng trị giá khoảng 132 tỷ USD, tương đương khoảng 20% tổng tài sản do ngân hàng trung ương Nga nắm giữ. Sau khi hứng chịu các đòn trừng phạt vì vụ sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, Nga đã đẩy mạnh hoạt động thu mua vàng.

Kho dự trữ vàng quy mô hàng trăm tỷ USD, cùng với 630 tỷ USD dự trữ ngoại hối khác, có thể giúp tài trợ cho cỗ máy chiến tranh của Tổng thống Putin, truyền thông phương Tây cáo buộc.

Quyết định cấm giao dịch vàng của chính phủ Mỹ được thực hiện song song với một lệnh cấm khác của G7 và Liên minh châu Âu (EU), oilprice.com thông tin thêm. 

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov phản bác rằng lệnh cấm của phương Tây không khác gì “trò trộm cắp, trong khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Anton Siluanov tiết lộ hồi đầu tháng 3 rằng khoảng 300 tỷ USD tài sản của chính phủ Nga đã bị đóng băng.

Lệnh cấm phản tác dụng?

Một số chuyên gia không lạc quan rằng lệnh cấm giao dịch vàng với Nga sẽ mang lại hiệu quả, trong khi số khác tin rằng ông Putin cuối cùng sẽ có các biện pháp để đối phó với cấm vận của phương Tây.

Giới chức Mỹ ngày càng đồn đoán rằng Nga đang sử dụng lượng vàng dự trữ khổng lồ của mình để hỗ trợ đồng ruble nhằm tránh né tác động của các lệnh trừng phạt. Một trong các cách mà Moscow có thể dùng là đổi vàng lấy một loại ngoại hối có tính thanh khoản cao hơn và không chịu các lệnh trừng phạt hiện hành.

Một cách khác là bán vàng thỏi thông qua các thị trường giao dịch và đại lý kinh doanh vàng. Vàng cũng có thể được sử dụng để trực tiếp mua hàng hóa và dịch vụ từ những người bán có thiện chí.

Chia sẻ với MarketWatch, ông Brien Lundin, biên tập viên của tạp chí Gold Newsletter, bày tỏ: “Bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với kho dự trữ vàng của Nga đều ít nhiều cho thấy các quan chức chính phủ không hiểu về vị thế của kim loại quý này.

Khác với tiền tệ, điểm cuốn hút của vàng nằm ở chỗ nó là một kho lưu trữ giá trị không thể theo dõi được bằng các công cụ thông thường”.

“Nga có thể dễ dàng bán từng ít vàng ra thị trường. Với khối lượng lớn hơn, nước này có thể dễ dàng trao đổi với Trung Quốc mà không cần lo ngại giao dịch sẽ bị kiểm soát”, ông Lundin nói thêm. Hơn nữa, Trung Quốc có vẻ là một nước “đam mê mua vàng”.

Dù vậy, ông Jeff Wright - Giám đốc đầu tư tại quỹ đầu tư Wolfpack Capital, nói bán vàng để xoay xở có lẽ không phải lựa chọn hàng đầu của Nga vì đây có thể là tín hiệu cho thấy nền kinh tế địa phương đang sụp đổ.

Thay vào đó, để hỗ trợ đồng nội tệ và nền kinh tế, ông Putin nhiều khả năng sẽ tập trung bán dầu thô với mức giá chiết khấu với các nước thân cận như Trung Quốc và Ấn Độ, ông Wright nhận định.

Tuần trước, ông Putin đã chỉ thị cho các công ty dầu khí của Nga như Gazprom bán khí đốt cho các quốc gia “không thân thiện” bằng đồng ruble. Năm ngoái, khoảng 97% doanh số bán khí đốt ở nước ngoài của gã khổng lồ quốc doanh Gazprom là bằng đồng euro và USD.

Nói cách khác, Điện Kremlin có thể tận dụng sự phụ thuộc của phương Tây vào nguồn cung năng lượng của Nga để đáp trả các đòn cấm vận kinh tế, chứ không cần phải bán vàng để giải cứu đất nước trong tình cảnh khó khăn như Mỹ và đồng minh từng dự đoán.

Khả Nhân