|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

NFT vẫn là vùng xám ở Trung Quốc, các ông lớn Tencent và Alibaba hết sức cẩn trọng

10:14 | 29/03/2022
Chia sẻ
Tencent, Alibaba được cho là đang thắt chặt các quy tắc nền tảng về sưu tầm kỹ thuật số vì NFT vẫn là một vùng xám ở Trung Quốc, điều này sẽ giúp họ tránh được các rủi ro từ quy định của chính phủ.

Tencent Holdings và Alibaba Group Holding đang thắt chặt các quy tắc áp dụng cho các mã thông báo không thể thay thế (NFT) trên nền tảng của họ, vì các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc thực hiện các biện pháp phủ đầu để tránh bị giám sát đối với các mã thông báo - được gọi là đồ sưu tầm kỹ thuật số trong nước. Nguyên nhân là NFT vẫn hoạt động trong một vùng xám, chưa có quy định và luật pháp rõ ràng, theo SCMP.

Ông công nghệ lớn của Trung Quốc Tencent và Alibaba còn dè dặt với NFT

Trong điều khoản dịch vụ mới được cập nhật, Jingtan, chi nhánh Ant Group của nền tảng Alibaba cho biết rằng họ sẽ “cảnh báo cảnh sát và giao [chi tiết] cho cơ quan tư pháp” nếu người dùng bị phát hiện đang tổ chức các giao dịch bên ngoài nền tảng theo những cách cấu thành hoạt động tội phạm.

 Cả Tencent và Alibaba đều đang thắt chặt chính sách với các nền tảng NFT của mình. (Nguồn: ULTCoin365)

Công ty cho biết, những người mua sử dụng phần mềm chuyên dụng để lấy các bộ sưu tập kỹ thuật số NFT trong quá trình bán hàng hoặc những người tham gia vào các hoạt động rửa tiền và gian lận, cũng sẽ bị báo cáo với cơ quan chức năng.

Từ phía Alibaba, tập đoàn chưa đưa ra thông báo chi tiết về vấn đề này.

Trong một diễn biến khác, siêu ứng dụng đa năng WeChat được vận hành bởi gã khổng lồ mạng xã hội và trò chơi Tencent, trong vài tuần qua đã cấm một số chương trình nhỏ cung cấp đồ sưu tầm kỹ thuật số NFT.

Trong số những thứ bị cấm có West Lake No 1, một chương trình mini sưu tầm kỹ thuật số được cung cấp bởi nhà sản xuất sản phẩm lụa Wensli có trụ sở tại Hàng Châu, Thâm Quyến. Một tuyên bố được đưa ra hồi tuần trước, West Lake No 1 cho biết WeChat biện minh cho lệnh cấm bằng cách nói rằng các bộ sưu tập kỹ thuật số nằm trong danh mục dịch vụ chương trình nhỏ vẫn chưa được “mở cửa”. Công ty nói thêm rằng họ hiện đang làm việc để phát hành một trang web và một ứng dụng riêng biệt.

Dongyiyuandian và TheOne.art, 2 đơn vị bán đồ sưu tập kỹ thuật số NFT khác cũng bị WeChat cấm các chương trình nhỏ của họ trong vài tuần qua, vì lý do tương tự. Tencent là công ty vận hành nền tảng NFT Huanhe của riêng mình như một ứng dụng độc lập cũng đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

Trung Quốc cho đến nay vẫn chấp nhận các hoạt động xung quanh NFT, là dữ liệu được lưu trữ trên một blockchain đại diện cho tính duy nhất và quyền sở hữu của tài sản kỹ thuật số. Tuy nhiên, thực tế thì chính phủ nước này cũng đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về bong bóng và rủi ro đầu cơ xung quanh tài sản này và các công ty Trung Quốc đã rất thận trọng khi tham gia lĩnh vực NFT.

 Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo về bong bóng đầu cơ NFT. (Nguồn: Watcher Guru)

Không giống như những quốc gia khác, NFT được định giá và bán ở Trung Quốc bằng đồng nhân dân tệ thay vì sử dụng tiền điện tử. Các nền tảng cũng không cho phép bán lại mã thông báo sau khi chúng được mua.

Trên Jingtan của Alibaba, người mua được phép chuyển NFT cho người dùng khác miễn phí với điều kiện họ đã nắm giữ các mã này trong ít nhất 180 ngày. Vào tháng 2, sau khi phát hiện ra rằng một số người mua đang cố gắng bán NFT của họ một cách riêng tư trên các nền tảng khác, Jingtan đã hạn chế quyền truy cập của 56 người dùng vào chức năng chuyển giao của nền tảng.

Bên cạnh đó, cả Jingtan của Alibaba và Huanhe của Tencent đều yêu cầu người mua đăng ký bằng tên thật của họ. Đây được coi là một biện pháp kiểm soát khá hữu hiệu tránh trường hợp vi phạm luật.

Trung Quốc cũng đã cấm hoàn toàn hoạt động khai thác và giao dịch bitcoin, tiền điện tử vào tháng 9 năm ngoái. Do đó, đối với những tài sản giá trị nhưng chưa có quy định rõ ràng như NFT, cũng dễ hiểu vì sao các công ty – bao gồm cả những Big Tech Trung Quốc đều phải dè chừng.

Thu Phương