Ông Tập chật vật khôi phục lòng tin của nhà đầu tư toàn cầu
E ngại tài sản Trung Quốc
Năm ngoái, chính quyền của ông Tập dường như không có chút bận tâm nào tới nhà đầu tư quốc tế khi siết chặt quản lý lên các công ty sinh lời nhất của Trung Quốc. Kết quả là thị trường rơi vào hỗn loạn và các cổ đông lỗ đau đớn.
Đầu tháng này, giới chức quản lý tại Bắc Kinh đã hứa hẹn rằng các chính sách trong tương lai sẽ trở nên minh bạch và dễ đoán hơn, nhưng họ vẫn chưa làm được.
Sự cảnh giác đối với thị trường Trung Quốc càng gia tăng sau khi Nga tấn công Ukraine, chỉ vài tuần sau khi Chủ tịch Tập và Tổng thống Nga Putin củng cố mối quan hệ song phương tại một hội nghị ở Bắc Kinh.
Theo Bloomberg, nhà đầu tư toàn cầu lo sợ chính quyền ông Biden sẽ giáng những hình phạt tương tự vào Trung Quốc, tuy các quan chức Mỹ nói rằng Trung Quốc vẫn tuân thủ các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Giá tài sản tại Trung Quốc đang rất rẻ. Các cổ phiếu thuộc chỉ số MSCI China đang được giao dịch với mức chiết khấu cao nhất so với các cổ phiếu quốc tế trong hơn 20 năm trở lại. Nhưng với nhiều nhà đầu tư, rủi ro của việc sở hữu cổ phiếu Trung Quốc lớn hơn cả tiềm năng.
Bi kịch khi đầu tư tại Nga, nơi mà các biện pháp trừng phạt và kiểm soát dòng vốn khiến tài sản của nhà đầu tư quốc tế trở nên mất giá, khiến nhiều người thay đổi cách nhìn về Trung Quốc.
Ông Daniel Murray, CEO công ty quản lý tài sản EFG Asset Management với quy mô 50 tỷ USD, cho biết: “Các tài sản Trung Quốc đang có rủi ro chính trị rất lớn. Khi tỉnh dậy, có khi bạn sẽ phát hiện rằng Trung Quốc vừa làm gì đó khiến mọi chuyện trở nên cực kỳ phức tạp, ví dụ như cung cấp vũ khí quân sự cho Nga”.
“Chủ tịch Tập thuộc kiểu nguyên thủ mạnh bạo và hiện tại những nhà lãnh đạo như vậy không được nhà đầu tư yêu thích”, ông Murray nói.
Phục hồi không bền vững
Sự quay lưng của dòng vốn toàn cầu càng làm tăng thêm những rủi ro mà ông Tập phải đối mặt hiện nay. Cùng lúc này, đà lây lan của COVID-19 và sự suy yếu của thị trường bất động sản đang làm tổn thương triển vọng của nền kinh tế thứ hai thế giới.
Biến động trên nhiều mặt trận có nguy cơ sẽ gây hại cho nền kinh tế thực, ngay trước cuộc họp quan trọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, sự kiện được cho là sẽ xác nhận nhiệm kỳ thứ ba của ông Tập.
Nỗi lo dòng vốn tháo chạy đang gia tăng. Viện Tài chính Quốc tế nhận thấy dòng vốn rời khỏi Trung Quốc đã gia tăng “chưa từng có” kể từ khi Nga tấn công Ukraine.
Công ty dữ liệu EPFR Global cho biết trong tuần thứ ba của tháng 3, lượng đăng ký bán chứng chỉ quỹ cổ phiếu Trung Quốc đã đạt mức cao nhất kể từ đầu 2021. Trong khi đó, dòng tiền chảy ra khỏi các quỹ trái phiếu lần đầu tiên vượt mốc 1 tỷ USD.
Các cổ phiếu Trung Quốc niêm yết ở thị trường nước ngoài từng có đợt giảm sâu. Tuy nhiên, đợt náo loạn này đã tạm thời ngưng lại sau khi Bắc Kinh ban hành một loạt chính sách để trấn an nhà đầu tư.
Các cam kết mới của Bắc Kinh bao gồm việc đảm bảo sự ổn định trên thị trường vốn, ủng hộ niêm yết tại nước ngoài, giải quyết rủi ro xung quanh các công ty phát triển bất động sản và hoàn thành chiến dịch siết quản lý lên Big Tech Trung Quốc trong thời gian “nhanh nhất có thể”.
Song, ông Gilbert Wong, chuyên gia của Morgan Stanley, cảnh báo: “Đà phục hồi được thúc đẩy bởi tâm lý đầu cơ của thị trường chứng khoán Trung Quốc khó có thể kéo dài. Đà tăng được tạo ra bởi các khoản đầu tư ngược xu hướng thị trường và hoạt động làm đẹp báo cáo tài chính cuối quý”.
“Morgan Stanley khuyên nhà đầu tư nên chốt lời ngay và phòng vệ trước đợt biến động lớn của thị trường trong quý II", ông Wong lưu ý.
Sự phục hồi của cổ phiếu Trung Quốc là một trong các dự báo phổ biến nhất trong giới chuyên gia Phố Wall trước thềm năm 2022. Nhưng các vị chuyên gia đã đánh giá quá cao mức độ sẵn lòng đầu tư vào Trung Quốc của các quỹ toàn cầu.
Trong một lưu ý ngày 24/3, Morgan Stanley viết rằng những nhà đầu tư chuyên đặt cược vào giá tăng và có mục tiêu đầu tư toàn cầu giờ chỉ phân bổ 2% tỷ trọng danh mục vào Trung Quốc và Hong Kong.
Các nhà đầu tư lạc quan lập luận rằng các kích thích kinh tế của Bắc Kinh trong thời gian là lý do nên sở hữu cổ phiếu Trung Quốc. Nhưng các quan chức vẫn cẩn trọng với việc bơm thêm tiền. Trong tháng 3, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã bất ngờ duy trì thay vì giảm lãi suất chính sách mặc cho các công cụ chính sách tiền tệ khác đang mất dần hiệu quả.
Cam kết của ông Tập là giảm thiểu thiệt hại kinh tế từ chiến lược Zero COVID ngày càng có vẻ khó thực hiện. Ước tính việc phong tỏa các thành phố như Thâm Quyến và Thượng Hải khiến Trung Quốc mất 46 tỷ USD sản lượng kinh tế mỗi tháng, tương đương 3,1% GDP.
Ông Thomas Thygesen, trưởng nhóm chiến lược đầu tư của tập đoàn tài chính SEB, nhận định: “Giới chức Trung Quốc hứa hẹn hỗ trợ kinh tế nhưng cho đến nay vẫn chưa tung ra kích thích mới nào. Có lẽ đây là yếu tố chính khiến dòng vốn rời đi”.