Tăng trưởng ì ạch dưới cái bóng của Alibaba, đã đến lúc Lazada lấy lại phong độ trong cuộc đua với Shopee
Một ngày trước khi Alibaba công bố kết quả hoạt động kinh doanh mới nhất của mình vào ngày 24/02, một báo cáo của Bloomberg cho biết Alibaba đã dừng đàm phán gọi vốn 1 tỷ USD cho Lazada trong vòng gọi vốn tiền IPO với nguyên nhân đến từ bất đồng về định giá.
Việc Lazada có thể sẽ tách ra khỏi Alibaba không phải một điều bất ngờ. Có nhiều dấu hiệu cho thấy Alibaba đang muốn tăng thêm quyền lực cho các "CEO mini" trong bối cảnh cạnh tranh tăng mạnh, theo WSJ. Tờ báo nói rằng mảng kinh doanh của Alibaba tại nước ngoài (Lazada và Trendyol) có thể đã "chín muồi để tách ra trong tương lai".
Trong quý IV/2021, Alibaba ghi nhận tăng trưởng doanh thu chậm nhất kể từ khi thực hiện IPO vào năm 2014. Giá cổ phiếu của hãng cũng lao dốc trong bối cảnh chính Trung Quốc thắt chặt hoạt động của các "ông lớn" công nghệ.
Lazada, mặc dù đã bị Shopee vượt qua ở Đông Nam Á, có thể là chìa khoá tăng trưởng của Alibaba trong tương lai. Thế nhưng, điều này chỉ có thể xảy ra khi Lazada không bị bó buộc vào "ông lớn" này.
Kỳ vọng lớn hơn cho Lazada?
Tháng này, Lazada sẽ kỉ niệm 1 năm thành lập và một nửa trong số 10 năm đó, Lazada hoạt động dưới trướng Alibaba. Sau đợt thâu tóm năm 2016, các mâu thuẫn, xung đột về văn hoá và việc thường xuyên thay đổi lãnh đạo cấp cao đã khiến Lazada tăng trưởng ì ạch. Dù vậy, Alibaba đang thực hiện nhiều nỗ lực để thay đổi điều này.
Cuối năm 2021, Alibaba bổ nhiệm ông Jiang Fan vào vị trí lãnh đạo mảng thương mại điện tử quốc tế, bao gồm Lazada, Alibaba.com và AliExpress. Trước đây, ông là người lãnh đạo Taobao và Tmall, 2 sản phẩm thành công nhất của Alibaba.
Trước khi ông Jiang chính thức nhận vị trí này vào ngày 1/1 năm nay, mảng kinh doanh quốc tế của Alibaba cực kỳ "hỗn loạn", theo truyền thông Trung Quốc. Tech in Asia từng tính toán rằng Alibaba đã bơm khoảng 4,4 tỷ USD vào Lazada trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến 2020. Đây là con số lớn nhưng vẫn thấp hơn con số 6,6 tỷ USD đầu tư vào Đông Nam Á của Shopee trong cùng kỳ.
Khoản đầu tư nói trên được thực hiện trước khi Alibaba bị thắt chặt quản lý tại Trung Quốc. Trong vài quý trở lại đây, việc phụ thuộc vào tăng trưởng nước ngoài trở nên quan trọng hơn với Alibaba. Tháng 12 năm ngoái, Alibaba lần đầu tiên công bố các số liệu quan trọng liên quan đến TMĐT Đông Nam Á. Alibaba cho biết đã ghi nhận 21 tỷ USD tổng giá trị hàng hoá giao dịch (GMV) trong 1 năm tính đến tháng 9/2021.
Cùng thời điểm, ông Chun Li, CEO Lazada Group, cam kết sẽ tăng trưởng GMV Lazada lên tới 100 tỷ USD song không nêu cụ thể về mốc thời gian cho mục tiêu này.
Định giá có tiềm năng tăng mạnh
Trong đợt cáo cáo kết quả hoạt động kinh doanh gần nhất, ông Daniel Zhang, chủ tịch và CEO Alibaba nhấn mạnh rằng "thị trường chưa đặt đủ giá trị cho mô hình kinh doanh của Alibaba".
Ở thời điểm vốn hoá đạt đỉnh năm 2020, Alibaba được định giá khoảng 840 tỷ USD, tương đương 12 lần doanh thu năm 2020. Kể từ thời điểm đó, Alibaba đã mất 560 tỷ USD giá trị vốn hoá, theo tính toán của Tech in Asia. Lúc này, vốn hoá trên doanh thu của nó chủ đạt 2,1x, thấp hơn nhiều so với các công ty công nghệ Đông Nam Á.
Các nhà đầu tư có thể sẽ áp dụng một mức chỉ số cao hơn cho Lazada nếu như nó tách ra khỏi Alibaba vì mảng TMĐT Đông Nam Á đang tăng trưởng nhanh hơn Trung Quốc. Trong quý IV/2021, Lazada ghi nhận tăng trưởng đơn hàng so với cùng kỳ lên tới 52%. Cùng kỳ, Taobao và Tmall chỉ ghi nhận tăng trưởng 1 con số.
Môi trường quản ý cho các công ty công nghệ lớn ở Đông Nam Á cũng nhẹ nhàng hơn Trung Quốc. Với các lý do này, Lazada nhiều khả năng sẽ được định giá cao hơn mốc 2,1x doanh thu. Mức định giá tương đương như Sea (6,1x doanh thu) có thể mang lại lợi ích lớn cho Alibaba và các cổ đông.
Cũng không thể không nhắc đến việc, Trendyol, mảng TMĐT của Alibaba tại Thổ Nhĩ Kỳ, cũng có thể sẽ IPO trong năm nay. Alibaba đang có 80 tỷ USD tiền mặt và tương đương tiền mặt, cao hơn gấp 10 lần những gì Sea có. Bên cạnh đó, Alibaba cũng chưa thực hiện gọi vốn tích cực. Với một đội ngũ quản trị nhanh nhẹn hơn, liệu Alibaba có thể có một chiến lược khai thác vốn nhanh và hiệu quả hơn không?
Rui Ma, người sáng lập Tech Buzz China, đồng quan điểm rằng một trong những lợi ích của việc Lazada tách ra khỏi Alibaba là khả năng khai thác vốn nhnah hơn. "Tôi cho rằng tách độc lập công ty con là một chiến thuật thường gặp đối với các công ty Trung Quốc", bà chia sẻ.
Những yếu tố bất định
Tại quê nhà, áp lực quản lý với Alibaba chưa có dấu hiệu kết thúc. Trong khi đó, chiến sự Nga – Ukraine cũng ảnh hưởng đến AliExpress, sàn giao dịch TMĐT được truy cập nhiều nhất ở Nga trong năm 2021. Điều này tiếp tục nhấn mạnh Đông Nam Á là một khoản đầu tư an toàn với Alibaba.
"Vốn cho các cổ phiếu công nghệ Trung Quốc cạn dần ở thị trường Hong Kong và Mỹ. Alibaba muốn tìm kiếm giá trị từ mảng kinh doanh tại Đông Nam Á và lựa chọn các hình thức gọi vốn thay thế như SPAC", Jason Yap, một nhà phân tích độc lập của Smartkarma, nói. "Lazada là cái tên đủ quen thuộc để thu hút các nhà đầu tư tại Đông Nam Á".
Theo ông Yap, vào năm 2025, Lazada có thể đóng góp thu nhập hoạt động của Alibaba lên tới 626 triệu USD.
Giả sử thị trường định giá Lazada theo tỷ lệ 6,1x doanh thu, giá trị của Lazada có thể lên tới gần 21 tỷ USD. Tech in Asia hiểu rằng Lazada từng được định giá gần 4,3 tỷ USD cách đây khoảng vài năm. Hiện tại, định giá rơi vào khoảng 9 tỷ USD. ĐỊnh giá tăng khoảng gấp đôi sau 3 năm là một dự đoán có cơ sở.
Bloomberg nói rằng Alibaba muốn tách Lazada ra độc lập và có thể sẽ cố gắng gọi vốn khi điều kiện thị trường thuận lợi hơn. Ông Zhang cũng nhấn mạnh rằng Alibaba sẽ "giữ quan điểm cởi mở" sau khi tách các công ty con đồng thời thu hút thêm "nhóm nhà đâuf tư đa dạng hơn".
Yap cho rằng Lazada cần nhiều nguồn lực để cạnh tranh với Shopee nhưng "đầu tư từ công ty mẹ có thể khó khăn với những vấn đề mà chính Alibaba phải đối mặt tại quê nhà". Cùng lúc, Sea cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Shopee Pháp vừa đóng cửa, trong khi đó Free Fire bị cấm ở Ấn Độ.
Đây có thể là cơ hội để Lazada vượt lên, đặc biệt là ở các thành phố lớn nơi Lazada đầu tư mạnh về hạ tầng logistics. Vấn đề nằm ở chỗ nó phải hành động nhanh.
"Tôi nghĩ IPO sẽ mang lại lợi ích cho cả Alibaba và Lazada", Jianggan Li, CEO và người sáng lập Momentum Works, nhận định. "Lazada có nền tảng và giá trị vững chắc để khai phá nếu nhiều nhà đầu tư hơn gia nhập và đội ngũ có trách nhiệm hơn".