|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Bloomberg: Quan chức Trung Quốc đang trở thành những nhà đầu tư mạo hiểm

16:47 | 07/02/2022
Chia sẻ
Ở Trung Quốc bây giờ, các nhà đầu tư mạo hiểm hay rót vốn vào startup hoặc doanh nghiệp đang gặp trục trặc không chỉ bao gồm các quỹ mà còn có cả chính quyền các địa phương.

Đầu năm 2020, khi đại dịch COVID-19 suýt đẩy hãng xe điện Nio đến bờ vực phá sản, đối thủ danh tiếng bậc nhất của Tesla tại thị trường Trung Quốc đã bị các quỹ đầu tư mạo hiểm cùng các nhà đầu tư nước ngoài quay lưng.

Thời điểm đó, Nio đã tìm đến các nhà đầu tư mạo hiểm mới của Trung Quốc, cụ thể là các quan chức nhà nước. Chính quyền thành phố Hợp Phì đã cam kết chi 5 tỷ nhân dân tệ (tương đương 787 triệu USD) để mua lại 17% cổ phần mảng kinh doanh cốt lõi của Nio.

Hãng xe điện Trung Quốc đã cử một số giám đốc cấp cao từ Thượng Hải đến Hợp Phì và bắt đầu sản xuất xe điện tại thành phố này. Chính quyền trung ương và chính quyền tỉnh An Huy cũng "bắt tay" với Hợp Phì, đầu tư vào Nio nhưng với số vốn nhỏ hơn.

Bloomberg: Quan chức Trung Quốc đang trở thành những nhà đầu tư mạo hiểm - Ảnh 1.

Dây chuyền lắp ráp xe điện của Nio tại Hợp Phì. (Ảnh: Bloomberg).

Năm ngoái, Nio ghi nhận doanh số bán xe hơn 90.000 chiếc, đồng thời lần đầu tiên báo lãi kể từ khi thành lập. Thay vì mua thêm cổ phần để nắm quyền kiểm soát doanh nghiệp, chính quyền Hợp Phì đã tận dụng giá cổ phiếu đang trên đà tăng của Nio để thoái vốn sau khoảng một năm thâu tóm cổ phần, lợi nhuận thu về cao gấp 5,5 lần vốn đầu tư.

Ông Yu Aihua, quan chức hàng đầu của Hợp Phì, từng chia sẻ: "Từ khoản đầu tư ban đầu vào Nio, chúng tôi đã hái bộn tiền. Kiếm tiền cho chính quyền địa phương không phải là điều gì đáng xấu hổ, đó chỉ là kiếm tiền phục vụ người dân".

Theo Bloomberg, có thể nói chính quyền thành phố Hợp Phì đã tiên phong, góp phần thúc đẩy một chuyển biến lớn trong chủ nghĩa tư bản tại Trung Quốc, khi mà chính quyền địa phương giờ đây có thể thâu tóm cổ phần thiểu số trong các công ty tư nhân.

"Mô hình Hợp Phì"

Chính quyền địa phương tại Trung Quốc thường kiểm soát việc bán đất, thu lợi nhuận từ các doanh nghiệp nhà nước và có quan hệ mật thiết với các ngân hàng quốc doanh. Trong nhiều thập kỷ qua, họ hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân bằng cách bán đất với giá rẻ, trợ cấp, giảm thuế hoặc cho vay để khuyến khích đầu tư.

Gần đây, mô hình trên đã được nâng cấp để phù hợp với thời đại mới. Khi nền kinh tế tỷ dân chững lại và Bắc Kinh phải gồng mình kiểm soát khối nợ, chính quyền các địa phương giàu có bỗng trở thành các "hiệp sĩ trắng", ra tay giải cứu những công ty tư nhân đang gặp khó khăn.

Hợp Phì là địa phương đi đầu mô hình mới. Xét về tăng trưởng kinh tế, "mô hình Hợp Phì" mà truyền thông Trung Quốc ca ngợi dường như có hiệu quả. Trong một thập kỷ tính đến năm 2020, Hợp Phì là thành phố phát triển nhanh nhất tại Trung Quốc về GDP.

Hợp Phì hiện đang đầu tư vào hàng chục công ty trong các lĩnh vực bán dẫn, máy tính lượng tử và trí tuệ nhân tạo. Đây là các ngành trọng tâm trong kế hoạch của chính quyền trung ương nhằm tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế Trung Quốc vào năm 2035.

Bloomberg: Quan chức Trung Quốc đang trở thành những nhà đầu tư mạo hiểm - Ảnh 2.

Theo Bloomberg, ván cược mang lại thắng lợi đầu tiên cho Hợp Phì là BOE Technology Group, một hãng sản xuất màn hình điện tử thành lập năm 1993.

Khi BOE gặp khó khăn sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Hợp Phì đã hủy bỏ kế hoạch xây dựng tuyến tàu điện ngầm đầu tiên và rót hàng tỷ nhân dân tệ vào công ty này, với điều kiện BOE phải xây dựng nhà máy tại Hợp Phì.

Năm 2021, BOE đã vượt mặt Samsung Electronics của Hàn Quốc để trở thành nhà sản xuất màn hình LCD cho TV màn hình phẳng lớn nhất thế giới, chấm dứt sự phụ thuộc của Trung Quốc vào các nhà cung ứng nước ngoài. Nhà máy của BOE tại Hợp Phì còn tạo ra hàng chục nghìn việc làm cho người dân địa phương.

Những con số biết nói đầu tiên

Đến gần đây, các học giả mới có thể định lượng được "mô hình Hợp Phì" đang biến đổi nền kinh tế Trung Quốc như thế nào. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Chicago, Đại học Thanh Hoa và Đại học Hong Kong đã phân tích tất cả doanh nghiệp tại đất nước tỷ dân, tổng cộng hơn 37 triệu công ty.

Họ phát hiện ra rằng các doanh nghiệp này thuộc sở hữu của 62 triệu nhà đầu tư tư nhân cũng như khoảng 40.000 cơ quan nhà nước từ cấp trung ương đến cấp thành phố và thậm chí là các làng mạc nhỏ.

Ngoài ra, các công ty thuộc sở hữu của cơ quan nhà nước, hầu hết ở cấp chính quyền địa phương, cũng đang tăng cường quan hệ đối tác với doanh nghiệp tư nhân. Ngược lại, các doanh nhân hàng đầu Trung Quốc cũng kết nối với chính quyền nhà nước nhiều hơn.

Năm 2019, trong khoảng 7.500 chủ sở hữu doanh nghiệp giàu nhất tại Trung Quốc (được đánh giá theo quy mô vốn cá nhân rót vào các công ty mà họ sở hữu), hơn 50% có ít nhất một doanh nghiệp nhận vốn từ cơ quan nhà nước.

Xu hướng trên khiến các công ty như vậy "vừa không hoàn toàn là doanh nghiệp nhà nước vừa không thực sự là doanh nghiệp tư nhân", giáo sư Chang-Tai Hsieh tại Đại học Chicago nhấn mạnh.

Đối với lĩnh vực tư nhân, bắt tay với chính quyền địa phương giúp doanh nghiệp dễ dàng được phê duyệt xây dựng nhà máy mới hoặc giấy phép kinh doanh hơn, cũng như dễ nhận được hỗ trợ tài chính từ các ngân hàng nhà nước. Ngoài ra, doanh nghiệp tư nhân còn có được chiếc "khiên chắn" về chính trị.

Bloomberg đã lấy 6 startup xe điện lớn nhất Trung Quốc làm ví dụ. 5 trong 6 công ty có chính quyền địa phương là nhà đầu tư thiểu số. "30 năm trước, các công ty nhà nước từng sản xuất những thứ không ai muốn mua. Bây giờ, họ giống như các công ty đầu tư mạo hiểm hơn", ông Hsieh cho hay.

Bloomberg: Quan chức Trung Quốc đang trở thành những nhà đầu tư mạo hiểm - Ảnh 3.

(Ảnh minh họa: Bloomberg).

Rủi ro đầu tư kém hiệu quả, tiền của dân bị ném qua cửa sổ

Trong quá khứ, Mỹ và chính phủ các nước phương Tây khác đã cảnh giác với sức mạnh kinh tế của "chủ nghĩa tư bản nhà nước" tại Trung Quốc, vốn thường dính dáng tới trợ cấp không công bằng dành cho doanh nghiệp nhà nước.

Ngày nay, các nhà hoạch định chính sách thế giới còn cần phải chú ý tới một điểm khác, đó chính là các công ty tư nhân đang nhận hàng tỷ nhân dân tệ vốn đầu tư từ chính quyền địa phương.

"Điểm khác biệt giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò rất quan trọng để các nhà hoạch định chính sách quốc tế phân tích nền kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, ranh giới đó đang ngày càng xói mòn", giáo sư Meg Rithmire tại Trường Kinh doanh Harvard cho hay.

Chính quyền tại các nước đang phát triển khác cũng đang nắm cổ phần chiến lược tại các công ty tư nhân trên quy mô lớn để giảm bớt bất ổn kinh tế và xã hội, đơn cử như trường hợp của Brazil sau cú sốc kinh tế vĩ mô những năm 1980 và Malaysia những năm 1970.

Theo giáo sư Rithmire, trong cả hai trường hợp, chính quyền địa phương đã sử dụng cổ phần để gia tăng ảnh hưởng đến quyết định kinh doanh của công ty, dẫn đến đầu tư lãng phí và không hỗ trợ mấy cho tăng trưởng kinh tế quốc gia.

Tương tự với đầu tư mạo hiểm thông thường, khá nhiều khoản đầu tư của chính quyền địa phương tại Trung Quốc cũng từng chuốc lấy thất bại. Năm 2017, chính quyền thành phố Vũ Hán từng nắm giữ lượng cổ phần trị giá khoảng 200 triệu nhân dân tệ tại công ty Wuhan Hongxin Semiconductor Manufacturing (WHSM).

WHSM đặt mục tiêu tạo ra doanh thu 60 tỷ nhân dân tệ khi hoạt động 100% công suất. Tuy nhiên, vào năm ngoái, công ty này đã bị giải thể mà không tạo ra được bất kỳ con chip nào, Bloomberg ví dụ.

Theo bà Rithmire, các dự án đầu tư mạo hiểm của chính quyền địa phương tại Trung Quốc thường không hướng tới một tầm nhìn táo bạo cho tương lai, mà chủ yếu là để ngăn chặn sự sụp đổ của các công ty lớn, vốn có thể dẫn đến bất ổn về tài chính và xã hội.

Nếu chính quyền địa phương muốn tiền đầu tư vào các công ty tư nhân tạo ra lợi nhuận lớn, trước hết họ phải tránh can thiệp chính trị vào quyết định của doanh nghiệp, hai giáo sư Hsieh của Đại học Chicago và Rithmire của Trường Kinh doanh Havard gợi ý.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Yên Khê