Thiếu tiền cho ‘thịnh vượng chung’, Trung Quốc quay lại thúc đẩy tăng trưởng
Chuyển đổi ưu tiên
Theo Wall Street Journal, Trung Quốc đang dần thoái lui khỏi chiến lược “thịnh vượng chung”, một trong những sáng kiến chính sách quan trọng nhất của Chủ tịch Tập Cận Bình. Điều này cho thấy những khó khăn mà Bắc Kinh gặp phải khi muốn cơ cấu lại nền kinh tế và giảm thiểu bất bình đẳng trong nước.
Năm ngoái, ông Tập đã tích cực cổ vũ chương trình “thịnh vượng chung” giữa những lo ngại rằng giới tinh hoa đã hưởng hầu hết lợi ích từ đà bùng nổ kinh tế của Trung Quốc trong nhiều năm qua.
Khi đó, thịnh vượng chung là trụ cột cho nhiều chiến dịch chính sách của ông Tập, bao gồm cuộc trấn áp các công ty công nghệ bị cho là lợi dụng sức mạnh thị trường để kiếm lời.
Sang năm nay, mặc dù một phần của cuộc trấn áp lĩnh vực công nghệ vẫn tiếp diễn, các phần khác của chương trình đã ngưng lại. Giờ đây, Trung Quốc đang chuyển ưu tiên sang đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng.
Năm ngoái, cụm từ “thịnh vượng chung” dường như có mặt ở khắp nơi, trên truyền thông, trường học, bài phát biểu của ông Tập và các nhà lãnh đạo khác. Nghị quyết lịch sử thông qua trong cuộc họp của Đảng Cộng sản Trung Quốc mùa thu năm ngoái nhắc đến “thịnh vượng chung” tới 8 lần.
Năm nay, cụm từ chỉ xuất hiện đúng một lần trong báo cáo chính phủ dài 17.000 từ mà Thủ tướng Lý Khắc Cường công bố vào tháng 3. Báo cáo ngân sách mới nhất của Bộ Tài chính Trung Quốc cũng không đặt ra mục tiêu cụ thể để chính phủ trung ương phân bổ nguồn lực cho chiến dịch này.
Bắc Kinh đã rút bớt một số biện pháp liên quan tới chiến lược thịnh vượng chung. Tháng trước, chính phủ đã gác lại kế hoạch mở rộng thuế bất động sản dù số tiền thu được có thể tài trợ cho các chương trình phúc lợi xã hội. Giới tinh hoa và một số nhà hoạch định chính sách phản đối việc điều chỉnh thuế bất động sản vì lo ngại giá nhà sẽ giảm sâu hơn.
Một phần lý do thịnh vượng chung phai nhạt là các chính sách mới khiến chủ doanh nghiệp sợ hãi và làm chậm tăng trưởng. Trong khi đó, ông Tập lại đang cần nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ. Ông đang chuẩn bị cho các cuộc họp chính trị quan trọng vào cuối năm nay để tiếp tục giữ vững quyền lực.
- TIN LIÊN QUAN
-
Trung Quốc đặt cược 1.500 tỷ USD vào cắt giảm thuế để thúc đẩy tăng trưởng 22/03/2022 - 11:20
Nhưng các nhà kinh tế và học giả nhận định, ngày càng rõ rằng mục tiêu của chính sách thịnh vượng chung không thể đạt được nếu không có các thay đổi quyết liệt và đau đớn hơn nữa. Có vẻ chính ông Tập cũng không sẵn sàng ủng hộ sự đổi thay lớn đến vậy.
Những thay đổi cần thiết bao gồm cải tổ hệ thống thuế và phúc lợi. Theo Wall Street Journal, hệ thống thuế của Trung Quốc đặt phần lớn gánh nặng lên người lao động thu nhập thấp. Ý tưởng tăng thuế lên giới thượng lưu vấp phải phản đối lớn do những người này có nhiều mối quan hệ chính trị.
Căn bản, hệ thống thuế của Trung Quốc không thể huy động được đủ tiền để tài trợ cho giáo dục, y tế và các dịch vụ khác để tương xứng với tầm nhìn thịnh vượng chung của ông Tập. Rắc rối này có thể là nguyên nhân đằng sau việc Bắc Kinh kêu gọi các doanh nghiệp tư nhân và giới tài phiệt đóng góp nhiều hơn cho xã hội.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), thuế thu nhập cá nhân tương ứng với 1,2% GDP Trung Quốc, trong khi đó tỷ lệ này ở Mỹ và Anh là khoảng 10%. Nguồn thu từ đóng góp an ninh xã hội vào khoảng 6,5% GDP, thấp hơn hẳn mức trung bình 9% của các nước OECD.
Ông George Magnus, nhà kinh tế cộng tác với trung tâm Trung Quốc tại Đại học Oxford, cho biết: “Tất cả thay đổi này cần rất nhiều động thái chính trị. Tôi không nghĩ chính phủ Trung Quốc sẵn sàng thực hiện chúng”.
Mặt trái của thịnh vượng chung
Dữ liệu cho thấy bất bình đẳng giàu nghèo đã nới rộng và khả năng thăng tiến của người lao động đã chững lại kể từ khi Trung Quốc mở cửa kinh tế cho đến nay. Ông Tập coi những xu hướng này là mối đe dọa tới sự ổn định chính trị.
Tháng 1 năm ngoái, ông Tập nói với các quan chức rằng việc thực hiện chương trình thịnh vượng chung không thể chờ đợi được nữa. Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ sau làn sóng COVID-19 đầu tiên, các nhà hoạch định chính sách coi đây là cơ hội để xúc tiến các thay đổi vừa ý ông Tập.
Các quy định được ban hành sau đó chủ yếu tập trung vào siết chặt quản lý lên các ngành bị coi là tạo ra quá nhiều rủi ro tài chính hoặc trục lợi quá nhiều. Nhưng các nhà kinh tế nói rằng biện pháp của Bắc Kinh là không đủ để khuyến khích đổi mới hoặc cải thiện cơ hội cho tầng lớp trung lưu và thấp hơn.
Việc Trung Quốc siết quy định đối với các nhà phát triển bất động sản đã làm giảm hành vi vay nợ liều lĩnh của doanh nghiệp trong ngành, nhưng lại góp phần khiến giá nhà đất lao dốc. Trấn áp các công ty công nghệ và dạy thêm giúp giảm bớt hành vi độc quyền, nhưng lại khiến nhân công trong ngành bị sa thải hàng loạt. Hàng tỷ USD vốn hóa thị trường của doanh nghiệp Trung Quốc bị xóa sổ.
Hệ quả là, tốc độ tăng trưởng chung chậm lại. Nhiều nhà kinh tế giờ đây cảnh báo Trung Quốc khó mà đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,5% do chính phủ đặt ra cho năm 2022.
Các công ty công nghệ và lãnh đạo doanh nghiệp đã cam kết đóng góp hàng tỷ USD cho chương trình thịnh vượng chung. Nhưng các nhà kinh tế nói rằng những món quà chỉ cho đi một lần như vậy không thể tạo ra động lực bền vững cần thiết cho thay đổi xã hội lâu dài. Trong khi đó, thiệt hại từ các chính sách hà khắc có thể kéo dài suốt nhiều năm.
Với tăng trưởng giảm tốc nhanh hơn dự kiến, vào tháng 3, Phó Thủ tướng Lưu Hạc đã trấn an rằng những động thái quản lý tiếp theo sẽ “minh bạch và dễ đoán hơn”.
Một số nhà kinh tế cho rằng Trung Quốc có thể hồi sinh chiến lược thịnh vượng chung sau cuộc họp quốc hội mùa thu năm nay nếu tăng trưởng phục hồi mạnh mẽ. Nhưng không rõ liệu ông Tập có ý định thực hiện các bước đi triệt để hơn để giúp người dân được hưởng thêm lợi ích khi kinh tế tăng trưởng hay không.