Phương Tây có cần lo ngại sức mạnh kinh tế của Trung Quốc?
Một khu mua sắm tại Thượng Hải ngày 21 tháng 1. (Ảnh: Reuters).
Cuộc xung đột căng thẳng đang diễn ra tại Ukraine đã làm gia tăng lo ngại về nguy cơ Chiến tranh Lạnh tái diễn, hình thành một trật tự thế giới mới theo kiểu Nga và Trung Quốc liên thủ để chống lại Phương Tây.
Nhưng cho đến nay có thể thấy cuộc chiến đã trở thành một thảm họa đối với Nga, khiến cho quân đội của nước này bị hạ thấp, nền kinh tế bị tê liệt và Liên minh châu Âu đang trở nên mạnh mẽ về mặt địa chính trị hơn bao giờ hết. Có vẻ như Tổng thống Vladimir Putin đã có một bước đi sai lầm.
Còn Trung Quốc thì sao? Trung Quốc không phải là Nga xét ở bất kỳ phương diện nào, kể cả trong quan hệ một chiều với phương Tây.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng này cho thấy nguy cơ vô cùng đáng sợ sẽ xảy ra chiến tranh giữa các cường quốc vũ trang hạt nhân và thế giới phải chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất, đồng thời cần có hành động để ngăn chặn nó.
Một bài học nữa từ khủng hoảng đó này là không đánh giá quá cao đối thủ và những thách thức hiện hữu. Trước khi xung đột nổ ra, Phương Tây cho rằng quân đội Nga quá hùng mạnh và Ukraine sẽ thất thủ trong vài ngày. Thực tế là sau một tháng giao tranh, Nga đang bế tắc và Ukraine vẫn đứng vững.
Nga chắc chắn vẫn là một nền kinh tế nhỏ bé và chỉ là cái bóng của Liên Xô trước đây. Không thoát khỏi cái bóng đó đã khiến nền kinh tế này suy yếu và dễ bị tổn thương trước các lệnh trừng phạt mạnh mẽ của phương Tây. Ngược lại, nền kinh tế Trung Quốc lớn hơn Nga khoảng 10 lần và đã vượt xa sức mạnh kinh tế mà Liên Xô từng xây dựng được trong tương quan với Mỹ.
Thêm nữa, nhiều người tin rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh trong nhiều thập kỷ tới. Tính toán của tỷ phú Ray Dalio – Nhà sáng lập quỹ đầu cơ lớn nhất thế giới Bridgewater đã chỉ ra rằng với quy mô dân số khổng lồ thì đến một lúc nào đó nền kinh tế Trung Quốc sẽ lớn gấp đôi so với Mỹ, và có thể mức thu nhập đầu người của nước này sẽ nhanh chóng bắt kịp Mỹ.
Dự đoán có ý nghĩa quan trọng trong việc định hình các quyết định và hành vi của các nhà đầu tư, doanh nghiệp, chính phủ và quốc gia. Nếu các chính phủ phương Tây có thể đánh giá đúng sự yếu kém về kinh tế và quân sự của Nga từ trước, một diễn biến rất khác có lẽ đang xảy ra.
Hiện nay, theo các luồng dự đoán chính thống thì Trung Quốc chắc chắn sẽ trở thành một khối kinh tế thực thụ, một mình vượt lên trên sức mạnh tập thể của Nhóm các nước G7 và gần như tương đương với toàn bộ phương Tây gộp lại.
Một đối tác Nga suy yếu sẽ không quan trọng lắm đối với Trung Quốc hùng cường như vậy. Trung Quốc có nền tảng sức mạnh kinh tế có thể hoàn toàn thống trị thế giới về tài chính, công nghệ và thậm chí cả quân sự.
Nhưng đây có thực sự là kịch bản dễ xảy ra nhất? Việc xem xét kỹ hơn các nền tảng cơ bản về tăng trưởng của Trung Quốc cho thấy câu trả lời là không. Lực lượng lao động Trung Quốc đang bị thu hẹp nhanh chóng, và trong một vài thập kỷ tới, Bắc Kinh hầu như không thể làm gì để thay đổi đáng kể tình hình này.
Tăng trưởng của Trung Quốc cũng cần đến nguồn vốn lớn. Tuy nhiên, vấn đề đầu tư nhà ở hiện đang bước vào giai đoạn suy giảm về cơ cấu trong khi đầu tư cơ sở hạ tầng đã chạm ngưỡng giới hạn. Ngay cả đóng góp của đầu tư doanh nghiệp vào tăng trưởng vĩ mô cũng sẽ giảm mạnh, trừ khi tốc độ tăng năng suất nhanh hơn.
Nhưng tốc độ tăng năng suất của Trung Quốc đang giảm và có thể sẽ tiếp tục giảm. Tình trạng này có thể được dự đoán trước một phần khi nền kinh tế Trung Quốc đang chín muồi và những cơ hội dễ dàng cứ ít dần đi.
Công nhân sản xuất búp bê nhồi bông tại một nhà máy ở Tĩnh Giang vào ngày 8/2: Mức tăng trưởng năng suất của Trung Quốc đang giảm. (Ảnh: Chinatopix/AP).
Trung Quốc còn phải đối mặt với vô vàn khó khăn nữa. Không như những quốc gia Đông Á phát triển thần kỳ trước đó, quy mô và địa chính trị của Trung Quốc cho thấy nước này không thể tiếp tục hưởng lợi từ việc tiếp cận tương đối dễ dàng với các thị trường xuất khẩu cũng như công nghệ toàn cầu.
Do đó, Trung Quốc đang hướng tới phụ thuộc nhiều hơn vào tiêu dùng nội địa và những đổi mới ở trong nước. Những thay đổi này có thể cần thiết nhưng lại làm chậm tốc độ tăng trưởng và năng suất, đồng thời hạn chế những tiến bộ cũng như cải cách kinh tế trọng yếu.
Nhìn từ góc độ vĩ mô, nghiên cứu mới của Viện Lowy dự đoán tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ chậm lại đáng kể trong thập kỷ tới, chỉ còn khoảng 3% một năm vào năm 2030, chưa bằng một nửa tốc độ trước đại dịch. Trong ba thập kỷ từ nay đến năm 2050, Viện Lowy dự đoán tăng trưởng có thể chỉ đạt trung bình khoảng 2-3% một năm.
Dự đoán này không dựa trên việc Trung Quốc đang suy yếu. Nó chỉ đơn giản phản ánh những thực tế cốt lõi của tình hình kinh tế Trung Quốc, ngay cả khi giả định các chính sách phần nào đó vẫn thành công.
Tất nhiên, về mặt lý thuyết Trung Quốc vẫn có tiềm năng làm tốt hơn. Nhưng như vậy sẽ đòi hỏi phải vượt xa thành tích từng làm được trước đó về mặt cải cách. Thời gian qua, quá trình cải cách của Trung Quốc là rất ấn tượng nhưng vẫn còn nhiều hạn chế rõ ràng.
Trong khi đó, Trung Quốc dễ sẽ khiến tình hình tệ đi do sự kết hợp tai hại giữa tăng trưởng chậm lại và các lỗ hổng tài chính nghiêm trọng sau hơn một thập kỷ mở rộng tín dụng nhanh.
Giả sử đoàn tàu kinh tế Trung Quốc không bị trật bánh sớm, nghiên cứu của Viện Lowy cho thấy Trung Quốc có thể vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới tính theo USD danh nghĩa vào khoảng năm 2030. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không bao giờ tạo được một cách biệt đáng kể.
Đúng là Trung Quốc có thể sẽ trở thành một đối thủ ngang hàng thực sự với Mỹ, nhưng đất nước tỷ dân không có mạng lưới đồng minh và đối tác như Mỹ, cũng không sở hữu nền tảng sức mạnh kinh tế có thể cạnh tranh với phương Tây về mặt tài chính, công nghệ hay quân sự. Điều này càng đúng hơn khi ông Putin dường như đã đánh thức siêu cường đang ngủ yên là Liên minh châu Âu.