|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Dụng ý của Bắc Kinh đằng sau cuộc bán tháo 96 tỷ USD của Big Tech Trung Quốc

13:01 | 22/02/2022
Chia sẻ
Ba gã khổng lồ công nghệ mất hơn 90 tỷ USD giá trị thị trường trong hai ngày khi chính phủ Trung Quốc hành động để giảm bớt áp lực cho các doanh nghiệp nhỏ.
Dụng ý của Bắc Kinh đằng sau cuộc bán tháo 96 tỷ USD Big Tech Trung Quốc - Ảnh 1.

Tài xế giao đồ ăn của Meituan. (Ảnh: Bloomberg).

Sau đợt trấn áp nặng nề lên các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc, Phố Wall đang đồn đoán bao giờ Bắc Kinh sẽ dừng tay. Giá trị của câu hỏi này đối với giới đầu tư Trung Quốc là 96 tỷ USD – và có thể còn hơn thế nữa.

Đợt bán tháo mới nhất của các cổ phiếu công nghệ trụ cột là lời nhắc nhở rằng điều xấu nhất còn chưa kết thúc. Hôm 18/2, chính phủ Trung Quốc nói rằng các nền tảng giao đồ ăn trực tuyến nên giảm phí đánh vào doanh nghiệp, khiến cổ phiếu của công ty đầu ngành Meituan ngã nhào.

Trong khi đó, Văn phòng Kiểm toán Quốc gia Trung Quốc yêu cầu doanh nghiệp nhà nước tiết lộ giá trị chịu rủi ro tài chính liên quan tới công ty fintech Ant của Alibaba. Đầu tuần, Tencent lao dốc trước tin đồn rằng các quy định quản lý sẽ bị siết chặt hơn nữa. Tencent phủ nhận tin đồn này.

Chỉ trong hai phiên giao dịch, "3 cây ATM" của chứng khoán Trung Quốc – Alibaba, Tencent và Meituan – mất khoảng 95,7 tỷ USD vốn hóa. Tính đến cuối phiên 21/2, chỉ số công nghệ Hang Seng giảm 6,1% so với đầu năm.

Theo Bloomberg, dấu hiệu cho thấy chiến dịch trấn áp công nghệ của Trung Quốc khó có thể được nới lỏng sau vài quý. Thay vào đó, khi cú thúc "thịnh vượng chung" của Chủ tịch Tập Cận Bình gặp trở ngại, mọi đơn vị sản xuất của xã hội, từ Bộ Tài chính đến các doanh nghiệp lớn, sẽ được kêu gọi hy sinh.

Hãy thử xem xét áp lực quản lý lên Meituan. Đằng sau chỉ thị mới nhất của Bắc Kinh là sự thừa nhận ngầm rằng các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ của Trung Quốc đang chật vật trong mùa đông dài khó khăn vì chính sách Zero COVID của chính phủ. 

Doanh nghiệp nhỏ, thường trong ngành bán lẻ, nhà hàng và du lịch, luôn chịu ảnh hưởng đặc biệt nặng nề do các đợt phong tỏa vì COVID-19.

Dụng ý của Bắc Kinh đằng sau cuộc bán tháo 96 tỷ USD của Big Tech Trung Quốc - Ảnh 2.

Khảo sát hàng quý mới nhất về 15.569 doanh nghiệp nhỏ của Đại học Bắc Kinh và Viện Nghiên cứu Tập đoàn Ant phác họa hình ảnh ngặt nghèo: Doanh số yếu ớt, lợi nhuận bằng không, doanh nghiệp nhỏ không đủ tiền để sống sót trong giai đoạn phong tỏa dài lâu.

Doanh thu trung bình chỉ bằng 30,6% mức trước đại dịch, trong khi đó 27% doanh nghiệp được hỏi đang chịu lỗ và 19,1% khác khó khăn lắm mới hòa vốn. Trung bình, dự trữ tiền của học sẽ cạn kiệt trong chưa đầy ba tháng nếu không có thêm doanh thu.

Theo khảo sát, các doanh nghiệp nhỏ lo lắng nhất về khả năng hòa vốn do họ đang chịu loạt gánh nặng bao gồm tiền thuê đất, giá hàng hóa và nhân công gia tăng. Có lẽ đây chính là nền tảng cho hướng dẫn mới nhất của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, yêu cầu các nền tảng giao đồ ăn như Meituan giảm thêm phí dịch vụ, đặc biệt là tại các khu vực đang bùng phát COVID-19.

Dụng ý của Bắc Kinh đằng sau cuộc bán tháo 96 tỷ USD Big Tech Trung Quốc - Ảnh 3.

Các nhà phân tích Phố Wall bày tỏ sự tự tin, tuyên bố cổ phiếu Meituan bị quá bán. Ví dụ, Goldman Sachs viết trong lưu ý ngày 20/2 rằng phí dịch vụ 5-6% của Meituan "thuộc hàng thấp nhất" trên toàn cầu. Nhưng từ góc độ của cơ quan hoạch định trung ương Trung Quốc, mức phí này vẫn rất cao đối với những hàng ăn nhỏ bé đang vật lộn để kiếm sống mỗi ngày.

Năm 2021, ước tính Meituan tạo ra 42,6 tỷ nhân dân tệ (6,7 tỷ USD) lợi nhuận gộp dựa trên tăng trưởng doanh thu 56%, cùng biên lợi nhuận đáng nể 23,8% theo các nhà phân tích mà Bloomberg khảo sát. Meituan có khả năng gánh đỡ một phần khó khăn của doanh nghiệp nhỏ.

Meituan không phải bên duy nhất phải chịu thiệt. Hàng loạt cơ quan từ ngân hàng trung ương đến bộ tài chính, đã được yêu cầu nhượng bộ, chẳng hạn như cấp thêm tài trợ và giảm thuế VAT. 

Quan chức địa phương cũng bị cảnh báo không quá nôn nóng trong việc thực thi biện pháp phong tỏa. Dấu hiệu này cho thấy các nhà hoạch định chính sách đang bắt đầu nhận ra rằng chính sách chống dịch nghiêm ngặt đang làm tổn thương tầng lớp lao động và nền kinh tế thực.

Kể từ khi ông Tập thúc đẩy "thịnh vượng chung" năm ngoái, nhiều nhà quan sát đã đặt câu hỏi phải chăng Trung Quốc đang chuyển sang chống tư bản. Nhưng đó là câu hỏi sai lầm. 

Những gì đang xảy ra là khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, Bắc Kinh sẽ sàng lọc mọi ngóc ngách của xã hội để tìm kiếm những nơi có tiền. Big Tech - từ Alibaba đến Tencent - sinh lời nhiều hơn các công ty còn lại. Do đó, họ sẽ được yêu cầu đóng góp vào lợi ích chung. Big Tech vẫn chưa thoát nạn nếu chiến dịch chống Covid vẫn chưa lùi vào dĩ vãng.

Giang