|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Kinh tế cả thế giới lao đao nếu Trung Quốc từ bỏ 'vàng đen'

08:22 | 31/01/2022
Chia sẻ
Ngoài dầu mỏ, một loại nhiên liệu hóa thạch màu đen khác là than đá cũng đang đóng vai trò thiết yếu với kinh tế toàn cầu. Nếu Trung Quốc dừng sử dụng than để giảm khí thải, nền kinh tế thế giới sẽ phải gánh hậu quả nặng nề.
Kinh tế cả thế giới lao đao nếu Trung Quốc từ bỏ 'vàng đen' - Ảnh 1.

Trung Quốc là nước khai thác than nhiều nhất thế giới. (Ảnh minh họa: Visual China).

Bài học đau đớn khiến Trung Quốc trả giá đắt

Năm 1978, nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình tới thăm nhà máy thép lớn nhất Nhật Bản của Tập đoàn Nippon Steel. Ông hỏi Chủ tịch Nippon chi phí sản xuất một tấn thép là bao nhiêu và lập tức nhận được câu trả lời. 

Lãnh đạo Trung Quốc thấy con số này có vẻ khá hợp lý và quyết định nhập khẩu toàn bộ một nhà máy thép tương tự từ Nhật Bản về thành phố Thượng Hải.

Chi phí xây nhà máy này không hề rẻ, chiếm đến 70% tổng chi ngân sách của Trung Quốc trong một năm. Đến lúc chạy thử, các quan chức Trung Quốc mới ngã ngửa ra rằng nhà máy này tiêu tốn một lượng điện khổng lồ.

Một nửa thành phố Thượng Hải phải bị cắt điện thì nhà máy thép mới có đủ năng lượng để vận hành. Hệ quả là nhà máy đã hoàn thành nhưng phải tạm đắp chiếu.

Nhiều năm sau, Chủ tịch Nippon Steel là ông Yoshihiro Inayama đã về hưu và viết trong hồi ký của mình:

"Tôi không hề nói dối ông Đặng Tiểu Bình. Chi phí sản xuất thép ở Nhật Bản quả đúng là con số mà tôi đưa ra trong cuộc gặp năm 1978. Nhưng điều mà tôi không ngờ tới là công ty của tôi có thể mua điện trực tiếp ngay từ các nhà máy điện Nhật Bản còn Trung Quốc thì không có nguồn điện lớn đến vậy. Để chạy nhà máy thép, Trung Quốc phải nhập thêm một nhà máy điện từ Nhật Bản. Vậy là chi phí sản xuất thép ở Trung Quốc hóa ra lại cao hơn so với thép nhập khẩu".

Siêu cường sống nhờ than đá

Sau hơn 40 năm, Trung Quốc đã vươn lên trở thành nhà vô địch thế giới về sản xuất thép cũng như sản xuất năng lượng. Mỗi năm Trung Quốc cho ra lò khoảng 1 tỷ tấn thép, chiếm quá nửa tổng sản lượng toàn cầu.

Kinh tế cả thế giới lao đao nếu Trung Quốc từ bỏ 'vàng đen' - Ảnh 2.

Năm 2021, Trung Quốc tạo ra 8.112 tỷ kWh điện, tăng 8,1% so với năm trước. Khoảng 70% trong số này đến từ nhiệt điện, chủ yếu là các nhà máy chạy than.

Năm 2021, đất nước tỷ dân khai thác 4,07 tỷ tấn than, tăng 4,7% so với 2020 và tăng 5,6% so với năm 2019. Trong đó, lượng than nhập khẩu chỉ khoảng 320 triệu tấn, tương đương chưa đến 8% tổng sản lượng.

Kinh tế cả thế giới lao đao nếu Trung Quốc từ bỏ 'vàng đen' - Ảnh 3.

Vào tháng 10/2020, Carbon Brief – một tổ chức phi lợi nhuận của Anh - cho biết 8 tỉnh lớn nhất Trung Quốc dự kiến chi 6.200 tỷ nhân dân tệ (tương đương 913 tỷ USD) để đầu tư vào lĩnh vực năng lượng và giao thông. Chỉ riêng mảng nhiên liệu hóa thạch và các dự án đường sắt đã chiếm tới 1/3 tổng số vốn đầu tư nói trên, tương đương 309 tỷ USD.

Kế hoạch đầu tư vào các dự án phát thải thấp, hay "ít carbon", chỉ chiếm khoảng 13% tổng số. Cụ thể, các dự án "ít carbon" bao gồm việc phát triển năng lượng tái tạo như điện gió và mặt trời, đồng thời bao gồm năng lượng hạt nhân, xe điện, pin.

Báo cáo Theo dõi Năng lượng Toàn cầu (GEM) 2021 cho thấy Trung Quốc đẩy mạnh phát triển các nhà máy nhiệt điện than trong năm 2020.

Hầu hết các nước trên thế giới, dẫn đầu là Mỹ và EU, giảm khoảng 37,8 GW điện than nhưng riêng Trung Quốc xây thêm 38,4 GW, dẫn tới công suất điện than toàn cầu tăng lần đầu tiên kể từ 2015.

Than là nguồn năng lượng chính giúp cho Trung Quốc đạt được vị trí siêu cường kinh tế đầu thế kỷ 21, giống như than từng giúp nước Anh trở thành bá chủ toàn cầu trong thế kỷ 19. Trong 100 năm từ 1770 đến 1870, sản lượng than của Anh tăng 16 lần từ 6 triệu tấn lên 100 triệu tấn/năm.

Để có thể giữ được danh hiệu "công xưởng của thế giới", Trung Quốc phải tích cực khai thác than và giữ cho giá năng lượng ở mức thấp. 

Tại sao không dùng nhà máy điện dầu hay điện khí tự nhiên khi mà các loại nhiên liệu này ít gây ô nhiễm hơn so với than? Lý do đơn giản là trữ lượng dầu mỏ và khí tự nhiên của Trung Quốc không nhiều và giá thành cao hơn.

Theo thống kê của trang web địa chất Trung Quốc Earth Knowledge, trữ lượng dầu mỏ tính theo bình quân đầu người của Trung Quốc thấp hơn 92% so với trung bình toàn cầu, trữ lượng khí tự nhiên cũng thấp hơn khoảng 83%.

Kinh tế cả thế giới lao đao nếu Trung Quốc từ bỏ 'vàng đen' - Ảnh 5.

Thế giới sống sao nếu Trung Quốc bỏ than đá?

Than đá là loại nhiên liệu rẻ tiền nhưng gây ô nhiễm không khí trầm trọng, ảnh hưởng tới môi trường lớn hơn nhiều so với xăng dầu hay khí tự nhiên.

Theo ước tính của Forbes, than là nguồn nhiên liệu quan trọng nhất để tạo ra điện trên toàn cầu, chiếm khoảng 37-40%. Riêng tại Trung Quốc, than tạo ra khoảng 60-65% lượng điện và ở Ấn Độ là 68-73%.

Tháng 9/2021, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố trước toàn thể Liên Hợp quốc rằng Trung Quốc sẽ dừng xây dựng các nhà máy nhiệt điện than ở nước ngoài, đồng thời tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển chuyển đổi sang năng lượng xanh và nhiên liệu ít carbon.

Trung Quốc còn cam kết sẽ đạt được mục tiêu trung tính carbon vào năm 2060. Để hoàn thành những mục tiêu này, Bắc Kinh sẽ phải dần từ bỏ than đá và chuyển sang các loại năng lượng ít ô nhiễm hơn như dầu mỏ, khí tự nhiên và năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, ...

Giá của các loại nhiên liệu sạch hơn sẽ đắt hơn rất nhiều so với than đá. Chi phí thăm dò, khai thác, lưu kho dầu mỏ và khí đốt đều cao hơn than. Đó là chưa kể đến việc Trung Quốc không có sẵn nguồn dầu khí mà phải đi nhập của nước ngoài.

Theo thống kê của Liên Hợp quốc, Trung Quốc chiếm gần 29% tổng giá trị sản xuất toàn cầu. Nếu chi phí năng lượng ở Trung Quốc sẽ lên cao, giá cả nhiều loại hàng hóa từ điện thoại, laptop đến quần áo, bàn ghế ... trên toàn cầu đều tăng và người tiêu dùng khắp nơi đều bị ảnh hưởng.

Kinh tế cả thế giới lao đao nếu Trung Quốc từ bỏ 'vàng đen' - Ảnh 6.

Song Ngọc